Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Đừng nhấn chìm đời trong bia rượu

Đặng Quỳnh Giang

(TBKTSG) - Với mong muốn bá tánh sống an lành, hạnh phúc, tránh được những hậu quả xấu, Đức Phật dạy Phật tử nói riêng và bá tánh nói chung phải tránh được năm điều cấm (ngũ giới): không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.

Thoạt nghe thì có vẻ không quá khó khăn, nhưng để thực hiện được rốt ráo lời răn này của Phật thì đó là những thử thách ghê gớm, đặc biệt với những kẻ phàm phu như chúng ta. Với người Việt, giữ giới nào là khó nhất? Tôi cho rằng đó là lời nguyện không uống rượu.

Thật ra, bản thân rượu không có tội, mà ngược lại, rượu rất quan trọng và cần thiết trong đời sống hàng ngày từ xưa đến nay, nhất là với một quốc gia Á Đông như chúng ta. Rượu là phương tiện để câu chuyện thêm đậm đà, thú vị; là lễ vật dâng cúng tổ tiên, trời đất; là chất xúc tác không thể thiếu trong các cuộc vui, và rượu cũng là một phương thuốc quý. Đức Phật chỉ cấm những ai sử dụng rượu không đúng mục đích, gây khổ đau, oan trái, muộn phiền và mất an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội. Thậm chí, rượu có thể khiến con người quay lại phạm vào bốn giới còn lại như câu chuyện thời Đức Phật còn tại thế: có người uống rượu say mà phạm gian với vợ người khác, rồi bắt gà của người ta làm thịt ăn, đến khi người ta hỏi thì chối không làm gì cả.

Tiếc thay, hiện giờ, uống rượu bia đối với nhiều người Việt như một lẽ sống, như là cách để thể hiện bản thân. Để rồi, Việt Nam đang được xem là “quốc gia say xỉn” với tỷ lệ người uống rượu bia cao nhất hành tinh: 77% tỷ lệ nam giới của Việt Nam sử dụng rượu bia so với mức trung bình của thế giới là 44%. Đáng lo hơn, tỷ lệ này có xu hướng tăng nhanh theo mỗi năm. Để rồi, tình trạng bạo hành gia đình, tai nạn giao thông, bệnh tật hiểm nghèo của nước ta vẫn luôn ở mức cao nhất của thế giới mà một trong những thủ phạm chính là bia rượu. Để rồi mỗi năm, chi phí cho việc “nhậu” của chúng ta là 3 tỉ đô la Mỹ, tương đương 0,7% GDP. Đây chắc chắn còn là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến người Việt có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới.

Người ta viện đủ lý do để hợp lý hóa việc nhậu nhẹt.

Ra đường là thấy đầy quán nhậu mà quán nào cũng la liệt khách ngồi từ trong ra ngoài.

Trên các phương tiện truyền thông, người ta cổ xúy nhậu một cách công khai và mạnh mẽ vào các giờ vàng bằng những thông điệp quảng cáo rất kêu.

Trong xóm tôi có một đôi vợ chồng trẻ và một con nhỏ cùng bà ngoại của nó thuê một phòng trọ khá đẹp. Nhưng với bốn người ở, căn phòng tầm 15 mét vuông tương đối chật hẹp. Giá phòng ở đây là 1,5 triệu đồng/tháng, chỉ sau hai tháng thì gia đình đã phải quay trở lại phòng thuê cũ để bớt được 500.000 đồng/tháng.

Thật ra, thu nhập của họ không đến nỗi không thể kham thêm khoản tiền thuê nhà 500.000 đồng/tháng ấy, vấn đề là anh chồng tuần nào cũng đi nhậu bốn năm bận sau giờ làm việc. Tuy nhậu về, anh không quậy phá, chỉ lặng lẽ ngủ và hôm sau tiếp tục đi làm. Nhưng anh lại chấp nhận đưa gia đình quay lại nơi ở cũ chứ không thể bỏ thói quen “lai rai” mà chi phí cho các cuộc nhậu thừa sức bù phần chênh lệch tiền phòng.

Còn nhiều câu chuyện khác. Như nhiều đồng nghiệp của tôi có thể thiếu tiền mua sữa cho con, đến kỳ trả tiền thuê nhà phải chạy vạy mượn thêm nhưng cuối ngày, cuối tuần lại không thể không tụ tập tiệc tùng với bè bạn, chiến hữu. Hay như gia đình người anh họ của tôi có hai con nhỏ, vợ làm giáo viên, chồng làm quản lý cho một doanh nghiệp nhà nước. Anh chồng đi làm cách nhà 15 cây số bằng ô tô nhưng chỉ về nhà vào cuối tuần, vì các ngày trong tuần anh thường phải tiếp khách sau giờ làm việc, tiếp khách xong cũng đã say nên không đi xa được. Một thời gian sau, cô vợ bất mãn đến cơ quan nhờ sếp của chồng can thiệp thì từ đó, anh chồng siêng về nhà hơn.

Bia rượu, ẩm thực gắn với lịch sử phát triển của loài người và đã trở thành nghệ thuật, giá trị văn hóa của nhân loại. Thậm chí đây còn là ngành kinh tế chủ chốt của nhiều quốc gia. Ở các nước phương Tây, người ta có nhiều lễ hội bia rượu để quảng bá, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy công nghiệp sản xuất bia rượu, phát triển kinh tế. Đãi rượu, trong nhiều tình huống, cũng là cách thuận tiện và gẫn gũi nhất để người ta nói chuyện, chia sẻ tâm giao hay kết nối những quan hệ làm ăn. Đó cũng là cách con người thưởng thức, nhấm nháp hương vị cuộc sống.

Nhưng với người Việt hiện nay, việc sử dụng bia rượu đã vượt ra khỏi ý nghĩa của nó, trở thành chất xúc tác cho những cuộc lên đồng tập thể, cho quá trình tha hóa, biến chất của con người, kìm hãm xã hội trong u mê, đảo điên, tăm tối. Thay đổi thói quen bia rượu, do đó, là liều thuốc tiên để người Việt trước hết cứu bản thân, gia đình và sau nữa, cứu xã hội ra khỏi cơn say triền miên.