Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Gánh nặng già hóa dân số

Trúc Diễm

(TBKTSG) - Già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Nếu không có những giải pháp chính sách ngay từ hôm nay thì già hóa dân số sẽ là một thách thức không nhỏ với nền kinh tế. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Thách thức phía trước

Khi lũ lụt tàn phá nhiều vùng đất nghèo của Myanmar vào năm ngoái, Aye Than và gia đình của bà đã phải rời bỏ nhà cửa để sống trong một ngôi lều tạm bợ được dựng ở ven đường. Bà hiện đang là người duy nhất và là nguồn thu nhập chính chăm sóc cho người cha già 86 tuổi và hai đứa cháu nhỏ. Con gái bà Aye Than, đang có thai bé thứ ba, có thu nhập rất thấp từ việc bán hàng rong còn người con rể lại đang thất nghiệp sau một thời gian dài tìm kiếm việc làm. Bà Aye chỉ là một trong số 4,5 triệu người Myanmar ngoài 60 tuổi, và rất nhiều trong số họ đang phải vật lộn với cuộc sống khi thiếu thu nhập và mạng lưới hỗ trợ từ xã hội.

Tại huyện Đan Phượng, Hà Nội, bà Chung (77 tuổi) đang sống với người em của mình là bà Thủy (74 tuổi). Cả hai bà đều bệnh tật cả hơn chục năm nay, người thì bị bệnh tai biến, người thì bị bệnh viêm dây thần kinh số 5. Do con cái đi làm xa nhà nên hai bà dọn sang ở chung để cùng chăm sóc nhau. Tổng tiền lương hưu của hai bà khoảng 6 triệu đồng nhưng chi cho thuốc thang hết quá một nửa số tiền. Hai bà cũng không có điều kiện đi xa khám bệnh mà chủ yếu mua thuốc của hiệu thuốc gần nhà và tất nhiên sẽ không được hưởng các chính sách của bảo hiểm y tế.

Đó là hai trong số những câu chuyện cho thấy khoảng cách về hệ thống an sinh xã hội (ASXH) và khả năng tiếp cận thực tế của người già.

Già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu. Tại hội thảo về già hóa dân số được tổ chức gần đây tại Hà Nội, các chuyên gia cho biết tốc độ tăng dân số già (trên 60 tuổi) dự kiến sẽ cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng số người trong độ tuổi lao động (15-60 tuổi). Nếu như dân số trong độ tuổi lao động chỉ tăng khoảng 50% trong một thế kỷ tới thì số dân số già tăng tới 300%.

Hiện nay, có khoảng hơn một nửa số người già đang sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự báo, tốc độ già hóa dân số thế giới sẽ diễn ra rất nhanh trong thời gian tới và vượt hơn 2 tỉ người già vào năm 2050, trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng gần hai phần ba, tức khoảng 1,3 tỉ người già, phần lớn trong đó là phụ nữ.

Cho dù đây là khu vực có truyền thống gia đình, nơi người già được con cái nuôi dưỡng, chăm sóc nhưng tỷ lệ sinh thấp, tình trạng di cư và quá trình toàn cầu hóa đã thay đổi cấu trúc gia đình và giá trị văn hóa lâu đời. Do đó có một thực tế đang xảy ra là số lượng người già phải tự lo cho bản thân mình ngày càng lớn trong khi hệ thống ASXH và chăm sóc y tế của các quốc gia này lại quá mỏng để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của họ.

Thu nhập không ổn định, hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, rất nhiều người già tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải vật lộn với cuộc sống và rơi vào hoàn cảnh nghèo cùng cực.

Không còn nhiều thời gian

Hiện nay nhiều quốc gia đang phải vật lộn với việc giảm lực lượng lao động, tăng chi phí y tế, trợ cấp cao tuổi và lương hưu trong khi bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều bất ổn. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và điều kiện sống, các chính phủ phải thay đổi các chính sách hiện có để giải quyết được thách thức về già hóa dân số được dự báo sẽ diễn ra ngày càng khốc liệt. Điều này đòi hỏi các quốc gia, trước tiên phải tạo điều kiện để cho người cao tuổi được làm việc lâu hơn theo cách phù hợp với tuổi của họ. Bên cạnh đó, phải có chính sách tuyển dụng thân thiện với người cao tuổi, chính sách về hưu linh động và đầu tư cho nguồn nhân lực...

Tại hội thảo trên, ông Michael Herrmann, Tư vấn cấp cao về kinh tế và quản lý quỹ sáng tạo của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Hoa Kỳ đưa ra ba nhóm gợi ý chính sách để ứng phó lại với tình trạng già hóa dân số: (i) cân nhắc lại tuổi nghỉ hưu và tuổi nhận lương hưu; (ii) đầu tư vào nguồn nhân lực, đặc biệt là phụ nữ; tăng cường hệ thống an sinh và bảo trợ xã hội.

Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dù nước ta đã có nhiều chính sách cho người già, người nghèo nhưng do nguồn lực hạn chế nên khả năng đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng này còn thấp.

Việt Nam chỉ mất khoảng 15 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già trong khi các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ. Dân số Việt Nam có tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh từ 6,9% năm 1979; 7,2% năm 1989; 8,1% năm 1999 và 9% năm 2009 và hiện nay là trên 10,5%.

Theo dự báo 50 năm nữa Việt Nam sẽ có thêm hơn 10 triệu người cao tuổi.
“Ở các nước người ta giàu rồi mới già, còn ở Việt Nam thì chưa giàu đã già. Đất nước còn đầy rẫy khó khăn mà dân số đã già. Chúng ta gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề an sinh và dịch vụ xã hội để chăm sóc cho người cao tuổi”, ông Đàm nói và dẫn chứng thêm người cao tuổi nước ta có đặc điểm sức khỏe hạn chế, tuổi thọ xấp xỉ 75 tuổi nhưng có trên 10 năm đau yếu.

Về việc liệu có nâng tuổi nghỉ hưu như gợi ý của các chuyên gia quốc tế, ông Đàm cho hay, Việt Nam đã nghiên cứu và nghĩ tới tăng tuổi nghỉ hưu để thích ứng với già hóa dân số và đảm bảo tận dụng được năng lực, trình độ, chuyên môn của lớp người cao tuổi. Tuy nhiên, việc tăng tuổi làm việc phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ như khi nguồn nhân lực xã hội không đáp ứng được sự phát triển kinh tế thì mới phải tính đến phương án tăng tuổi hưu.

Ông Đàm cũng cho biết, hiện nay Chính phủ đang rất đau đầu trong việc cân đối sử dụng nguồn nhân lực, làm sao vừa sử dụng được người già mà vẫn tạo cơ hội cho lao động trẻ phát triển, đặc biệt là những lao động trẻ được đào tạo bài bản để họ có cơ hội được cống hiến.

Kéo dài tuổi nghỉ hưu còn có ý nghĩa để đóng góp vào quỹ ASXH vững vàng, ổn định, không có nguy cơ bị thiếu hụt khi chi trả cho lớp người cao tuổi. Tức có sự cân bằng giữa đóng và hưởng của một đời lao động.

Do đó, vấn đề cốt lõi là phải phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm đa dạng cho lao động. Thực tế, tại Việt Nam chỉ có khu vực chính thức quy định tuổi nghỉ hưu, còn phần lớn khu vực phi chính thức người già vẫn làm việc, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. 
***

20% người cao tuổi sống dưới mức nghèo

Hiện nay, lưới ASXH đối với người cao tuổi ở Việt Nam còn quá mỏng, chỉ những người trên 80 tuổi mới được tiền trợ cấp và số tiền này mới được nâng lên mức 270.000 đồng/tháng hồi đầu năm 2016. Ngoài ra, số người tham gia BHYT còn rất thấp, đặc biệt là những người cao tuổi lao động tự do, làm việc ở khu vực nông lâm ngư nghiệp. Do đó, nhiều người cao tuổi hiện nay vẫn phải lao động để tự nuôi bản thân mình.

Tại hội thảo diễn ra vào cuối tháng 9 năm ngoái, thống kê của Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có tới 62,6% số người cao tuổi không có lương hưu hoặc hưởng trợ cấp từ nhà nước.

Còn theo điều tra của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam, có gần 20% người cao tuổi sống dưới mức nghèo, hơn một phần ba trong số họ vẫn đang phải làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và phi chính thức với thu nhập không ổn định và thấp. Hơn nữa, cuộc suy thoái kinh tế gần đây ảnh hưởng tới người già nặng nề hơn khi họ không có cơ hội phục hồi như những nhóm tuổi khác. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2010-2012, thu nhập đã tăng lên ở hầu hết các nhóm tuổi ở Việt Nam, trừ những người già từ 65-80 tuổi.