Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

'Hạ cánh' không an toàn

Đức Hiển

VNExp - Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công thương.

Nếu đề nghị này được chuẩn y thì đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy hai năm, một cựu bộ trưởng bị kỷ luật Đảng sau khi đã nghỉ hưu.

Cuối năm 2014, ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng thanh tra chính phủ cũng đã bị kỷ luật do có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện chế độ, chính sách nhà ở, đất ở và công tác cán bộ. Lúc đó, ông Truyền nghỉ hưu được ba năm.

Nói theo ngôn ngữ dân gian, đó là những cuộc “hạ cánh” không an toàn.

“Hạ cánh an toàn” là thành ngữ dùng để chỉ quan chức về hưu. Giáo viên, bộ đội, người lao động bình thường về hưu thì tất nhiên không có gì để phải "không an toàn" theo nghĩa ấy cả. Nói thế để thấy sự nguy hiểm của nghiệp làm quan.

Về hưu, với người bình thường là sự nghỉ ngơi nhẹ nhàng sau cả cuộc đời làm việc, phấn đấu và cống hiến. Nhưng với nhiều người khác có khi lại là sự thở phào sau những căng thẳng ẩn mình. Trong 20 năm làm báo, đã không ít lần tôi được biết nhiều vị, từ nhà tập thể sau nghỉ hưu bỗng chuyển sang những biệt thự an dưỡng, đắc địa. Những tư gia đó chắc chắn không thể từ đồng lương quan chức thông thường.

Điều này cũng bởi một thời gian dài, người ta có tâm lý nể nang lẫn dễ dãi, chủ quan cho rằng không cần và không nên xử lý những người không còn vai vế, quyền lực trong bộ máy. Chính điều đó đã tạo nên tâm lý thu vén cá nhân, coi nhẹ đạo lý và luật pháp. Cũng chính điều đó tạo ra sự bất công, dung dưỡng cho những sai phạm mà hậu quả của nó cả chục năm sau chưa gỡ xong.

“Hạ cánh an toàn” chính là một phần quan trọng cấu thành “tư duy nhiệm kỳ”. Hết nhiệm kỳ là hết quyền lợi, nhưng cũng đồng nghĩa với hết trách nhiệm. Quán tính tâm lý ấy có thể trở thành tiền đề cho những chuyện ký hàng chục, hàng trăm quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm trong những ngày cuối cùng đương chức; duyệt những công trình trăm tỷ lãng phí hoặc giao những dự án béo bở được đầu tư bằng tiền ngân sách cho những đối tác thiếu năng lực.

Hễ cứ "hạ cánh” là an toàn, trở thành viễn cảnh khiến không ít người sa ngã sau một đời đã cống hiến và giữ liêm chính.

Sự liêm chính với người này có thể là tự nhiên, với người khác có thể do rèn luyện mà có được. Khi những ham muốn cá nhân tự bản thân mỗi người khó có thể chế ngự, thì có trợ thủ giúp đỡ, ấy là pháp luật, đạo đức, là nỗi lo sợ bị mất danh dự và lo sợ bị trừng phạt. Một cơ chế ngầm không "hồi tố" trách nhiệm quan chức hưu trí vốn được coi như là ân tình của người sau với kẻ trước, có thể sẽ tạo nên sự bất công và hơn thế, làm sa ngã những người chưa hạ cánh.

Nếu biết khi về hưu cuộc sống chỉ nhẹ nhàng bởi những cống hiến và giữ mình khi tại chức, là cái gối êm cho tuổi già dựa vào, người ta sẽ ra sức cống hiến. Nếu biết cuộc sống khi về hưu sẽ hưởng thụ những thu vén trước đó mà không bị truy cứu, người ta sẽ dễ sa ngã. Còn nếu biết những sai trái khi đương chức sẽ khiến khi về hưu khó sống, người ta sẽ chùn tay trước những quyết định sai trái và vô trách nhiệm khi tại chức.

Quyết định truy cứu trách nhiệm của những quan chức sau khi đã về hưu, tôi cho rằng, là một tiền lệ tốt để những quan chức giữ mình liêm chính.

Câu chuyện của ông Hoàng, ông Truyền lại làm tôi nhớ đến ông Lê Huy Ngọ - cho dù tính chất của sự việc không giống nhau. Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã nộp đơn xin từ chức vào năm 2004, sau khi nhận án kỷ luật vì những sai sót trong quản lý dẫn đến việc để người dưới quyền thông đồng với Lã Thị Kim Oanh gây thất thoát cả trăm tỷ. Đó là việc chưa từng có tiền lệ.

Nếu chuyện của ông Ngọ là bằng chứng cho thấy không phải cứ ngồi lên ghế là “an toàn” hết nhiệm kỳ, thì chuyện của ông Hoàng, ông Truyền lại là bằng chứng cho thấy về hưu cũng chưa “an toàn”. Đó cũng là những đòn giáng vào cái “tư duy nhiệm kỳ”.

"Hạ cánh an toàn" không nên và không thể trở thành tiếng thở phào vượt ải của các quan tham.