(TBKTSG) - Trong bài viết >> Đừng để lạnh bên trong đăng trên Tuổi trẻ cuối tuần cách nay chưa lâu, TS. Lê Thị Thành Tâm có kể lại một cuộc đối thoại thú vị giữa tác giả - một bệnh nhân bị hành hạ bởi chứng mất ngủ và đau đầu với một nữ bác sĩ người Nhật. Điều thú vị là vị bác sĩ này đã chữa trị cho bệnh nhân theo một phương pháp hết sức phương Đông. Bác sĩ đã giúp bệnh nhân nhận ra một vấn đề cơ bản: sức khỏe của con người phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của thế giới nội tâm.
Nếu tâm chứa đầy những cảm giác thù hận, nóng nảy, âu lo, phiền muộn thì trước hết các bộ phận trong nội tạng - như gan, phổi, lá lách sẽ bị lạnh. Dần dà, cơ thể sẽ hao mòn, tiều tụy và... đổ bệnh. Thông điệp “đừng để lạnh bên trong” có thể hiểu một cách trần trụi là muốn sức khỏe tốt thì đừng để nội tạng bị lạnh nhưng cũng còn có thể hiểu là không nên “nuôi” trong tâm mình những ý nghĩ, những xúc cảm tiêu cực.
Dĩ nhiên, dù hiểu theo nghĩa nào thì “lạnh bên trong” cũng không bao giờ tốt cả. Nhưng “nóng bên trong” cũng đáng sợ không kém và theo quan sát của người viết, hình như, với người Việt Nam bây giờ, giữa hai cực nóng - lạnh, cái bên trong của họ nghiêng về cực nóng nhiều hơn.
Thế giới nội tâm của người Việt thời hiện đại đang bị thiêu đốt bởi ba ngọn lửa: tham, sân, si. Mà trong đó, lửa tham là ngọn lửa dễ thấy nhất, để lại những hậu quả nặng nề nhất đối với cuộc sống của từng cá nhân, từng gia đình và toàn xã hội.
Theo cách khái quát của đạo Phật, con người có năm cái tham lớn (ngũ dục): sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Người Việt trong quá khứ cũng mắc bệnh tham rất nặng. Trong thư tịch cổ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, đặc biệt là truyện tiếu lâm, hiện lên vô số kẻ tham cùng các tật tham của người Việt. Có kẻ, ở ngôi quân vương, phú quý vinh hoa tột cùng vẫn chưa thỏa nên không ngừng bổ sưu cao thuế nặng lên đầu dân chúng, sinh hoạt xa hoa, trụy lạc, mặc sức tàn sát công thần và dân đen vô tội, đẩy đất nước vào cảnh đại loạn. Có kẻ, ở hàng bình dân, ham tiền hơn tính mạng, thà chết chứ không chịu mất tiền.
Và dường như chưa bao giờ lòng tham trong một số người lại bùng lên dữ dội như hiện nay. Dưới sức nóng của lửa tham, con người đánh mất trí khôn, quên hết đạo lý, không còn khả năng tự chủ, trở nên đảo điên, mê muội. Người thì khao khát quyền lực và tìm mọi biện pháp để nắm giữ, độc chiếm quyền lực, biến quyền lực và lợi ích của xã hội thành quyền lực và lợi ích của bản thân, gia đình, dòng họ. Người thì chỉ vì tôn thờ tiền bạc mà sử dụng trăm phương ngàn kế thực hiện cho bằng được các dự án lớn nhỏ, bất kể các dự án ấy sẽ hủy diệt môi trường tự nhiên và bức hại cuộc sống của hàng triệu người trong hiện tại lẫn tương lai. Người thì mê đắm sắc dục và sẵn sàng đánh đổi mọi thứ đang có - kể cả danh dự, vợ đẹp, con khôn - để một lòng một dạ chạy theo tiếng gọi khó cưỡng của nó. Người thì chỉ vì lợi ích ngắn ngủi trước mắt mà sẵn sàng đầu độc đồng loại bằng đủ loại hóa chất...
Nếu những đau khổ trong tâm có thể làm âm hóa nội tạng thì cái nóng của lửa tham còn nguy hiểm hơn nhiều vì nó có thể đẩy con người xuống vực thẳm. Nếu thử nhìn vào cuộc đời chìm nổi của không ít người trong xã hội Việt Nam ngày nay, những người từng một thời là đại gia có “máu mặt”, tiền hô hậu ủng, chúng ta sẽ thấy rằng, dục vọng và tiền bạc hóa ra lại là đầu mối của khổ đau và bi kịch. Trong khi phú quý vinh hoa trôi mau như nước chảy dưới chân cầu, thì suốt quãng đời còn lại, họ phải đối diện và vật lộn với một sự thật bạc bẽo: vỡ nợ, kiệt cùng, lao tù, cô đơn, hận thù, dằn vặt, nuối tiếc. Và nhiều đại gia khác, tuy chưa phải ra trước vành móng ngựa nhưng cũng đang nhấp nhổm như ngồi trên lò lửa khi các hồ sơ làm giàu bất chính đang dần lộ ra trước ánh sáng công luận. Nếu nhìn trên diện rộng, chúng ta sẽ thấy một nghịch lý, con người càng sốt sắng thu vén lợi ích cá nhân, càng quay lưng với xã hội bên ngoài, càng yên chí với hạnh phúc trong ốc đảo cá nhân bao nhiêu thì lại càng đau khổ, bất an, mong manh bấy nhiêu. Cũng phải thôi, có ốc đảo cá nhân nào giữ được sự bình yên khi xã hội xung quanh anh ta đang bị sa mạc hóa bởi sự suy đồi đạo đức, băng hoại nhân phẩm mà chính anh ta cũng là một tác nhân góp phần vào quá trình xuống cấp đó.
Rõ ràng, dù bên trong nóng hay lạnh, cả hai trạng thái này đều không lợi ích gì cho hạnh phúc của cá nhân và cộng đồng. Con đường trung đạo để người Việt Nam chúng ta chạm vào hạnh phúc, xét cho cùng, là nương theo đạo lý ngàn đời của dân tộc: tin sâu nhân quả, khoan dung, độ lượng, vị tha.
(*) Khoa Việt Nam học và tiếng Việt (VSL) - Đại học Quốc gia Hà Nội.
(1) http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-hoa-nghe-thuat/20160926/dung-de-lanh-ben-trong/1176207.html