TTO - Lập làng ở vùng đất khô cằn nhất, bên vùng biển sóng gió nhất nhưng Cà Ná trở thành làng biển giàu có nhất ở Ninh Thuận.
PV báo Tuổi Trẻ đã về Cà Ná để ghi chép hành trình hơn hai thế kỷ của vùng đất này.
Chúng tôi về Cà Ná trong những ngày vùng đất này đang trở thành tâm điểm của dư luận.
Cà Ná, từ lâu đã ghi dấu trong trí nhớ của khách bộ hành về một nơi hiếm hoi cả đường sắt và đường bộ chạy song song bên mép sóng, màu biển xanh như ngọc.
Làng Cà Ná, đã nằm né bên bờ sóng ấy hơn hai thế kỷ, là một trong những làng biển lâu đời nhất ở miền duyên hải Ninh Thuận.
Hồn làng trong ngôi đình cổ
Về Cà Ná vào buổi sáng sớm, bước vào bến thuyền tấp nập, chúng tôi cứ ngỡ mình đang đứng ở một làng biển nào đó tại xứ Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Bình Định, Phú Yên.
Giọng nói của người dân xứ này có tiết tấu nhanh của người xứ Quảng, lại trộn lẫn những âm tiết của người Bình Định, Phú Yên.
Ông Ba Thạo (Lê Văn Thạo), một lão ngư gần 70 tuổi, giải thích giọng nói ấy của người Cà Ná xuất phát từ nguồn cội, khi dân làng đều là con cháu những người lưu dân Nam - Ngãi - Bình - Phú.
Những người lưu dân ấy vào Cà Ná từ bao giờ? Đại Nam nhất thống chí - cuốn địa chí của nhà Nguyễn khi viết về phủ Ninh Thuận - chỉ cho biết mốc thời gian xa nhất về Cà Ná:
“Phía Nam có đầm Vũng Diên (vịnh bãi Cà Ná), gặp gió nam thì thuyền có thể đỗ yên được. Năm Tự Đức 13 (1860) liệt vào hàng danh sơn, ghi vào điển thờ”. May mắn là lão ngư Ba Thạo đã dẫn chúng tôi tìm đến chứng tích cổ xưa hơn là những sắc phong của các vua nhà Nguyễn ban cho đình Lạc Nghiệp.
Phủi lớp bụi trên tráp, ông Ba Thạo lấy ra một tấm vải cuộn tròn đã ố vàng, đó là sắc phong của vua Tự Đức ban vào năm thứ ba (1850) cho vị thần “Cố Hỷ phu nhân” được thờ ở đình.
Trong tráp còn có bốn sắc phong nữa cho vị thần này, được ban vào các năm Tự Đức thứ 30 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1886), Duy Tân thứ 3 (1910) và Khải Định thứ 9 (1924).
Ông Ba Thạo cho biết sắc phong năm 1850 chưa phải là sắc phong cổ nhất ở đình Lạc Nghiệp.
“Hồi tui còn nhỏ, có nghe cha kể lại là năm 1946 giặc Pháp vào đốt làng và cháy mất sắc phong của vua Minh Mạng (trị vì từ năm 1820 đến 1841) ban cho hai vị “Thành hoàng bổn xứ” và “Bạch mã thái giám”, cùng đang được thờ phượng ở đình làng này” - ông Ba Thạo cho biết.
Nhưng đó vẫn chưa phải là câu chuyện xa xưa nhất về Cà Ná.
Mang sắc phong này đi gặp một bậc cao niên trong làng Lạc Nghiệp là ông Võ Ngọc Quang (81 tuổi), ông cho biết theo ghi chép của gia tộc họ Võ còn được ông lưu giữ thì “Cố Hỷ phu nhân” là một nữ tướng từ thời Tây Sơn chết trận tại vịnh Cà Ná vào năm 1771 và được dân làng thờ phụng trong một ngôi miếu tranh từ ngày đó.
Mốc thời gian này sau khi được các bậc cao niên ở Cà Ná khảo cứu, đối chiếu nhiều tài liệu đã được ghi lại trong hồ sơ đề nghị phong tặng di tích lịch sử cấp quốc gia cho đình làng Lạc Nghiệp.
Đổi xương máu giữ làng
Hơn hai thế kỷ từ thuở lập làng, đất Cà Ná đã trải qua rất nhiều dâu bể vì chiến tranh, bão tố. Có một điều rất lạ kỳ: làng biển này là nơi khô cằn, sóng gió dữ dằn nhất nhưng nay là nơi có đội thuyền vươn khơi xa nhất, giàu có nhất trong các làng biển ở Ninh Thuận.
Thành quả ấy của người Cá Ná phải chăng bắt nguồn từ câu chuyện mà lão ngư Võ Ngọc Quang kể rằng có một điều các bậc tiền nhân ở Cà Ná khi di cư vào đây đều bắt con cháu đời sau không được dời làng. “Vì sao lại có lời căn dặn này?”.
Nghe chúng tôi hỏi, ông Võ Ngọc Quang kể: “Dân Cà Ná tất cả đều có quê quán từ Nam - Ngãi - Bình - Phú. Đời cha ông tụi tui nghèo khổ mới chèo ghe bầu vượt sóng vô đây, được đất này che chở mà bám trụ lại. Nên dặn lại con cháu như cái nghĩa tạc ơn đất này”.
Lời thề mà ông Quang nhắc có thể chỉ là lời truyền miệng, không sách vở nào chép lại. Nhưng lịch sử Cà Ná đã minh chứng rằng lời dặn dò ấy được con cháu tạc ghi.
Ông Nguyễn Văn Bông - chủ tịch Hội người cao tuổi xã Phước Diêm - nói trong chiến tranh, ở Ninh Thuận hiếm làng biển nào chịu nhiều đau thương để giữ đất như Cà Ná.
Làng nằm cạnh quốc lộ và đường sắt, cả Pháp và Mỹ đều bố trí đồn bốt dày đặc quanh vùng. Ngày đất nước thống nhất, cả xã Phước Diêm chỉ có hơn 1.000 hộ dân nhưng đã có tới 900 gia đình thuộc diện có công với cách mạng, 229 liệt sĩ và 766 huân huy chương các loại trao cho các cá nhân.
Và Phước Diêm đã trở thành xã đầu tiên của huyện Ninh Phước được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1993.
Câu chuyện về lời thề giữ làng, giữ biển không cần ai nhắc nhưng cứ ăn sâu vào máu xương của mỗi người Cà Ná, kể cả nhưng lúc thiên nhiên nổi giận, vẫn son sắt bám làng.
Những ngày ở Cà Ná, chúng tôi được ông Ba Thạo dẫn ra mộ phần của 49 người dân Cà Ná đã chết trong trận “tác nam” (gió lốc) vào mùa gió nam năm 1983.
Đó không phải là trận cuồng phong duy nhất ập xuống Cà Ná từ thuở lập làng.
“Biển dã mà, không lấy tất cả cũng không cho không ai thứ gì... Nhưng nhờ lời căn dặn không được bỏ làng, bỏ biển của đời ông cha, mới có Cà Ná bữa nay” - ông Ba Thạo kể chuyện xưa như một cách nhắc nhớ tương lai cho người Cà Ná.
***
Vị trí yết hầu
Cái tên Cà Ná chỉ chính thức xuất hiện trên bản đồ hành chính khi xã Cà Ná được tách ra từ xã Phước Diêm năm 1999.
Tuy nhiên, với người dân địa phương, từ Cà Ná hiện nay vẫn là tên gọi chung cho vùng đất gồm hai xã Phước Diêm và Cà Ná thuộc huyện Thuận Nam (Ninh Thuận).
Theo tiếng Chăm, Cà Ná có nghĩa là “đá ngầm”, được đặt tên cho một vùng đất núi ăn ra sát biển và có nhiều đá ngầm.
Sự hung dữ của vùng biển Cà Ná còn được ghi lại trong ca dao: “Mũi Nậy bảy bị còn ba/ Mũi Dinh chín bị không tha bị nào”. Nghĩa là mùa gió chướng, ghe bầu đi qua Mũi Nậy (Phú Yên), bảy bị gạo ăn bốn còn ba mới qua được.
Còn đến Mũi Dinh (mỏm núi chắn ngang Cà Ná) thì ăn cả chín bị chưa chắc đã qua được do sóng lớn, đá ngầm, nước ngầm chảy xiết.
Do núi ăn ra sát biển nên hiện cả đường sắt và quốc lộ 1 khi đi qua vùng Cà Ná đều chạy song song nhau, sát mép biển cực đẹp.
Cà Ná vì thế trở thành vùng đất có vị trí yết hầu ở vùng cực nam Trung bộ. Từ Cà Ná đổ ngược lên phía tây là các dãy núi cao khoảng 1.500m, nối dài tận cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) và hoàn toàn không có tuyến đường nào theo trục Bắc - Nam có thể chạy qua.