Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Một chiến dịch truyền thông gây sợ hãi

HOÀNG HẢI VÂN

MTG - Mấy ngày qua dư luận xôn xao xung quanh thông tin Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố 67% mẫu nước mắm mà Hội này khảo sát không đạt chỉ tiêu tổng về Arsen theo quy định của Bộ Y tế.

Hình như đang có một chiến dịch truyền thông rầm rộ chuyển tải thông tin này đến người dân. Không biết nhằm mục đích gì? Nếu nhằm mục đích gây sợ hãi thì chiến dịch truyền thông này đã thành công. Các nhà khoa học đã bắt đầu lên tiếng. Nhưng bất cứ ai chịu khó động não cũng sẽ thấy động thái không bình thường của Vinastas.

Thứ nhất, họ chỉ công bố một tỷ lệ rất cao các mẫu nước mắm “không đạt” chỉ tiêu về Arsen, mà Arsen là thạch tín, đối với sự hiểu biết của người dân thì thạch tín chính là thuốc diệt chuột. Người dân chưa cần biết cái thứ “arsen tổng” mà Vinastas công bố có độc hại hay không, chỉ cần biết nước mắm đang có “thuốc chuột” là sợ hãi rồi. Vinastas có đủ khôn ngoan khi “giấu kín” danh mục các mẫu nước mắm được họ lấy, bởi vì họ thừa biết họ sẽ bị các doanh nghiệp sản xuất nước mắm kiện nếu danh tính những doanh nghiệp này được công bố.

Thứ hai, Vinastas có đủ tri thức để biết việc nước mắm có chứa thứ arsen “không đạt chỉ tiêu” kia chẳng gây độc hại gì cho người dùng. Bằng chứng cũng do chính họ công bố, là khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có Arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện Arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L). Họ biết rõ, chỉ tiêu giới hạn chất arsen mà Bộ Y tế quy định là arsen vô cơ, chính nó mới là thứ độc hại, chính nó mới là “thuốc chuột”, còn arsen hữu cơ là thứ có tự nhiên trong con cá, chẳng độc hại gì. Vấn đề là Vinastas biết rõ, các nhà khoa học biết rõ, còn đa số người tiêu dùng thì chỉ cần nghe nói đến nước mắm có “thuốc chuột” là đủ để sợ hãi, chẳng cần biết gì thêm.

Thứ ba, biết rõ là không có hại, nhưng tạo thành một chiến dịch truyền thông để làm gì? Vinastas tuyên bố việc công bố thông tin này chỉ để “cảnh báo” mà thôi, nhưng cảnh báo để làm gì thì không thấy họ nói rõ. Nhân danh là bảo vệ người tiêu dùng, nhưng ở đây không hề thấy mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng của Vinastas.

Mấy ngày qua các nhà khoa học đã lên tiếng phản bác việc công bố thông tin mập mờ làm hoang mang dân chúng này và khẳng định sự vô hại của Arsen hữu cơ trong nước mắm, một số phương tiện thông tin đại chúng bắt đầu đăng. Tuy nhiên, các ý kiến của các nhà khoa học được đăng báo chỉ mang tính chất “phản biện”, chưa có tác dụng đảo ngược chiến dịch truyền thông mà Vinastas khởi xướng. Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn chưa có kết luận gì. Sự sợ hãi vẫn đang bao trùm tất cả các gia đình người Việt Nam, trừ các gia đình ăn chay. Và ngành sản xuất nước mắm truyền thống của nước ta đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt.

Để xóa tan nỗi sợ hãi cho dân chúng và cứu ngành sản xuất nước mắm truyền thống, cũng là cứu hàng chục vạn người, Nhà nước không thể tiếp tục “ngó lơ” được, mà không thể không làm ngay các việc sau đây:

Trước hết, truy cho ra chiến dịch truyền thông này do ai đứng đằng sau tổ chức, xúi giục. Ai tài trợ cho cuộc “khảo sát”, xử lý và công bố thông tin. Tổ chức, cá nhân đứng đằng sau chiến dịch này được lợi lộc gì? Có hay không việc tạo sự sợ hãi cho người tiêu dùng nhằm tẩy chay các sản phẩm nước mắm truyền thống để tạo lợi thế cho nhãn hiệu nước mắm nước chấm nào đó?

Trên cơ sở đó, làm rõ sự liên quan giữa những người tổ chức chiến dịch truyền thông này với một số cơ quan báo chí và một số nhà báo, nếu có nghi vấn. Bởi vì nếu không có sự tiếp tay của một số nhà báo thì chiến dịch truyền thông gây sợ hãi này đã không thể thành công như vậy.

Cuối cùng, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng liên quan phải nhanh chóng kết luận và công bố đồng loạt trên tất cả các phương tiện truyền thông. Nếu việc tổ chức khảo sát, xử lý, công bố thông tin và tổ chức lan truyền thông tin nói trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì nhất thiết phải xử lý theo pháp luật.