(GDVN) - Chúng ta có thể thấy bộ quy tắc ứng xử rất cần thiết và phổ biến với mọi ngành nghề, đặc biệt với giáo dục - ngành đề cao sự chuẩn mực.
Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều lời phàn nàn về những ứng xử không đẹp trong môi trường giáo dục ở Việt Nam.
Các thông tin như học sinh không tôn trọng giáo viên, thầy cô đối xử không công bằng, thậm chí bạo lực với học sinh nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến hình ảnh giáo dục Việt Nam ngày càng tệ.
Theo các nhà chuyên môn, tình trạng này xảy ra một phần vì các trường ở Việt Nam chưa xây dựng được bộ quy tắc ứng xử làm kim chỉ nam cho mọi thành viên tuân thủ.
Trường học nào ở Việt Nam cũng có nội quy của trường nhưng nội dung còn rất sơ sài, giáo điều, thiếu cụ thể nên không phát huy được tác dụng. Trong khi đó, trên thế giới, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử rất phổ biến.
Theo Wikipedia, Quy tắc ứng xử (Code of Conduct) được hiểu là “một bộ quy tắc nhằm phác thảo tiêu chuẩn, quy tắc và trách nhiệm trong xã hội trong hành xử thực tế của cá nhân, tổ chức hay đảng phái.
Quy tắc ứng xử thông thường gắn với các khái niệm như đạo đức, danh dự hay tôn giáo”.
Năm 2007, Liên đoàn Kế toán Quốc tế (International Federation of Accountants) đưa ra khái niệm khác, cụ thể hơn:
“Bộ quy tắc ứng xử là những nguyên tắc, giá trị, chuẩn mực hoặc những quy tắc ứng xử để hướng dẫn việc ra quyết định, quy trình và hệ thống của một tổ chức nhằm đóng góp cho phúc lợi của những người hưởng lợi chính của tổ chức ấy, và tôn trọng quyền của tất cả những người chịu ảnh hưởng bởi công việc của tổ chức”.
Bộ Quy tắc ứng xử thường được xây dựng dựa trên ba yếu tố:
Thứ nhất, về Luật pháp: ứng xử của mọi thành viên trong tổ chức/ngành trước hết cần tuân thủ luật pháp.
Ví dụ, những năm 60 -70 của thế kỷ 20, việc giáo viên dùng hình phạt thể xác với học sinh từng rất phổ biến ở Hàn Quốc nhưng đến những năm 80 khi luật pháp cấm sử dụng vũ lực với trẻ em thì quy tắc ứng xử phải thay đổi.
Thứ hai, về Quy định của tổ chức: sau luật pháp, mỗi tổ chức đều có quy định riêng của mình dựa trên đặc thù của tổ chức, ví dụ trường dạy kinh doanh sẽ có quy định khác trường Y Dược; trường có xu hướng truyền thống sẽ khác trường hiện đại…
Thứ ba, về văn hoá vùng miền: Các trường phương Tây hẳn sẽ rất kinh ngạc trước ứng xử kiểu “Tiên học lễ, hậu học văn” của các trường trong khu vực ảnh hưởng của đạo Khổng ở châu Á cũng như việc các trường đạo Hồi buộc nữ sinh đi học phải bịt tóc hoặc che mặt.
Tuy nhiên, văn hoá không phải là bất biến mà luôn thay đổi khi môi trường thay đổi nên quy tắc ứng xử cũng phải thay đổi theo.
Như vậy, chúng ta có thể thấy bộ quy tắc ứng xử là rất cần thiết và phổ biến với mọi ngành nghề, đặc biệt với giáo dục - ngành đề cao sự chuẩn mực.
Nội dung quy tắc ứng xử của các trường cũng khác nhau, thông thường bao gồm: Nguyên tắc chung; Quy tắc ứng xử với bên ngoài như với cộng đồng, người có quyền lợi liên quan như phụ huynh, nhà cung cấp; Quy tắc ứng xử nội bộ như ứng xử giữa lãnh đạo với cán bộ giảng viên, giữa giảng viên với nhau và giảng viên với học sinh.
Tất cả những quy tắc ứng xử này được công bố rõ ràng ngay trên website của nhà trường.
Là một trong những trường đại học lớn và lâu đời nhất ở Canada, trường Geogre Brown đã sớm soạn và hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử dành cho toàn bộ sinh viên và cán bộ công nhân viên từ các giáo sư, giảng viên, trợ giảng tới từng nhân viên trong trường.
Trong bộ quy tắc soạn ra cho cán bộ công nhân viên, trường Geogre Brown nêu rõ những hành vi không phù hợp trong môi trường lớp học và cả môi trường học trực tuyến, ví dụ:
- Sử dụng từ ngữ thô bỉ, tục tĩu, khiêu dâm.
- Phê bình, bình luận hoặc có ứng xử có xu hướng phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, hoặc bằng cách khác phân biệt đối xử, theo quy định của bộ Luật nhân quyền địa phương, hoặc cho phép hay dung túng bất cứ học sinh nào trong lớp học làm như vậy.
-Tham gia vào các hành vi hoặc phê bình, bình luận mà có thể dễ dàng được hiểu là đe dọa, thiếu tôn trọng hoặc không đồng nhất với bộ quy tắc ứng xử cho sinh viên.
- Bằng hành động hoặc lời nói bóng gió, khuyến khích một môi trường lớp học bảo thủ, thiếu tôn trọng người khác, hoặc không phù hợp với bộ quy tắc ứng xử của học sinh.
- Sử dụng thời gian dạy và học trên lớp cho mục đích cá nhân, cổ xúy cho vấn đề tôn giáo, chính trị, nghị sự.
Tuy nhiên hướng dẫn này không hạn chế sinh viên và thầy cô nêu lên những quan điểm cá nhân về các vấn đề trên khi thảo luận liên quan đến những chủ đề đang được giảng dạy.
- Lan truyền những bình luận tiêu cực, gây tổn thương, hoặc những tin đồn thất thiệt.
Khuyến khích thảo luận cởi mở và nhận thông tin đánh giá, phản hồi từ sinh viên về hiệu quả các khóa học
Với sinh viên, giảng viên phải có nghĩa vụ:
- Chấm tất cả các bài kiểm tra, bài tập kịp thời và có trách nhiệm giải thích về khung điểm cách chấm điểm cũng như trả lời phản hồi cho sinh viên một cách thích hợp nhất;
- Nếu có một mối quan hệ (tồn tại từ trước) gây nên xung đột lợi ích giữa cán bộ công nhân viên với sinh viên (ví dụ giảng viên là họ hàng, vợ/chồng, bạn thân, người yêu của sinh viên) thì phải sắp xếp cho sinh viên đó học lớp khác.
Trong trường hợp không có lớp phù hợp, trưởng phòng đào tạo cần tiếp cận và giải quyết vấn đề nhằm đảm bảo lợi ích của giảng viên và những sinh viên khác.
- Lưu giữ điểm của các sinh viên trong tối thiểu là ba năm, và nếu hủy thì phải được xử lý theo quy định về tự do thông tin và bảo vệ của đạo luật bảo mật.
Chính nhờ có bộ quy tắc ứng xử rõ ràng, chi tiết, không giáo điều, các trường này có thể định hướng quan hệ thầy trò đúng mực, lành mạnh, góp phần quan trọng cho môi trường giáo dục văn minh, hiệu quả.
Ở Việt Nam, cho đến nay chưa trường nào có được bộ quy tắc tương tự.
Năm 2016, trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) do Ngân hàng thế giới khởi xướng và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức đề án Xây dựng chuẩn mực ứng xử thầy trò trong nhà trường và được rất nhiều trường hưởng ứng.
Hy vọng đây là tín hiệu tốt để tiến tới phổ cập bộ quy tắc ứng xử trong trường học sau này ở Việt Nam.