Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Hành khách xô xát nữ nhân viên hàng không: Lại một công chức côn đồ

Vũ Hạnh/VOV.VN

VOV - Hành khách tát nữ nhân viên hàng không đến mức phải nhập viện lại là một công chức của Hà Nội.

Vụ hai nam hành khách xô xát với nữ nhân viên hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài thực sự khiến dư luận bức xúc. Là nam giới mà đánh phụ nữ đã là chuyện không thể chấp nhận được, thêm nữa, một trong hai người đàn ông hung hãn kia lại là cán bộ thanh tra cầu đường bộ trực thuộc Thanh tra Sở GTVT Hà Nội.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện cãi vã, đánh đập phụ nữ thuộc ngành hàng không. Trước đó, một khách VIP ngồi khoang hạng C đã tát một nữ tiếp viên hàng không, sau đó người này đã bị cấm bay trong 6 tháng.

Nhưng dư luận cho rằng, hình thức xử phạt như vậy là quá nhẹ mà nên cấm bay vĩnh viễn những kẻ có thói hành xử côn đồ để phòng ngừa và răn đe người khác.

Vụ việc mới xảy ra cách nay vài tháng những tưởng sẽ hạn chế được các hành khách sẵn máu côn đồ khi đi máy bay. Nhưng không, sự việc lặp lại ở mức nghiêm trọng hơn – nữ nhân viên phải nhập viện trong tình trạng choáng váng, buồn nôn.

Xem ra, thói hách dịch trong nghề nghiệp đã được vị cán bộ thanh tra này áp dụng không đúng nơi, đúng chỗ. Là thanh tra, có lẽ đã quen với việc đi đến đâu cũng được kính nể, trọng vọng, được thưa bẩm quen tai rồi. Nay, ra tới sân bay, nghĩ mình là người của ngành giao thông mà phải chịu cảnh “delay” thì thật là không chịu nổi?

Những tưởng, là người của ngành giao thông thì hơn ai hết anh ta dễ hiểu và cảm thông cho đồng nghiệp trong ngành khi phải “uốn lưỡi” để thuyết phục hành khách vì lỡ chuyến. Đáng tiếc lại không phải vậy!

Trong hàng ngũ công chức, viên chức mà có những con người như vậy thì nên để anh ta là người đầu tiên nằm trong danh sách tinh giản biên chế. Bởi với thái độ, hành động của người này nếu thi hành công vụ thì chỉ làm hoen ố hình ảnh người công bộc của dân mà thôi. Là công chức, là người của cơ quan Nhà nước không có nghĩa là anh làm “quan” của cả thiên hạ, đi đâu cũng có những đặc quyền, đặc lợi.

Lâu nay, người dân vô cùng bức xúc với thái độ hách dịch, sách nhiễu của không ít cán bộ, công chức. Nay, thói hư tật xấu ấy không phải chỉ có trong công việc mà “phát” ra cả ngoài công việc, đan sâu vào các mối quan hệ xã hội rất bình thường.

Ngành hàng không chưa đưa ra quyết định cuối cùng đối với hành khách này. Song thiết nghĩ, việc loại khỏi danh sách phục vụ những hành khách thiếu văn minh, lịch sự, côn đồ, hung hãn đối với một dịch vụ vận tải cao cấp là điều cần thiết, nên làm. Đây còn là biện pháp để tăng cường an ninh, hình ảnh, văn hóa hàng không. Bởi không chỉ nhân viên hàng không mà ngay cả hành khách cũng lo sợ, biết đâu một ngày nào đó lên máy bay lại được xếp ghế ngồi ngay cạnh những kẻ côn đồ đeo mác công chức kia thì chẳng phải cũng e ngại lắm sao!?