Dân Trí - Tại Hội thảo bàn về vai trò của kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển tại Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội sáng nay (4/10), rất nhiều chuyên gia kinh tế tỏ vẻ sốt sắng về sức khoẻ của khu vực kinh tế tư nhân trước ngưỡng cửa hội nhập và những chuyển biến rất chậm từ lời nói, đến hành động của bộ máy quản lý kinh tế.
Vẫn vật lộn với tư duy và hành động
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đất nước mình có lẽ là, khi thấy cái gì yếu hẳn đi sẽ rất quan trọng, khu vực tư nhân khi thấy nó yếu được phong ngay danh hiệu quan trọng. Đây là điểm để nói rằng cách nhận thức vai trò kinh tế tư nhân thực dụng đến mức nào.
“Kinh tế tư nhân loài người đã nói mãi nhưng chúng ta đến giờ ta mới coi tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, nói nhiều quá thế giới thậm chí cười cho”, ông Trần Đình Thiên.
Theo TS Trần Đình Thiên, thể chế kinh tế như thế nào thì doanh nghiệp ấy. Chúng ta vẫn yêu chiều, dồn nguồn lực vào DN Nhà nước, mãi vẫn vật lộn với cơ cấu nguồn lực tăng trưởng ở khu vực này thì sao khu vực DN tư nhân chẳng bé đi.
“Ta phải nói là trong 30 năm rồi, các cơ chế cho kinh tế tư nhân vẫn chưa được hoàn thiện. Câu hỏi được đặt ra là nó chậm hoàn thiện hay có chỗ nào đặt rào cản để chậm hoàn thiện. Trong khi đó, trên thương trường, các DN Nhà nước chiếm lĩnh hết nguồn lực, DN tư nhân bao năm qua bị o ép, còi cọc không lớn được và không dám lớn”, TS Thiên nhấn mạnh.
Một vấn đề cản trở kinh tế tư nhân, xây dựng kinh tế thị trường tại Việt Nam là cơ chế thông tin hoá, tiếp cận thông tin của DN. Ông Thiên bình luận: "Hiện vấn đề tiếp cận thông tin của DN đã được cải thiện chưa, tôi nói là chưa và có thì quá chậm thì làm sao kinh tế tư nhân đi lên được".
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: "Khoảng cách phát triển tại Việt Nam hiện nay không phải từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau mà là khoảng cách giữa lời nói và hành động. Chúng ta đổi mới chưa thực sự hoàn chỉnh, kinh tế Nhà nước vẫn chưa đến 1% số DN nhưng được hưởng 50% nguồn lực, trong đó có những nguồn lực tốt nhất".
Trong thời gian suy giảm kinh tế vừa qua, có DN Nhà nước nào phá sản đâu, nếu họ kinh doanh thua lỗ lại đổ có cái nọ cái kia. “Doanh nghiệp Nhà nước nếu có vấn đề ngay lập tức được Nhà nước cứu. Thời gian qua, hàng vạn DN tư nhân phá sản, trong khi chúng ta vẫn bàn về tìm đâu ra nút thắt để tháo gỡ khó khăn cho khu vực này mà nút thắt quan trọng nhất là thể chế kinh tế, bộ máy, con người và đặc biệt là chuyển biến từ tư duy, suy nghĩ đến hành động còn quá khác xa nhau, chưa chuyển biến được. Chúng ta đang mắc nợ vì qua 30 năm đổi mới, mà khu vực kinh tế tư nhân vẫn còi cọc, bị giảm đi và không lớn được”, bà Lan nhấn mạnh.
Phát triển Kinh tế tư nhân: Văn bản có hàng mét, thực hiện thì…
Theo TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): “30 năm nay chúng ta đã nói đến chuyện làm thế nào để phát triển kinh tế tư nhân, có những cái đã có văn bản dài hàng mét nhưng thực hiện vẫn như cũ. Phải tìm ra cái mới, làm cái mới chứ đừng nhắc đi nhắc lại mãi những vấn đề của Nghị quyết, của khó khăn mà hàng chục năm không giải quyết được. Đã đến lúc cần nghiêm túc trong hành động và suy ghĩ để giúp DN phát triển, đừng mãi trông chờ vào nước ngoài, vào DN Nhà nước”, ông Bá nói.
Theo TS Lê Xuân Bá, thời gian qua có nhiều trở lực không muốn, không cho khu vực tư nhân phát triển. Nguyên nhân là các cơ quan công quyền lo giữ ghế, bảo vệ lợi ích của bộ, ngành mình để đề ra chính sách có lợi cho mình.
“Thực tế, nếu DN tư nhân đã lớn lên, họ sẽ “bật” lại các chính sách duy ý chí, chính sách chỉ phục vụ lợi ích cục bộ. Đây chính là điều chúng ta đang thấy xảy ra ở một số ngành công nghiệp và loại hình dịch vụ”, ông Bá đặt nghi vấn.
Theo GS.TS Võ Đại Lược: Trên thế giới, không một nền kinh tế nào không phát triển kinh tế tư nhân, vai trò của doanh nghiệp tư nhân đang quan trọng nhất. Mỹ có Apple, Facebook, Trung Quốc có Alibaba… còn chúng ta đang có khu vực kinh tế tư nhân phát triển quá còi cọc.
“Chúng ta có một số DN tư nhân có thể gọi là lớn nhất so với đại đa số các DN khác còn lại. Tuy nhiên, chủ yếu là các đại gia bất động sản, hầu như không có đại gia về công nghiệp. Nếu cạnh tranh công nghiệp với nước ngoài chúng ta thua ngay. Về công nghiệp cơ bản và nền tảng cạnh tranh động, chúng ta đang rất kém, ký hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, ta mở cửa nhiều ngành nghề lĩnh vực thì sắp tới, không có công nghiệp, cơ khí xương sống ai sẽ đứng ra cạnh tranh đây, doanh nghiệp tư nhân ốm yếu, què quặt thì cạnh tranh sao nổi”, GS Lược nhấn mạnh.