Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Tiền trong dân của người giàu và người nghèo có khác nhau?

Lê Tùng 

(Dân Việt) Huy động tiền của những người giàu chưa bao giờ là một chuyện đơn giản, nhất là trong một thế giới ngày càng phẳng.

Gần nhà tôi ở có một quán ăn khá lớn. Thường khi đi chơi ngang qua thằng bé con tôi lúc nào cũng líu lo chào ông bảo vệ nên ông nhìn tôi có phần thân thiết. Chiều qua đi làm về ông chợt níu tôi lại bằng một giọng hết sức chân quê “Cậu là người có ăn, có học lại đi làm những nơi hiểu biết. Cậu cho tôi hỏi nhờ chút chuyện”.

Qua ông kể tôi biết nhà ông ở Thanh Hóa. Ông có hai người con đều đi làm công nhân và thu nhập chỉ đủ để lo cuộc sống cá nhân. Ruộng đất thì đã thành khu công nghiệp và tiền đền bù đã đều cho con cái khi lập gia đình.

Ông ra Hà Nội làm bảo vệ để tranh thủ lúc còn sức khỏe kiếm ít tiền lo tuổi già ốm đau bệnh tật cho cả hai vợ chồng: “Tôi cũng tằn tiện được 81 triệu gửi ngân hàng. Cũng là để có lãi hàng tháng hoặc sau này bệnh tật chết đi còn có tiền làm ma chay. Nghe mấy người cùng làm nói ngân hàng phá sản thì chỉ được đền bù 50 triệu. Tôi có nên rút tiền về không cậu?”.

Ông nhìn tôi với con mắt đầy lo âu “Mà giờ rút về cũng chẳng biết cất đâu. Nhà ở quê thì đến gió mạnh cũng bay cả cửa”.

Tôi không biết 81 triệu ông dành dụm với bao nhiêu công sức ấy có được tính là tiền trong dân không. Tôi chỉ biết đó không đơn giản là tiền. Đó là tích tụ của cơ cực trong bao nhiêu tháng ngày, là mồ hôi, là nước mắt và những hy sinh đau đớn. “30 triệu là đủ để tổ chức một đám tang đầy đủ cho tôi rồi cậu ạ”.

“Tiền trong dân”, cụm từ đầy mỹ miều đó dường như đang vẽ nên một bức tranh lạc quan trong việc huy động các nguồn lực để tái cấu trúc nền kinh tế. Theo tờ trình của Chính phủ, để thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cần hơn 10,5 triệu tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự kiến ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 1/3, còn lại khoảng 6 triệu tỷ đồng sẽ huy động trong dân và từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Một loạt những phát ngôn trong giai đoạn này cũng khẳng định tiền trong dân và vàng trong dân còn rất dồi dào.

Thế nhưng số tiền đó đang được tập trung trong những phân khúc dân cư nào, họ trữ tiền và vàng với mục đích gì thì không có bất kỳ nghiên cứu mang tầm quốc gia nào đưa ra những thông số chính xác. Chỉ qua một vài thông số cơ bản thì cuộc sống của đa phần người dân không phải dễ dàng và phần tiền dành dụm mang nhiều ý nghĩa về sự đảm bảo an toàn trong những hoàn cảnh bấp bênh.

Hiện nay GDP của Việt Nam tính theo đầu người bình quân ước đạt 2.200 USD/năm. GDP bình quân đầu người Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia 25 năm, Thái Lan 20 năm, sau Indonesia và Philippines 5-7 năm.

Đồng thời với mức thu nhập này quá trình phân hóa giàu nghèo tại Việt Nam diễn ra càng ngày càng sâu sắc. Hệ số đo lường  mức độ bất bình đẳng về thu nhập giữa các nhóm dân cư ở Việt Nam (hệ số Gini) có xu hướng tăng dần qua các năm. Khi Gini bằng 1,00 có nghĩa là đạt tới sự bất bình đẳng tuyệt đối trong thu nhập.

Tại Việt Nam năm 1996 hệ số này là 0,36; năm 1999 là 0,39; năm 2002 là 0,42 và năm 2010 là 0,446. Hệ số Gini trên 0,4 được xem là báo động ở mức nguy hiểm đối với khoảng cách thu nhập tại một quốc gia.

Năm 2015, Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính thuộc Viện Xã hội học, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã công bố nghiên cứu mang tên “Xu hướng bất bình đẳng về mức sống ở Việt Nam và khu vực nông thôn trong giai đoạn 1992 – 2012”. Những thông số cơ bản thể hiện sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng với mức độ trầm trọng. Về thu nhập, nhóm người giàu chiếm 51,2% chiếc bánh thu nhập cả nước, nhóm nghèo chỉ chiếm 5,5%. Về tài sản nhà nhất, nhóm người giàu chiếm 73,7%, nhóm nghèo chỉ chiếm 1,4%.

Thực trạng trên cho thấy nguồn tiền chủ yếu tập trung ở những người giàu có.

Sáng nay tôi có ngồi cafe với một người bạn đang kinh doanh dịch vụ tư vấn định cư tại các nước trên thế giới tại văn phòng trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Anh nói những tháng gần đây đuổi khách đi không hết. “Khách không lo về tiền. Chỉ lo thủ tục làm sao cho nhanh, gọn và chắc chắn là được em ạ”.

Những người giàu đang sử dụng nguồn lực của mình theo những cách riêng. Theo thống kê của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM), mỗi năm, Việt Nam có trung bình hơn 100.000 người di cư. Đồng thời Việt Nam đang nằm trong tốp 10 quốc gia có số du học sinh nhiều nhất thế giới.Theo ước tính số tiền dành cho du học của Việt Nam đã lên tới khoảng 3 tỷ đô mỗi năm. Số tiền những người đi định cư tại nước ngoài không có thống kê cụ thể. Theo một ước lượng thì số tiền này không hề kém lượng kiều hối chuyển về Việt Nam, ước chừng khoảng 13 tỷ đô la Mỹ một năm.

Huy động tiền của những người giàu chưa bao giờ là một chuyện đơn giản, nhất là trong một thế giới ngày càng phẳng.

Với những người không giàu, tiền và vàng chưa bao giờ là nguồn dự trữ dồi dào. Đó là những chắt chiu từ hàng ngàn ngày tháng vất vả và cực nhọc. Đó là niềm an ủi và chỗ dựa duy nhất còn lại trong những lúc khó khăn của cuộc sống, như khi lương hưu không đủ sống, khi bảo hiểm y tế không đủ chữa bệnh, khi các loại thuế phí cao hơn khả năng chi trả …

Vì thế huy động tiền của những người không giàu không chỉ là những con số lạnh lùng và đơn thuần. Đó còn là huy động mồ hôi, nước mắt và thậm chí máu của nhiều người đã được tích tụ.