Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Thủ phạm vô danh tính

Phạm Trung Tuyến

(Dân Việt) Tê tái bởi cá đã chết, biển đã chết, nhưng thủ phạm bỗng nhiên vô danh tính. Không có một cái tên cụ thể nào là tác nhân của thảm họa.

Biển đã chết, cá đã chết. Hậu quả của việc cấp phép cho Formosa thuê đất làm nhà máy đã rõ ràng. Sự sai trái đã rõ ràng, song điều cay đắng là toàn bộ câu chuyện sai trái ấy đều được hình thành bởi một vòng tròn không sai sót về mặt thủ tục, bởi một quy trình đã được mặc nhiên thừa nhận sự đúng đắn. 

Ông Võ Kim Cự, nguyên Trưởng ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, suốt hai tháng qua trở thành người đàn ông bị phóng viên săn đuổi gắt gao. Và khi người đàn ông bị săn đuổi đó quyết định đối mặt với sự truy vấn của báo chí thì tất cả chúng ta đều đối mặt với một sự thật tê tái.

Tê tái bởi cá đã chết, biển đã chết, nhưng thủ phạm bỗng nhiên vô danh tính. Không có một cái tên cụ thể nào là tác nhân của thảm họa. Võ Kim Cự, hay bất cứ ai khác dưới gầm trời này, dù quyền uy đến đâu cũng không thể một mình tự thẩm định và tự cấp phép cho Formosa, như ông đã nói: “Chưa bộ nào không đồng ý Formosa!”.

“Chưa bộ nào không đồng ý Formosa!” – Đó là một sự thật! Cho dù rất khó để chấp nhận rằng không có một cá nhân nào thực sự mang đến thảm họa Formosa, nhưng chúng ta vẫn buộc phải chấp nhận cái quy trình tạo nên thảm họa đó, một quy trình không thể được tạo thành chỉ bởi một cá nhân, một quy trình mà lẽ ra nếu có bất kỳ sự sai trái nào cũng sẽ được giám sát và phát hiện.

Báo Dân Trí dẫn lời một lãnh đạo ngành Thanh tra cho rằng ông Võ Kim Cự trả lời lấp liếm, là trả lời sai. Trách nhiệm của ông Võ Kim Cự đã được chỉ rõ trong kết luận thanh tra năm 2014.

Vậy thì vì sao việc sửa sai không được thực hiện, để hơn một năm sau, biển chết vì sự sai trái đó?

Thảm họa Formosa liệu có thể đã không xảy ra? Có thể chứ, nếu như cơ chế giám sát được vận hành một cách đúng đắn, nếu như các cơ quan chức năng thực thi việc giám sát cái quy trình cấp phép ấy làm đúng phận sự của mình, thì hậu quả đã không thể xảy ra.

Đánh giá tác động và giám sát ảnh hưởng của Formosa đối với môi trường đã được thực hiện như thế nào trong những năm dài đằng đẵng đã qua? Thành viên hội đồng thẩm định để cấp phép cho Formosa là những ai? Dù là tập thể, nhưng tập thể đó được hình thành bởi những con người cụ thể, có tên tuổi, có chức vụ, với những chức năng và quyền hạn được quy định rõ ràng.

Thanh tra Chính phủ đã kết luận những nội dung sai trái. Vậy ai chịu trách nhiệm về việc những vấn đề trong kết luận thanh tra không được tiếp nhận, khiến cho kết quả thanh tra bị vô hiệu hóa hơn một năm qua?

Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh từ năm 2008. Trong suốt 8 năm, những đồng tiền từ Formosa là thành tích, là những nụ cười hỷ hả, là những buổi lễ khánh thành các hạng mục đầu tư được diễn ra long trọng với rất nhiều khuôn mặt. Trong gần một thập kỷ, hệ thống giám sát hoàn toàn tê liệt, không có bất cứ cảnh báo nào về hậu quả của Formosa được ghi nhận để tiến hành điều trần.

Không có bất cứ một hệ thống giám sát nào hoàn hảo tuyệt đối, cũng không có bất cứ quy trình quản trị nào hoàn toàn trơn tru. Các cơ chế giám sát được sinh ra nhằm đảm bảo những lỗi vận hành sẽ được sửa chữa, khắc phục khi sự cố xảy ra. Nhưng cơ chế giám sát đã không thể vận hành như kỳ vọng.  Đó phải chăng là điều khiến cho những quy trình quản trị có thể trở thành quy trình tạo ra những thảm họa?