TTCT - Tôi bị chứng đau nửa đầu, có lẽ di truyền từ cha tôi. Với niềm tin đó, tôi không chữa bệnh, vì nghi bệnh di truyền nên có chữa cũng bị lại. Nhưng khi sang Nhật tôi không chịu nổi và quyết định đi khám.
Một người bạn Nhật đưa tôi đến phòng khám ở khu Kunitachi, Tokyo. Bước vào nhà của bác sĩ, tôi thấy ấm áp với nụ cười phúc hậu của bà. Tôi được đưa vào một căn phòng nhỏ xinh xắn, đơn sơ, có tiếng nhạc rất nhỏ, dịu dàng.
Bác sĩ nói một thứ tiếng Anh lịch thiệp. Bà hỏi tôi về chứng đau đầu. Tôi hồn nhiên khoe tôi đã bị đau 20 năm nay, giờ thì rất mệt mỏi. Tôi có một tháng không ngủ, một tháng ngủ được hai tiếng một đêm, và một tháng ngủ được 4-5 tiếng.
Bác sĩ nói bà chưa từng gặp bệnh nhân nào như vậy. Tôi nghĩ chắc bà sẽ khám cho tôi như các bệnh viện mà tôi từng đi.
Không phải. Bà lấy khăn quấn vào đầu tôi và đặt hai tay lên đó. Tôi thấy hơi nóng bắt đầu tăng dần nơi tay bà. Sau đó, người tôi rất ấm và dễ chịu. Lát sau, bà lại đổi tư thế, phủ khăn lên mắt tôi, đặt hai tay vào đó. Cứ như thế đến 30 phút, hết nơi này đến nơi khác trên cơ thể tôi.
Rồi bà bỏ khăn ra và nói chuyện với tôi. “Có ai làm cô tức giận lắm à? Cô đã đau khổ tức giận quá lâu, gan cô lạnh ngắt, suy yếu. Vì thế, nó ảnh hưởng đến mắt và gây đau đầu liên tục”. Tôi cười phá. Tôi nói ai chẳng có lúc tức giận. Bà cũng cười tươi và nói: “Nhưng cô tức giận nhiều quá, lâu quá”.
Bỗng dưng nước mắt tôi ứa ra. Tôi vẫn cười và nói: “Nhưng tôi sống rất nhẹ nhàng”. Bà nhìn tôi lém lỉnh: “Nhẹ bên ngoài, bên trong thì nổi giận”.
Tôi không nghĩ buổi đi khám bệnh của mình lại như thế này. Tôi không muốn “nội tạng”, “nội tâm” của mình bị phơi bày ra ngoài. Rồi lúc đó, tôi cũng chợt nhận ra “hình như tôi đang nổi giận bằng cách cười rất tươi”.
Tôi chấp nhận phương pháp của bác sĩ và tiếp tục nằm để bà khám tiếp. Lát sau, bác sĩ nói: “Cô có gì buồn bã quá hay sao? Phổi phía sau của cô rất lạnh”.
Tôi cười nhưng không cãi lại như lúc đầu. Sau đó, bác sĩ xoa tay vào vùng bụng của tôi và nói: “Lá lách của cô cũng đang bị mệt, cô đã lo nghĩ quá nhiều”. Đến lúc này, tôi hết chịu nổi lại phá lên cười to. “Ôi, bác sĩ ơi, thế thì bên trong hỏng hết rồi ạ?” - tôi hỏi.
Bác sĩ cũng cười với tôi, nhưng rồi bà thì thầm: “Con gái cô đang ngồi chờ cô ngoài kia. Khi cô vui vẻ bên ngoài và đau đớn tức giận bên trong, con gái cô sẽ hiểu hết, và nó sẽ sống theo cách đó”.
Tôi không cười nữa. Tôi hỏi: “Thế bây giờ tôi phải làm sao?”. “Hãy thay đổi suy nghĩ của cô” - bà nói. Tôi băn khoăn: thay đổi điều gì nhỉ? Bác sĩ nói tiếp: “Đơn giản thế thôi, hãy thay đổi suy nghĩ”.
Tôi không phải không biết điều đó. Thay đổi suy nghĩ thì sẽ thay đổi thái độ sống và cải thiện được sức khỏe. Nhưng ai có thể tránh được tức giận, lo âu, buồn bã?...
Tôi nằm yên trong căn phòng của người bác sĩ phúc hậu. Bàn tay ấm áp của bà đã vuốt bên ngoài những món nội tạng hỏng hóc của tôi. Tôi suy nghĩ. Sao tôi có thể tưởng tượng một ngày nào đó tôi nằm ở đây, trên nước Nhật, để nghe một người Nhật xa lạ nói về nỗi đau của lòng mình. Chẳng lẽ tôi lại kể tiếp những câu chuyện “cười ra nước mắt” nơi quê nhà. Tôi quyết định im lặng.
Rồi trí óc tôi lướt qua những ngày tháng cũ ở nước Nhật, khi vợ chồng tôi cùng em bé đứng 10 tiếng ở ga Kokubunji chờ cứu nạn khi vùng đông bắc nước Nhật bị thảm họa kép động đất, sóng thần.
Chúng tôi là người nước ngoài, trong cơn hoạn nạn, người Nhật đã nhường chúng tôi cái sofa duy nhất trong phòng tạm trú qua đêm dư chấn. Họ im lặng, không kêu la, than vãn, nhường chỗ nằm và thức ăn cho người nước ngoài, cho các em bé và người bệnh.
Suốt đêm ấy, mặt đất vẫn chao lắc dữ dội. Các đội cứu tế vẫn trực sẵn sàng hỗ trợ người dân. Thiên nhiên nổi giận, chỉ có lòng người là điềm đạm, ân cần.
Tôi nhìn khuôn mặt người bác sĩ Nhật, đúng là họ đã ít khi nổi giận. Làm sao họ có được tinh thần ấy, điều mà tôi nghiên cứu, dạy học và thực hành mãi cũng không làm được. Dân tộc này, từ người gác cổng, người khuân vác, rửa xe cho đến những người trí thức, tất cả đều có chung một sự nhẫn nại kỳ lạ và vô hạn. Họ khám bệnh cho người nước ngoài mà chia sẻ cả sự ấm lạnh của cuộc đời.
Tôi ngồi dậy và thấy người đã rất nhẹ nhõm. Bác sĩ cười nói với tôi: “Không có gì nghiêm trọng đâu. Tôi đã làm ấm cho cô rồi. Tôi tặng cô mười gói giữ ấm này nhé. Cố gắng đừng để lạnh bên trong”.
Chỉ một cơn cuồng nộ đi qua, tôi đã để gan ruột mình lạnh như tảng đá. Tôi nghĩ đến bài quốc ca ngắn nhất thế giới của người Nhật, chỉ có hình ảnh sỏi đá và rong rêu. Ôi, làm sao tìm lại được những vết thương xưa, làm sao biết cái gì đã phủ rêu lên những hòn đá nặng trĩu bóng
thời gian.
Tôi cảm ơn bác sĩ và ra về. Và nhận ra ở đâu đó niềm hi vọng cho những đổi thay, dù dai dẳng nhọc nhằn.