Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

“Nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư?

XUÂN DƯƠNG

(GDVN) - Tạo ra một tiền lệ phải chăng là cách mà các “nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư?

Văn phòng Trung ương Đảng gửi Công văn số 1578-CV/VPTW tới các ban, bộ, cơ quan liên quan, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm tiếp sau khi có thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh. 

Tổng Bí thư yêu cầu: “Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ các đoàn kiểm tra xem xét, kết luận bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.

Với những sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, dư luận cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh không đủ tư cách đảng viên, việc xử lý còn phải chờ kết luận điều tra của Bộ Công an.

Trước đó, nhân vật này đã không còn là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và Quốc hội cũng đã quyết định không công nhận tư cách đại biểu của người này.

Có thể thấy rằng Tổng Bí thư đã tiên liệu những khó khăn mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể gặp phải khi thực hiện công việc nên đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương  “không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.

Người dân hoàn toàn ủng hộ quyết tâm của Tổng Bí thư truy quét tận gốc những kẻ nhân danh Đảng, nhân danh Nhà nước nhưng lại ngầm phá hoại uy tín của Đảng, phá hoại kinh tế, an ninh quốc gia… chỉ vì “nhóm lợi ích thân hữu” của mình!

Tuy nhiên người dân cảm thấy lo lắng vì những khó khăn mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể gặp chưa hẳn xuất phát từ một vài cá nhân hay một vài tổ chức bởi tình trạng “trên bảo dưới không nghe” không còn là cá biệt trong mọi hoạt động xã hội.

Trong lĩnh vực kinh tế, sự kiện Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đặt vấn đề cần phải “khắc phục tình trạng 63 tỉnh, 63 nền kinh tế” cho thấy tình trạng “cát cứ” của các địa phương đang là một thực tế không thể phủ nhận. 

Tuy ông Vương Đình Huệ chỉ đề cập đến lĩnh vực kinh tế song có thể thấy tình trạng này đã xuất hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác, ví dụ:

Hơn một năm trước, ngày 25 tháng 3 năm 2015, Bộ Nội Vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  ký Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV. Thông tư quy định: “số lượng Phó Giám đốc Sở (NN&PTNT)  không quá 3 người”.

Tại tỉnh Thanh Hóa, hiện nay Sở NN&PTNT có 8 Phó Giám đốc, điều này xảy ra là vì - theo phát biểu của ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ - “có“sự chấp thuận của Ban thường vụ Tỉnh ủy (Thanh Hóa)”.  [1] 

Báo Laodong.com.vn bình luận: “Không thể có cách diễn đạt nào khác hơn rằng việc bổ nhiệm 8 Phó Giám đốc sở là một sự thách thức rất ghê gớm với quyết tâm giảm biên chế mà bộ máy của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang hàng ngày hàng giờ đau đáu tìm giải pháp và thực thi”. [2]

Có thể thấy trong trường hợp này hoặc là quyền của “Ban thường vụ Tỉnh ủy” to hơn quyền “Liên tịch” của hai Bộ thuộc Chính phủ hoặc là tỉnh Thanh Hóa được “đặc cách” không cần tuân theo quy định của Liên Bộ?

Cấp tỉnh là như vậy, cấp bé hơn tỉnh cũng không chịu kém.

Vụ Formosa chôn lấp chất thải rắn khắp nơi ở Hà Tình khiến dư luận dậy sóng, khiến lãnh đạo Chính phủ phải lên tiếng, thế nhưng Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, ông Phan Duy Vĩnh lại công khai lên tiếng: "Báo chí và người dân đều… 'náo';  Biển nhiễm chất độc từ cái mồm của các bạn...". [3]

Chính phủ đã công bố kết quả điều tra, Formosa đã nhận lỗi và xin đền bù 500 triệu USD, thế nhưng ông Phan Duy Vĩnh lại viết trên facebook rằng:  “Biển nhiễm chất độc từ cái mồm của các bạn..." thì đủ thấy người này xem thường kết luận của Chính phủ như thế nào. 

Là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân một thị xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh mà ăn nói như thế, to hơn chút nữa thì sao? 

Mà hình như không ít “phó cán bộ” của Hà Tĩnh đều có năng lực như ông phó Ủy ban Duy Vĩnh.

Chẳng hạn ông Phó thanh tra  Lê Ngọc Huấn từng phát biểu với truyền thông: “Đây là quan điểm áp đặt, máy móc, không thấu tình đạt lý trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh không đồng ý nội dung này”.

Nhìn vào cách nói năng của những “cấp phó” như Phó Bệnh viện Nhi Trung ương hay “phó” ở Hà Tĩnh, có thể thấy trên đầu họ không có trời, dưới chân họ không có đất, họ chính là những “ông vua con” mà Tổng Bí thư từng đề cập. Có phải vì thế nên chẳng ai dám làm gì họ? 

Nếu có ai đó muốn “làm gì” liệu có phải chờ khi vụ Trịnh Xuân Thanh ngã ngũ?

Vụ ống nước sông Đà vỡ mười mấy lần, kết quả điều tra Công an xác định: năm người (Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm) “đã có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 bộ luật Hình sự”. 

Sự nghiêm trọng không phải chỉ là Nhà nước phải bỏ ra nhiều chục tỷ đồng sửa chữa ống bị vỡ mà còn là hàng chục vạn người dân, trường học, bệnh viện… thiếu nước sinh hoạt; niềm tin của dân với đội ngũ cán bộ, đảng viên giảm sút đến mức nào thì thực khó định lượng.

Tuy nhiên, “Liên ngành tư pháp Trung ương” thấy không cần thiết phải xử lý hình sự đối với những người này vì họ “có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu”? [4]

Chợt nhớ mấy cháu thiếu niên Hải Phòng giật cái mũ của bạn gái suýt bị tù mấy năm, hai thanh niên đói giật hai cái bánh mỳ cũng suýt bị 3-10 năm tù.

Họ đều vi phạm lần đầu, mà trẻ con đang cắp sách đến trường thì không thể nói là nhân thân xấu, nếu không được dư luận “bênh” thì hiện chúng đang ở đâu?

Luật Hình sự là một trong những bộ luật cơ bản của Quốc gia, nếu “Liên ngành tư pháp Trung ương” thấy không cần áp dụng luật này với nhóm người phạm tội Phí Thái Bình thì có nghĩa là luật chỉ có giá trị khi “Liên ngành” thấy cần thiết?

Liệu quyết định của “Liên ngành” chỉ là chưa thượng tôn pháp luật hay còn tiềm ẩn nguy cơ luật bị vô hiệu hóa bởi ý chỉ chủ quan của một nhóm người mà dư luận vẫn gọi là “nhóm lợi ích”?

Trở lại ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Công văn số 1578-CV/VPTW: “kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015 và đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương”.

Có thể thấy “Liên ngành tư pháp Trung ương” đang đặt Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào một tình thế khó.

Giả sử sau khi kiểm tra (đây chỉ là giả sử), Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Vũ Huy Hoàng “thực sự vi phạm”, khi đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ có thể đề xuất kỷ luật về Đảng, còn về phía pháp luật thì theo tiền lệ chắc phải cũng do “Liên ngành” xem xét?

Ông Vũ Huy Hoàng đã nghỉ hưu theo Luật bảo hiểm tức là “sức yếu”, ông có nhân thân tốt thì khỏi phải bàn, vi phạm của ông (nếu có) cũng là lần đầu, vì vậy không có lý gì ông Vũ Huy Hoàng không được đối xử “công bằng, minh bạch” như “tiền lệ” đã được áp dụng cho trường hợp ông Phí Thái Bình?

Nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem đề xuất của “Liên ngành” là “hợp tình, hợp lý” thì việc kiểm tra với ông Vũ Huy Hoàng có cần thiết khi ông Hoàng cũng hội đủ các tiêu chuẩn miễn truy cứu như ông Phí Thái Bình? 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - như lời ông tâm sự - tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng quyết tâm chống giặc nội xâm của ông không hề giảm, nhân dân mong muốn được góp sức cùng ông chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến này. 

Nói nhân dân mong muốn cùng Tổng Bí thư chiến đấu vì dường như tiếng nói của nhân dân, của truyền thông vẫn chưa được coi trọng đúng mức.

Trong khi Tổng Bí thư, Thủ tướng và các vị lãnh đạo cao cấp tỏ rõ quyết tâm thì ở đâu đó, người ta vẫn công khai làm theo ý riêng mình. 

Khi mà báo điện tử Vietnamnet.vn phải thốt lên “Những vụ án oan 'thấu trời xanh'” [5] thì lại vẫn còn đó “những vụ án ‘vui’ đầy trong… túi”, những vụ án không bao giờ được xử theo quyết định của “Liên ngành”. 

Xin nhắc lại một lần nữa đề nghị mà người viết từng nêu với Tổng Bí thư: “hy vọng trong tương lai Tổng Bí thư sẽ quan tâm đến những vấn đề mà báo chí đề cập rất nhiều trong các lĩnh khác như Tư pháp, Hành pháp…”. [6]

Để giải quyết triệt để vụ việc liên quan đến ông Vũ Huy Hoàng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có cần xem xét lại quyết định của “Liên ngành”, có nên đưa ông Phí Thái Bình và bốn cộng sự vào danh sách truy tố?  

Tạo ra một tiền lệ phải chăng là cách mà các “nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như chủ trương làm trong sạch Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Thanh-Hoa-noi-viec-bo-nhiem-8-Pho-Giam-doc-So-la-dung-quy-trinh-post169414.gd
[2]http://laodong.com.vn/kho-tin/tin-kho-tin-sau-trinh-xuan-thanh-la-ai-truoc-pham-cong-danh-la-hua-thi-phan-bo-nhiem-8-pho-so-dung-quy-trinh-573837.bld
[3]http://www.nguoiduatin.vn/pho-chu-tich-tx-ky-anh-noi-nha-bao-va-nguoi-dan-deu-nao-a250550.html
[4]http://thanhnien.vn/thoi-su/mien-xu-ly-hinh-su-lanh-dao-vinaconex-vi-vi-pham-lan-dau-723726.html
[5] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/277261/nhung-vu-an-oan-thau-troi-xanh-nam-2015.html
[6] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Su-kien-Trinh-Xuan-Thanh-va-nhung-cau-hoi-lon-post169360.gd