VNN - Không hiểu sao, cứ đến tháng 10, tháng Hà Nội kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô, tôi lại nghĩ đến kinh thành Thăng Long ngàn năm, nghĩ đến “ Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn. Và mỗi lần đọc “Chiếu dời đô”, tôi lại nghĩ đến triết lý cái sâu xa của bậc tiền nhân.
“Trên cung kính mệnh trời, dưới dựa theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi, cho phúc nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”. Hơn mười thế kỷ đã trôi qua, biết bao đổi thay trong cuộc đời dâu bể, nhưng, câu nói trên của Lý Công Uẩn trong “Chiếu dời đô” vẫn nguyên giá trị, vẫn mới mẻ, vẫn là bài học lớn cho đất nước chúng ta.
Chẳng phải những năm kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giành độc lập cho tổ quốc, chúng ta đã vâng mệnh trời và theo ý dân nên được trời đất và nhân dân ủng hộ, kháng chiến đã thành công đó sao!
Thế nhưng, sau đó có những thời điểm chúng ta đã coi thường mệnh trời và ý dân, kết quả ra sao thì ai cũng rõ.
Mệnh trời phải chăng là quy luật tự nhiên? trời sinh ra muôn loài, không có loài nào đáng phải tuyệt diệt. Trời sinh ra sông biển, sông phải chảy, biển phải có lúc vơi, lúc đầy. Có nắng, có mưa, đêm ngày tuần hoàn, thay đổi.
Không làm theo mệnh trời là không làm theo quy luật tự nhiên, là phá vỡ thế cân bằng của trời đất, phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên ,dẫn đến việc phá vỡ tầng ô dôn mà ta vẫn thường nói…
Có một thời, ta làm theo ý chí, bất chấp quy luật tự nhiên, cái mà ta thường gọi là ý chí luận. Ta phá rừng, ta phá chùa, ta săn bắt thú rừng, làm phá vỡ sinh thái, kết quả là lũ lụt tàn hại, rồi hạn hán, mất mùa, nhiều nơi điêu đứng.
Có một thời ta bất chấp các quy luật xã hội, muốn triệt tiêu cái tôi bản thế, dẫn đến triệt tiêu động lực làm giàu chân chính của người dân, muốn tất cả đều cào bằng, tất cả đều là “Của chung”, là cái thời ta vẫn gọi là “Bình quân, bao cấp.”
Kết quả là đói ăn, thiếu mặc, nước nghèo, dân khổ!
Công cuộc đổi mới thực ra là chúng ta đã nhận thức được phần nào cái giá phải trả cho sự ấu trĩ, coi thường quy luật tự nhiên, quy luật xã hội. Thực ra là chúng ta đã biết sợ mệnh trời, biết được không làm theo ý dân là thế nào?! Cái giá phải trả cho sự chủ quan, tùy tiện, cho tư duy bao cấp, ý chí luận!
Bây giờ, sau 30 năm đổi mới, đất nước có nhiều thay đổi, nhưng không phải là chúng ta đã tuân thủ các quy luật tự nhiên, quy luật xã hội một cách khoa học, một cách triệt để. Nhiều việc chúng ta làm cũng chưa “Trên cung kính mệnh trời, dưới dựa theo ý dân” như đức Thái Tổ đã viết trong “Chiếu dời đô”.
Việc phát triển kinh tế theo chiều rộng, dàn trải, để cho các nhà đầu tư vào nước ta với bất cứ giá nào… như nhiều nhà khoa học đã lên tiếng trên nhiều diễn đàn đã tàn phá môi trường, làm tài nguyên cạn kiệt. Một vụ VEDAN, một vụ Fomosa… Việc làm theo ý chí, mong muốn chủ quan đã nảy sinh không chỉ một VINASHIN?!
Có thể kể ra nhiều việc khác nữa, về tàn phá môi trường, về việc chưa làm theo ý nguyện chính đáng của người dân, còn thiếu minh bạch, công khai từ đó nẩy sinh nạn tham nhũng, cửa quyền dẫn đến kiện cáo, tranh chấp, làm xói mòn niềm tin trong dân chúng…
Bởi vậy, người viết bài này thiển nghĩ, tất cả chúng ta, nhất là những người lãnh đạo, quản lý cần đọc kỹ từng câu, từng chữ “Chiếu dời đô”? để khi làm bất cứ việc gì có liên quan đến nhân dân, đất nước, cũng nhất thiết “Trên cung kính mệnh trời, đưới dựa theo ý dân”, cũng luôn tuân theo các quy luật của tự nhiên và xã hội, để rồi “Nếu thấy thuận tiện thì thay đổi”, chứ quyết không khư khư cho rằng mình đúng. Có như vậy mới làm cho “Phúc nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”.
Mới thực sự thấm nhuần tư tưởng cao đẹp, luôn luôn mới mẻ của các bậc tiền nhân.