Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Dự thảo Luật về Hội: Những trói buộc không cần thiết

Nguyễn Việt

(TBKTSG Online) - Đánh giá dự thảo Luật về Hội tại buổi tọa đàm "Xây dựng Luật về Hội phù hợp với chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức gần đây, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng dự thảo luật này có một số bước lùi so với luật hiện hành.

Bước lùi rõ rệt nhất nằm ở Khoản 5, Điều 8 quy định hội không liên kết, không nhận tài trợ từ nước ngoài, trường hợp đặc biệt phải do Chính phủ quy định; trong khi, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP vẫn cho phép hội thực hiện những điều này. 

“Không hiểu tại sao khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn với thế giới, thậm chí tham gia vào những cam kết rất cao, kể cả đòi hỏi về cải cách thể chế mà lại ra một quy định ngược như thế”, bà Lan bày tỏ.

Theo bà Lan, không liên kết, không gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ của nước ngoài, trường hợp đặc biệt phải do Chính phủ quy định rất vô lý và khó chấp nhận. Vậy có bao nhiêu trường hợp đặc biệt? Không lẽ 350 hiệp hội doanh nghiệp sẽ là 350 trường hợp đặc biệt? Và còn những hội khác thì sao? Đơn cử như các hội về khoa học công nghệ là những hội rất cần hợp tác với bên ngoài, và khi cần lại phải đi xin để được là “đặc biệt”? 

Nói về nhận tài trợ từ nước ngoài, bà Lan cho biết có trao đổi với ông Thang Văn Phúc (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ) thì được biết, những năm qua Việt Nam đã nhận được 2,5 tỉ đô la Mỹ tài trợ từ các tổ chức nước ngoài cho các hội trong nước, trong đó có tới 80% các hội do nhà nước quản lý, 20% do các tổ chức có tính chất dân sự khác.

“Quy định như vậy thì chúng ta chấp nhận bỏ đi 2,5 tỉ đô la hay sao? Tôi không hiểu tư duy của người đề xuất những quy định này. Hay như với điều lệ quy định về số lượng hội viên tối đa. Quy định này nghe rất… lạ. Tại sao phải quy định như vậy? Số lượng hội viên có thể vô hạn, chỉ nên quy định số lượng tối thiểu khi lập hội”, bà Lan bức xúc.

Và bà kết luận, dự thảo còn rất nhiều điều cần phải xem xét lại, thậm chí trong kỳ họp Quốc hội lần này cũng chỉ nên “bàn” vì nó chưa “chín”.

Kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, xã hội ngày càng có nhiều tổ chức với hình thức hoạt động phong phú khác nhau như hội, hiệp hội, liên minh, mạng lưới, quỹ, nhóm, câu lạc bộ, mái ấm, nhà mở… Nhiều nhóm, tổ chức hay hội được hình thành và phát triển một cách tự nhiên, phát sinh từ chính nhu cầu của cuộc sống.

Trong nhiều năm qua, hoạt động của các tổ chức này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của đời sống xã hội như xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người khuyết tật, phòng chống bạo lực gia đình, hỗ trợ phụ nữ nghèo làm kinh tế, hỗ trợ bệnh nhân ung thư, tim mạch… Những hoạt động như vậy đã thúc đẩy sự tương trợ, tinh thần tương thân tương ái... trong đời sống xã hội.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, xã hội muốn phát triển hài hòa thì trình độ tổ chức xã hội phải tương ứng với trình độ tổ chức kinh tế. Các hội, hiệp hội, quỹ hay đoàn thể hình thành trên cơ sở tự nguyện của người dân, cộng đồng hiện nay là cách đáp ứng các nhu cầu đa dạng của xã hội khi Nhà nước không thể đáp ứng cho các nhu cầu đó, hoặc nếu có thì hiệu quả thường thấp và chi phí cao.

Quyền lập hội của người dân được ghi nhận trong Điều 25 của Hiến pháp 2013 và Điều 22 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR 1966) mà Việt Nam đã gia nhập. Tuy nhiên, theo TS. Lã Khánh Tùng, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), với định nghĩa trong bản dự thảo “Hội là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của công dân Việt Nam được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu hội”, thì những hoạt động bình thường và không đăng ký như vừa đề cập ở trên của người dân có nguy cơ bị ngăn cấm.

"Trong khuôn khổ của pháp luật hiện hành gồm Sắc lệnh số 102/SL/L004-1957, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Nghị định 93/2009/NĐ-CP và một số văn bản khác, các hội có đăng ký, trừ 6 tổ chức chính trị xã hội và 31 hội đặc thù, phải tự chủ về tài chính, được huy động và sử dụng các nguồn tài trợ trong và ngoài nước để triển khai hoạt động, trong đó có liên kết, gia nhập, trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với đối tác quốc tế… Nhưng dự thảo Luật về Hội nếu được thông qua như hiện nay thì sẽ đóng lại cánh cửa này đối với các hội”, TS. Lã Khánh Tùng nói.

Ông Tùng phân tích, với quy định không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài thì dự thảo Luật về Hội trái với các chuẩn mực quốc tế, đi ngược lại chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời có nguy cơ làm triệt tiêu những nỗ lực quan trọng của người dân trong việc đóng góp cho sự phát triển xã hội một cách hài hòa và bền vững.

Ngoài ra, dự thảo Luật về Hội còn đặt ra các thủ tục thành lập rườm rà, phức tạp, đi ngược lại tinh thần cải cách hành chính. Đơn cử như, dự thảo quy định cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội (Điều 11), công nhận điều lệ hội, người đứng đầu hội (Điều 15) và quá trình xử lý hồ sơ đăng ký là 60 ngày. Điều này không chỉ vi phạm nguyên tắc “tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách  nhiệm” của hội mà còn thể hiện sự phân biệt đối xử nghiêm trọng đối với các hội (phi lợi nhuận) so với doanh nghiệp - cũng là một hình thức tổ chức xã hội nhưng vì lợi nhuận.