Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Bệnh viện phải là “nhà thương”

Sơn Tùng

(TBKTSG) - 1.Đối với bệnh nhân vốn đã phải chịu đau đớn về thể xác và tinh thần vì bệnh tật thì chất lượng và thái độ của đội ngũ “lương y như từ mẫu” sẽ là một lời an ủi hoặc một lời nguyền rủa. Điều này cũng đúng ở xứ mình và càng đúng với bệnh nhân nghèo.

Hôm 12-10, Bộ Y tế cho biết đã có thêm 16 tỉnh thành tăng viện phí. Thoạt nhìn, điều này có vẻ không ảnh hưởng gì lớn lắm vì viện phí chỉ tăng đối với các bệnh nhân có bảo hiểm y tế và chưa áp dụng lên người không có bảo hiểm. Tuy nhiên, vào năm tới, chi phí trực tiếp của hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng và từ ngày 1-7-2017, tất cả các dịch vụ sẽ tăng cho mọi đối tượng, có và không có BHYT.

Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 6 năm nay, khoảng 71,1 triệu người đã mua BHYT, chiếm 77,1% dân số. Bộ này cũng cho biết đến cuối năm nay dự kiến sẽ có 78,8% dân số Việt Nam mua BHYT. Điều này, cũng có nghĩa là khoảng 19,5 triệu người sẽ phải tự trả hoàn toàn chi phí y tế cho mình. Họ là ai? Mặc cho nỗ lực của Chính phủ trong việc bao phủ BHYT toàn dân, một phần không nhỏ trong số họ vẫn là những người nghèo nhất trong xã hội mà mấy trăm ngàn đồng BHYT một năm vẫn là một điều xa xỉ. Thế nên, song song với việc tăng viện phí, các cấp chính quyền cần thực hiện cho bằng được điều đã nêu ra trong kế hoạch tăng viện phí, đó là sử dụng một phần số thu để mua BHYT cho tất cả những đối tượng khó khăn nhất.

Thứ hai, kế hoạch tăng viện phí có hai vế rất rõ ràng: (i) tăng viện phí để (ii) tăng chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế. Vế thứ nhất đã được thực hiện bằng cách “tính đúng, tính đủ” các dịch vụ y tế. Vậy thì, vế thứ hai sẽ được thực hiện như thế nào? Người dân trả thêm tiền có quyền được yêu cầu phục vụ với chất lượng cao hơn, nhưng hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh thuộc tuyến trên đều quá tải, nếu người bệnh cảm thấy không hài lòng với chất lượng họ cũng không còn sự chọn lựa khác.

2.Tìm mãi trên mạng cũng không dám chắc vì sao người ta từng gọi bệnh viện là nhà thương. Thôi đành tạm suy diễn có lẽ cách gọi này xuất phát từ khái niệm đó là nơi (nhà) dành cho người bị thương cần được chữa trị. Không như trường hợp một số “nhà” mà người ta  thích ghé tới như nhà băng chẳng hạn, có thể nói chẳng mấy ai thích đến bệnh viện. Thế cho nên, nếu xét về thái độ của bệnh nhân, những người cực chẳng đã phải vào bệnh viện chữa trị, nhà thương (dù đã có chữ “thương”) lẽ ra phải gọi là “nhà ghét” mới đúng!

Nhưng cũng có những người (yêu) thương bệnh viện. Đó là các bệnh nhân khỏi bệnh, được chăm sóc hiệu quả và tận tình bởi đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế. Tất nhiên, họ đã trả tiền. Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả. Đằng sau vẫn có những tấm lòng.

Cách đây sáu năm, tờ Tuổi trẻ đăng một phóng sự về hệ thống bệnh viện Kantha Bopha ở Campuchia. Đây là một chuỗi gồm năm bệnh viện nhi ở Phnôm Pênh và Siem Reap khám chữa bệnh cho khoảng nửa triệu lượt bệnh nhân hàng năm. Ở đó, điều kiện vệ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu. Tại các khoa, giường bệnh được xếp hướng đến một trung tâm duy nhất: bàn làm việc của bác sĩ; chỉ một tiếng gọi của mẹ, bác sĩ sẽ là người đến giường đầu tiên; bệnh viện không có chỗ nghỉ ngơi cho bác sĩ, không có phòng riêng cho y tá. Hơn 2.000 bác sĩ, y tá và nhân viên người Campuchia làm việc với kinh phí hơn 30 triệu đô la Mỹ mỗi năm từ đóng góp từ thiện. Đây là một bệnh viện miễn phí, một “nhà thương thí” theo cách nói cũ. Bệnh viện Kantha Bopha đã trở thành “nhà thương” nhờ tâm huyết của con chim đầu đàn: bác sĩ tình nguyện Beat Richner, người được vinh danh công dân Thụy Sỹ năm 2003.

Bác sĩ Beat Richner đã chứng minh rằng muốn biến bệnh viện thành “nhà thương”, ngoài tiền bạc, cần một tấm lòng.