Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

“Giao dịch” với nhà mạng: Không ăn bánh nhưng vẫn phải trả tiền

Hoàng Linh

(Dân Việt) Trong giao dịch với nhà mạng, người sử dụng luôn chịu thiệt như mất tiền oan từ tin nhắn quảng cáo, không thể yêu cầu mức dịch vụ tương xứng với giá tiền bỏ ra, nhận tin nhắn rác, khiếu nại nhiêu khê… Đến bây giờ tôi mới biết những công ty tưởng là đàng hoàng lại giở trò khuất tất để rút tiền khách hàng, đó là nhà mạng điện thoại.

Công bố của thanh tra Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) Hà Nội, từ tháng 1.2013 đến tháng 3.2016 đã có hàng chục ngàn khách hàng của bốn nhà mạng viễn thông Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile mất tiền cho cước phí các dịch vụ trên điện thoại mà họ đăng ký sử dụng. Nhiều khách hàng không biết rằng sẽ bị trừ phí, nên đã chấp nhận lời nhắn mời tham gia trò chơi có thưởng từ tin nhắn quảng cáo. Cũng theo thông tin từ Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội thì số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của SAM Media tại thời điểm ngày 19.7.2016 là hơn 93.000 khách hàng. Trong đó có nhiều khách hàng khi được hỏi đều không biết mình đang sử dụng dịch vụ bị trừ tiền.

Tuy nhiên, Công ty SAM Media chỉ bị xử phạt 55 triệu đồng vì một số lỗi nhỏ trong khi đã kiếm được từ người dùng di động Việt Nam hơn 230 tỉ đồng. 

Đây là điều một khách hàng chia sẻ,  chắc cũng như với nhiều người:

“Sự việc bắt đầu từ chiều thứ Bảy vừa qua. Sau quá nhiều lần bị nhà mạng chúc mừng cài đặt thành công mấy cái dịch vụ nào đó còn tôi thì liên tục phải hủy, tôi đã dùng một trong các số thuê bao của mình nhắn KT gửi 994 để kiểm tra. Kết quả là nó lòi ra 10 dịch vụ có trả phí được cài từ năm nào.

Nhẩm tính, chỉ riêng mỗi số thuê bao này, hàng tháng tôi bị bóp cổ cỡ  vài trăm ngàn. Bốn số là bao nhiêu? Nhiều năm qua là bao nhiêu?

Nhà mạng có hơn 55 triệu thuê bao, nếu 80% trong số này hoạt động và mỗi ngày một thuê bao bị bóp cổ 1.000 đồng, thì mỗi ngày có 42,5 tỷ đồng đã vào túi nhà mạng và các công ty dịch vụ cung cấp đầu số ???

Thưa kiện hay làm rõ là chuyện xa vời, tẩy chay nhà mạng thì lấy gì xài, chúng ta hoàn toàn không có sự lựa chọn.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đơn cử một vụ kiện có thể tham khảo mà tòa án Anh đang thụ lý.

Theo CNN, đơn kiện – mà nơi được phát động đầu tiên là ở Anh – đã được nộp lên tòa án vào đầu tháng 9 vừa qua. Trong đó tuyên bố MasterCard (MA) nên trả 14 tỷ bảng (tức 18,6 tỷ USD) cho hàng triệu người dân Anh sử dụng thẻ bởi đã áp đặt phí giao dịch cao bất hợp pháp từ năm 1992 đến 2008.

Danh tính của người đâm lá đơn dài 600 trang lên tòa án London hôm 1.10 là vị luật sư Walter Merricks, từng đứng đầu Financial Ombudsman Service, cơ quan thuộc chính quyền Anh chuyên giải quyết tranh cãi giữa các định chế dịch vụ tài chính và khách hàng.

Từ năm 1992 – 2008, hãng đã áp mức phí hơn 1% giá trị giao dịch mỗi khi khách hàng thanh toán quốc tế bằng các loại thẻ tại cửa hàng.

Hai năm về trước, Liên minh châu Âu quy định giới hạn mức phí đối với các nhà bán lẻ là 0,2% đối với thẻ ghi nợ và 0,3% cho thẻ tín dụng. Nhưng hầu hết khách hàng đều không nhận biết đều này nên có vẻ như họ tự nguyện tham gia vào dịch vụ mà chính mình là người bị hại.

Vụ kiện manh nha sau khi cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu nhận thấy vào năm 2014, phí giao dịch tại các cửa hàng trong phạm vi EU là quá đắt.

"Người tiêu dùng không hề hay biết về mức độ của các khoản phí", công ty luật Quinn Emanuel cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản. "Tất cả người tiêu dùng ở Vương quốc Anh đã bị mất tiền".

Công ty luật lập luận mức phí cao chót vót của MasterCard so với các loại thẻ thanh toán khác đã buộc các nhà bán lẻ phải tăng giá bán trên diện rộng và người mua hàng là bên cuối cùng phải chịu thiệt. Ước tính 46 triệu người đã bị ảnh hưởng.

Đây là vụ kiện đòi bồi thường có giá trị lớn nhất lịch sử nước Anh và dựa theo các điều khoản trong một đạo luật của nước Anh, người tiêu dùng sẽ tự động là một phần của tranh chấp, trừ khi họ không muốn tham gia.

Bất kỳ người nào sống tại Anh, sử dụng thẻ tín dụng, tiền mặt hoặc séc và đã trên 16 tuổi trong giai đoạn được đưa ra trong vụ kiện đều tự động là một phần của yêu cầu bồi thường. Nếu 14 tỷ bảng Anh được chia đều với số lượng người đủ điều kiện (ước tính là 46 triệu người), mỗi người sẽ nhận khoảng 300 bảng.

Hầu hết  người dùng Việt Nam thường xem thông tin về một số chương trình mà chính họ cũng không nắm hết nội dung và hiểu rõ bản chất nhưng lại đăng ký hoặc thì vô tình đăng ký vào những dịch vụ theo gói tuần, tháng, năm.

Lẽ ra nhà cung cấp dịch vụ phải có nghĩa vụ thông báo cho khách hàng chi tiết các loại phí chính thức và phát sinh để khách hàng cân nhắc lựa chọn, các phương thức giao dịch cũng phải rõ ràng tránh trường hợp khách hàng chọn giao dịch dịch vụ mà không dùng đến. Nhưng họ không làm vậy. Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số đưa ra những phần quà rất lớn, hết sức hấp dẫn,…hoặc doanh nghiệp đưa vào các ứng dụng, website khiến người dùng bấm nhầm vào dẫn đến việc đăng ký một dịch vụ nào đó”.

Cá nhân hay một nhóm người không thể đủ điều kiện, tiềm năng để tiến hành một vụ kiện bài bản đối với các công ty lớn nhà mạng, đó là công việc của Chính phủ. Bộ Tư pháp Mỹ đã nhiều lần đại diện người tiêu dùng Mỹ kiện các tập đoàn lớn và Tòa đã buộc họ phải đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng những khoản tiền khổng lồ.

Ở Việt Nam điều này chưa có tiền lệ và thực tế cho thấy Chính phủ phải thực hiện nghĩa vụ này trước tình trạng quyền lợi của người dân bị xâm hại.