Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Lòng tốt cũng cần kỹ năng quản trị

Nguyễn An Sa

(TBKTSG) - Đợt quyên góp hỗ trợ nạn nhân trận lũ vừa qua ở miền Trung có một sự khác biệt lớn so với những cuộc quyên góp hỗ trợ thiên tai trước đây: nhiều cá nhân đứng ra kêu gọi, lập nhóm trực tiếp tham gia từ thiện mà không phải thông qua các tổ chức xã hội ngày càng đông.

Đó là một trong những tín hiệu tốt lành, cho thấy rằng, hoạt động từ thiện được dân sự hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ. Một điều nữa, thực tế đó còn cho thấy sự “lợi hại” của mạng xã hội - phương tiện truyền thông mới - trong việc lan tỏa hiệu quả những thông điệp thiện nguyện. Chắc hẳn, đã có những người rộng tay hưởng ứng các chương trình hỗ trợ đồng bào miền Trung qua những cá nhân (đứng ra kêu gọi) mà thậm chí họ chưa từng gặp gỡ trong đời thực, chỉ là bạn bè qua mạng. Niềm tin là thứ có thể cảm nhận thấy được, làm cho ngọn lửa ấm được chia sẻ cho nhiều đồng bào đang cần sự giúp đỡ cấp thời.

Tuy nhiên, số tiền quyên góp được sẽ được phân phát, sử dụng thế nào để đạt mục đích tốt nhất của công việc từ thiện - đó là câu hỏi quan trọng. Sẽ ít ai nghi ngờ lòng tốt trong hoàn cảnh này. Song, để lòng tốt đi đến đúng địa chỉ cần chia sẻ, hỗ trợ; để niềm tin của những người chung tay tham gia được củng cố một cách tốt lành, thì đòi hỏi hoạt động từ thiện phải đảm bảo những nguyên tắc hợp lý, minh bạch, người làm từ thiện phải có những kỹ năng toan tính và ý tưởng quản trị tốt. Đặc biệt, với những gói quyên góp có giá trị lớn, kể cả sản phẩm đóng góp đa dạng.

Trao một lần, trao xong rồi thôi, xác lập điều kiện trao trên tiêu chí nào để thuyết phục với những ân nhân... mọi câu hỏi cụ thể như thế, người làm từ thiện đều phải đối diện và chính vì không có một quy phạm nào cho loại hình từ thiện tự phát, nên đưa ra câu trả lời rất khó, có thể hài lòng người này nhưng lại cũng có thể bị xem thiếu minh bạch với người khác. Và một điều khác, rất quan trọng, đó là khi một vùng xảy ra hoạn nạn, rất nhiều “mũi” từ thiện hướng vào. Hàng, quà, tiền được đổ xuống nhanh chóng và rồi rút đi. Vấn đề chỉ được giải quyết cấp tốc. Sau đó, thiếu vắng những sự điều tiết và hỗ trợ lâu dài để người dân thực sự ổn định, đảm bảo đời sống một cách bền vững.

Trở lại thực tế, do nhu cầu cấp bách của xã hội, các ý tưởng từ thiện được hình thành nhanh chóng, đôi khi cảm tính và thiếu sự chuẩn bị. Để đăng lên mạng xã hội một lời kêu gọi rung cảm, thống thiết, lay động lòng người, khiến nhiều người hồi đáp thông điệp thiện nguyện thì dễ, nhưng sau đó, từ thiện tự phát cũng không có sự chuẩn bị về mặt kiểm toán, sổ sách thu, chi rõ ràng sẽ dễ dẫn đến những hệ lụy hay điều tiếng khó lường. Đã có những cuộc “đổ vỡ” giữa người hỗ trợ, hưởng ứng với người đứng ra tổ chức và dĩ nhiên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả, ý nghĩa công việc từ thiện về sau. Mà đôi khi, chỉ vì một vài hoạt động thiện nguyện tự phát đổ vỡ, thì sự tác hại của nó đến việc từ thiện dân sự nói chung sẽ rất xấu. Xấu nhất sẽ là gây ra tâm thế hoài nghi lòng tốt. Và đây sẽ là thứ ảnh hưởng đến các hình thức làm từ thiện về sau.

Quản trị nguồn tiền, lên hệ thống tiêu chí và xử lý nguồn tiền quyên góp được một cách thuyết phục để sự giúp đỡ đến tay nhiều người cần giúp là điều kiện cần thiết ươm mầm cho hình thái từ thiện dân sự phát triển mạnh trong bối cảnh những tổ chức từ thiện truyền thống vẫn nặng tính ban bệ hành chính, thiếu gần gũi và đã từng nảy sinh tiêu cực, gây mất lòng tin.