MTG - Thời điểm cuối năm, nhiều mặt hàng đã và đang tăng giá theo quy luật thị trường, trong đó giá xăng cứ ba tháng được điều chỉnh một lần với khuynh hướng tăng nhiều hơn giảm.
Nhìn chung, mặt bằng giá tiêu dùng trên thị trường xã hội chỉ biến thiên theo đường thẳng đứng và hầu như không có khả năng dừng lại trong khi mọi nỗ lực của xã hội đều cố gắng “gồng người” chi tiêu tiết kiệm. Nhà nước kêu gọi các cơ quan, ban ngành thực hiện việc chống lãng phí, tiết giảm chi tiêu công, nhất là mua sắm ô tô. Người dân thì không cần phải hô khẩu hiệu “thắt lưng buộc bụng”, các gia đình nghèo đều tự phải tính toán mọi chi tiêu cho phù hợp với đồng lương eo hẹp vốn không thể đuổi theo vật giá tăng nhanh một cách phi mã.
Còn nhớ, trước đây trong giai đoạn nhà nước đưa ra chính sách bình ổn giá cho các mặt hàng thiết yếu để không làm xáo động thị trường, nhằm mục đích hỗ trợ, ổn định cuộc sống người dân trong cơn “choáng” giá cả nhiều mặt hàng phục vụ tiêu dùng hàng ngày, thì đùng một cái “đại gia” xăng dầu tuyên bố tăng giá bất chấp sự phản đối của dư luận qua nhiều kênh thông tin báo, đài và các tầng lớp xã hội. Và cuối cùng thì giá xăng dầu đã tăng kéo theo điện nước, thuốc tây, sữa… mọi thứ đều đồng loạt tăng theo giá vàng, đô la…
Đồng tiền nhảy múa điên loạn, kéo theo những thứ thiết yếu khác cũng điên loạn, nhảy múa theo. Phản ứng của xã hội trước cơn biến động giá cả là khá gay gắt, nhưng “đại gia” kinh doanh xăng dầu vẫn cứ tăng và vin vào giá xăng dầu thế giới cao thì giá xăng dầu ở nước ta cũng phải tăng cho bằng với… giá xăng dầu thế giới nhưng thực tế có những giai đoạn, thời điểm giá xăng dầu ở Việt Nam cao hơn giá xăng dầu thế giới. Một số người có trách nhiệm ở các bộ, ngành có liên quan cũng lên tiếng bênh vực việc tăng giá xăng dầu và cho rằng người dân hãy tập làm quen với việc tăng giá, thậm chí phải sống chung với cơn sốc thị trường bởi đó là quy luật tất yếu.
Có vị còn mạnh miệng tuyên bố việc tăng giá xăng dầu sẽ không ảnh hưởng đến các mặt hàng khác. Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại và cho đến thời điểm hiện nay giá thị trường đã tăng cao ngất ngưởng và chắc chắn sẽ không giảm xuống mà sẽ còn “nhập” vào theo kiểu “giá chồng giá” dịp cuối năm theo quy luật. Không biết các vị tuyên bố mạnh miệng như trên bây giờ đã tỉnh ra chưa, chứ lúc đó ngay một người bình thường như anh chạy xe ôm, chị bán xôi cũng thừa biết rằng việc tăng giá xăng dầu, nhất là liền sau thời điểm khủng hoảng kinh tế sẽ lập tức đẩy giá các mặt hàng lên một mức mà người tiêu dùng không chỉ bị sốc mà còn bị “choáng”. Và quả nhiên, giá thị trường “ăn theo” giá xăng dầu, cộng thêm giá điện, nước tăng thành một lực đẩy khiến chất lượng cuộc sống của người dân thấy được cụ thể qua mỗi bữa ăn hàng ngày giảm sút rõ rệt chứ không nói gì đến phúc lợi văn hóa. Thể hiện rõ nét nhất là mối quan tâm của Chính phủ, liên tục có những chỉ thị giục các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm tới chủ trương kìm hãm giá.
Tuy nhiên, động thái can thiệp vào thị trường gần như không còn hiệu ứng vì bờ bao đã bị dỡ bỏ, nước trên nguồn đã tràn xuống thì bên dưới làm sao ngăn chặn nổi? Cơn choáng tăng giá xăng, điện, nước vẫn còn làm người dân như bị “say sóng” và thị trường như con thuyền đang chao lắc trên biển thì các “ông lớn” kinh doanh điện thoại di động lại nhập về loại máy iPhone 5, 6 và mới đây là iPhone 7 được xem là hiện đại nhất và tất nhiên giá cũng đắt nhất. Số ngoại tệ mạnh bỏ ra để nhập dòng máy hiện đại này lên đến hàng tỉ USD, một số tiền khổng lồ trong lúc xã hội còn rất khó khăn, chất lượng cuộc sống người dân chưa được cải thiện.
Chưa hết, nhìn sang lãnh vực ô tô, việc nhập xe ô tô “xịn” ngang tầm… thế giới như loại xe Rolls Royce Phantom hay Maybach, một loại xe chỉ dành cho người “giàu nhất thế giới” có giá cả triệu USD/chiếc cũng đã ngốn thêm đến hàng chục, hàng trăm tỉ USD nữa. Các chuyên gia phân tích thị trường đã tính rằng với số đô la khổng lồ bỏ ra nhập ĐTDĐ hạng sang và ô tô “xịn” ngang tầm thế giới, nếu trừ đi 2,4 tỉ USD ta có được nhờ xuất khẩu 600 tấn gạo (năm 2009), thì rõ ràng dòng chảy ngoại tệ của ta đang chảy ra ngoài nhiều hơn “rót” vào và thị trường nội địa vẫn còn bị vênh như cái bập bênh khi xuất ít hơn nhập.
Và cái nhìn thấy rõ nhất là gánh nặng vẫn còn đè nặng trên lưng người dân, bởi lẽ, chất lượng cuộc sống tuyệt đại bộ phận người dân không thể tính bằng ĐTDĐ hạng sang như iPhone 7 hay ô tô “xịn” kiểu Rolls Royce Phantom. Điều này thấy rõ ràng nhất là bữa ăn hàng ngày, điều kiện vui chơi giải trí thiếu thốn, mặt bằng văn hóa kém, đạo đức xã hội xuống cấp, đồng lương không sống nổi, giá sức lao động công nhân thuộc vào loại thấp nhất thế giới. Chất lượng cuộc sống người dân quả là đã tỉ lệ nghịch với các mặt hàng tiêu dùng chỉ dành cho một số người giàu nhưng phải bỏ ra tới hàng tỉ tỉ USD để nhập khẩu. Trong khi đó, việc tích lũy ngoại tệ của ta chỉ vẫn nhờ vào xuất khẩu nguyên liệu thô, ngay cả gạo cũng là thế mạnh nhưng chưa phải là mặt hàng cạnh tranh số 1 và hiện nay đang có nguy cơ thua cả gạo Campuchia.
Chất lượng cuộc sống luôn là đáp số cho bài toán quản lý xã hội. Khi nào con số này còn bé mà giá trị tiêu dùng cao thì rõ ràng xã hội chỉ phục vụ cho một số người giàu. Điều này quả thật đáng buồn chứ không thể nói là vui mừng khi ta có ĐTDĐ iPhone 6, 7 hay ô tô Rolls Royce Phantom… cho ngang tầm thế giới. Nếu lấy những giá trị vật chất gọi là “đỉnh” ấy để so sánh và cho rằng chất lượng cuộc sống người dân đã được nâng cao thì thực chất chỉ tập trung ở một số người, một thành phần giai cấp mới giàu lên trong cơ chế thị trường mà ai cũng biết là không thu hoạch lợi nhuận từ sức lao động, từ đồng lương chân chính. Trong lúc đó, tuyệt đại bộ phận người dân kiếm tiền bằng sức lao động thì sự chênh lệch chất lượng cuộc sống là rất rõ nét. Điều này kéo theo những hệ lụy văn hóa thấp, phúc lợi tinh thần đương nhiên là thiếu thốn, tác động đến tiêu cực xã hội và sẽ đặt ra bài toán quản lý hết sức khó khăn, phức tạp.