Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Đời sống hiệp hội từ góc nhìn của người dân

Người Đô Thị - Việc ban hành Luật về Hội như những kiến nghị ở trên sẽ tạo ra một động lực mới cho người dân thuộc mọi tầng lớp tham gia vào giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị ở Việt Nam...

Xã hội Việt Nam đã chứng kiến nhiều thay đổi quan trọng trong cuộc sống hiệp hội. 

Bên cạnh Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội, và các hội nghề nghiệp khác, ngày càng có nhiều các tổ chức xã hội dân sự đủ mọi thành phần, quy mô, lĩnh vực ra đời như các tổ chức phi chính phủ, quỹ, các câu lạc bộ sở thích, các tổ chức cộng đồng như hội đồng hương, hội cựu học sinh, hay các tổ chức từ thiện. Những tổ chức này đã đóng góp to lớn vào việc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, giáo dục thanh niên, vận động và góp ý cho chính sách nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích của các nhóm yếu thế… Tuy nhiên, các tổ chức này đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong việc phát triển về quy mô và năng lực...

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là quyền tự do hiệp hội chưa được ghi nhận đầy đủ, thiếu một khung pháp lý thúc đẩy đời sống hiệp hội của người dân… Chính vì vậy, một luật về hội tôn trọng quyền tự do hiệp hội, thúc đẩy người dân hợp tác, tự chủ, tự giải quyết các vấn đề của mình sẽ là chất xúc tác cho sự hưng thịnh của xã hội Việt Nam. Để làm được điều này, Luật về Hội cần phản ánh những nội dung quan trọng dưới đây:

Thứ nhất, quyền lập hội là quyền dân sự nên cần tôn trọng tinh thần “nhà nước công nhận hợp đồng dân sự lập hội của người dân”, vì vậy Luật về Hội cần áp dụng “thủ tục mang tính thông báo” (mô hình đăng ký) hơn là “thủ tục phê duyệt trước” (mô hình xin - cho) cho tất cả các loại hình hội, kể cả hội có thành viên hay hội không có thành viên (NGO, quỹ)...

Thứ hai, Luật về Hội không nên giới hạn địa bàn hoạt động theo địa điểm hành chính nơi hội đăng ký trụ sở chính. Cụ thể, khi hội đăng ký ở một địa phương (ví dụ ở Huế), nhưng có quyền hoạt động trên toàn quốc, thậm chí khu vực và quốc tế...

Thứ ba, Luật về Hội không được quy định một địa phương trong một lĩnh vực chỉ được có một hội hoạt động vì như vậy là hạn chế quyền tự do hiệp hội của người dân.

Thứ tư, Luật về Hội cần công nhận và bảo vệ hoạt động hợp pháp của hội không có tư cách pháp nhân (hội không đăng ký). Trên thực tế, có nhiều hội, nhóm không cần đăng ký và không muốn đăng ký như dòng họ, hội đồng hương, hoặc hội cựu sinh viên. Việc này là phù hợp và đỡ tốn chi phí xã hội. Tất nhiên, từ khía cạnh dân sự, hội không có tư cách pháp nhân có thể không được công nhận và bảo vệ một số quyền, như sở hữu tài sản, giao dịch dân sự, và trách nhiệm pháp lý như hội có tư cách pháp nhân.

Thứ năm, Luật về Hội cần cho phép doanh nghiệp và cá nhân ghi phần đóng góp tài chính cho hội để thúc đẩy các mục đích vì lợi ích công cộng như là chi phí trước khi tính thuế, và chỉ cần đăng ký các khoản viện trợ nước ngoài hơn là phải xin phê duyệt khó khăn như hiện nay. Luật cần định nghĩa các hoạt động mang tính lợi ích công cộng (ví dụ như giảm nghèo, bảo vệ môi trường, giáo dục, văn hóa), nếu hội triển khai các hoạt động này thì bản thân hội và các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp cho hội sẽ được miễn thuế cho phần đóng góp đó. Hội và các tổ chức phi lợi nhuận cũng được quyền nhận tài trợ từ các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, tổ chức các hoạt động gây quỹ, kinh doanh và thu lời để phục vụ cho mục đích công cộng mà không phải chịu thuế...

Thứ sáu, Luật về Hội cần bảo vệ tính tự chủ về tài chính, tự quyết về lãnh đạo và tự chịu trách nhiệm về điều lệ và hoạt động của hội. Cụ thể, Nhà nước không được can thiệp vào nội dung điều lệ của hội, việc bầu chọn ban lãnh đạo của các hội hay cử người của mình vào ban lãnh đạo hội.

Thứ bảy, Luật về Hội chỉ được hạn chế quyền tự do hiệp hội trong trường hợp cần thiết cho một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia hoặc an toàn, trật tự công cộng, bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội, bảo vệ các quyền và tự do của người khác, và các hạn chế này phải ghi trong luật. Tuy nhiên, việc hạn chế này phải cụ thể, rõ ràng theo chuẩn mực quốc tế và như quy định trong điều 14 của Hiến pháp.

Thứ tám, Luật về Hội phải quy định theo hướng khi người dân có nhu cầu lập hội thì Nhà nước không có quyền từ chối nếu không có căn cứ đầy đủ và lý do chính đáng. Trong trường hợp bị từ chối lập hội, hoặc đình chỉ, giải tán không thỏa đáng thì người dân có quyền khiếu nại theo thủ tục hành chính và khởi kiện ra tòa.

Thứ chín, Luật về Hội nên điều chỉnh MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nếu Nhà nước coi các hội này hoạt động xã hội dân sự chứ không phải hoạt động chính trị quyền lực nhà nước. Để quyết định điều này, Nhà nước cần định nghĩa rõ bản chất của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Nếu không coi họ là hội hoạt động xã hội, dân sự, mà là tổ chức chính trị gắn liền với hoạt động quyền lực nhà nước, thì nên có luật riêng, không điều chỉnh trong Luật về Hội. Nếu Nhà nước xác định các tổ chức này là hội hoạt động xã hội dân sự, thì Luật về Hội cần điều chỉnh MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây cũng là ý kiến của 84% người tham gia khảo sát khi được hỏi liệu Luật về Hội có điều chỉnh MTTQ và các đoàn thể hay không...

Việc ban hành Luật về Hội như những kiến nghị ở trên sẽ tạo ra một động lực mới cho người dân thuộc mọi tầng lớp tham gia vào giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị ở Việt Nam. Các hội mới hình thành sẽ hỗ trợ Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề đạo đức nghề nghiệp, chống thực phẩm bẩn, hoặc gian dối trong đời sống xã hội - những vấn đề mà riêng luật pháp sẽ không giải quyết được mà cần có chuẩn mực xã hội tạo ra bởi đời sống hội để điều chỉnh hành vi. Đời sống hội cũng sẽ thúc đẩy hợp tác, giao lưu và tương trợ, tạo ra vốn xã hội giàu có và nhân văn, giúp cho các cá nhân và cộng đồng chống chịu và vượt qua các cú sốc trong cuộc sống.

Việc hình thành các hội tự chủ cũng sẽ giúp cân bằng quyền lực, chống lại sự cấu kết của các nhóm lợi ích và công quyền, giúp cho xã hội vận hành cân bằng, minh bạch và hiệu quả hơn. Môi trường thành lập hội tự do cũng sẽ tự khai thông các nguồn lực trong xã hội, giúp chi trả cho hoạt động hội theo hướng cạnh tranh và hiệu quả nhất, không tiêu tốn ngân sách nhà nước, không làm méo mó lợi ích do sự bất cân bằng trong tự do hiệp hội tạo ra.
***

Kiến nghị Quốc hội chưa thông qua Luật về Hội

Ngày 23.10, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã có văn bản gởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật Quốc hội, kiến nghị hoãn thông qua dự án Luật về Hội. Văn bản góp ý, đề xuất nhiều nội dung cụ thể cho dự thảo luật, đồng thời cho rằng dự thảo Luật về Hội có tác động lớn đến toàn xã hội thì trước hết cơ quan thẩm tra cần có đủ thông tin đánh giá hiện trạng, kết quả hoạt động, sự đóng góp của các hội; kinh nghiệm quốc tế; ảnh hưởng và tác động của từng chính sách đối với xã hội. Mặc dù đã trải qua hai lần Quốc hội xem xét, nhưng việc tổng kết nghiên cứu, đánh giá tác động vẫn còn thiếu hệ thống và còn nhiều bất cập. Do đó Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đề nghị chưa thông qua luật này tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14; tiếp tục điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện và xem xét thông qua vào kỳ họp tới.