MTG - Không phải là những hình ảnh trào phúng hay biếm hoạ mà đó là những điều có thực, những cô giáo – hàng thịt hay thầy giáo – xích lô đã từng khá phổ biến vào thời bao cấp. Thời u ám của nghề giáo ấy dường như đang có nguy cơ quay trở lại…
Hẳn nhiều người còn nhớ tới cái thời kỳ của những thập niên 70 – 80 của thế kỷ trước, thời mà nền kinh tế ảm đạm đến mức mà hầu như mọi người công nhân viên chức ai cũng “chân trong chân ngoài” để sinh tồn. Ở trường của tôi, các cô giáo đa phần chọn nghề may vá, gia công ở nhà để tránh phải gặp phụ huynh hay học trò khi đi “tác nghiệp” mà không phải trên bục giảng.
Thế nhưng cũng có người theo nghề gia đình hoặc ra buôn bán chạy chợ. Có cô theo phụ gia đình bán sạp thịt, có cô mở gánh hàng bông bán rau cải. Thầy giáo thì có nhà có đến mấy anh em thuê một chiếc xích lô và cứ theo ca dạy mà chia ca chạy xích lô với những cái nón đội xùm xụp nhưng không sao che được hết những gương mặt “mô phạm” kia…
Tất nhiên là cả thầy cô lẫn học trò đều có chút ngỡ ngàng, thẹn thùng khi học trò hay phụ huynh là khách hàng của những dịch vụ kể trên. Một chút thôi vì tất cả cũng quen bởi đó là hoàn cảnh khó khăn chung. Rồi tới thời mở cửa, khó khăn dần qua, nhà giáo bắt đầu có thể sống được bằng nghề nghiệp của mình. Đến giờ chắc mọi người cũng thấy, cô thầy có vẻ tinh tươm với đồng phục áo dài, sơ mi, quần tây, không ít người còn có vẻ trung lưu, vi vu với những chiếc xe tay ga đời mới.
Những sự thay đổi đó là nhờ lương bổng chăng? Hoàn toàn không dù lương đã ít nhiều có cải thiện. Hiện giờ mức lương khởi điểm của một cô giáo mới vào nghề chỉ khoảng một triệu mấy, dạy hai ba chục năm đến khi sắp về hưu thì được khoảng hơn bảy triệu, cỡ mức lương “ô sin” hiện nay. Đời sống giáo viên có thay đổi nhưng nhìn chung là từ hoạt động kinh doanh của gia đình và chủ yếu hơn là từ dạy thêm, “bán chữ”. Có người dạy giỏi, rất sớm gia nhập câu lạc bộ những người sắm được nhà lầu, xe hơi ngay từ sau thời bao cấp.
Nghề giáo nó có cái nghiệt, cái “không giống ai” của nghề. Bởi đó vừa là một nghề như bao nghề khác, nghĩa là cũng “sản xuất kinh doanh”, vừa là một nghề có lý tưởng dẫn đạo. Người ta có thể nói đến “thị trường giáo dục” nhưng lại cũng chê trách chuyện thầy cô “bán chữ”, dạy thêm. Chưa có một thống kê rõ ràng nào cả, chỉ là con số mơ hồ 10% tỉ lệ các giáo viên o ép học sinh, “tham nhũng con chữ”, một tỉ lệ không biết từ đâu ra để từ đó có lệnh cấm dạy thêm.
Việc cấm dạy thêm và mới đây là một mức kỷ luật cụ thể cho một giáo viên vô hình chung đã đẩy những nhà “mô phạm” thành những “đối tượng” trong dạng có thể phạm luật, có thể bị kiểm tra hay tố cáo và bị xử phạt như trường hợp của cô giáo kể trên. Hình ảnh thầy cô có thể đã giảm giá một cách thảm hại trong mắt cả phụ huynh lẫn học sinh ngay sau lệnh cấm rất thiếu tính “sư phạm” này.
Đã có những giọt nước mắt đắng cay của các thầy cô sau lệnh cấm này, bởi phàm khi đã chọn nghề giáo, chẳng mấy ai lại không có lương tâm hay lý tưởng xã hội. Thật khó để làm một người đang rao giảng kiến thức, đạo đức trên bục giảng lại là người o ép, bắt buộc hay trù ếm học sinh không học thêm mình.
Nếu có đi chăng nữa, thì đó cũng chỉ là thiểu số những người “đi lộn đường” vào cái nghề cao quý này. Chẳng mấy ai lại muốn thêm công thêm việc cho nhọc thân và lại phải mang tiếng khi phải dạy thêm nếu những điều đó là không bức thiết. Và có lẽ cũng chẳng có ai có cái khả o ép bắt buộc học sinh hay phụ huynh phải cho con em mình phải đi học thêm một khi họ đã không muốn, bởi vì với cái trình độ “dân chủ” khá cao hiện nay, việc đó hoàn toàn có thể bị thưa lên lãnh đạo nhà trường hay các phòng giáo dục.
Vì sao chúng ta không nhìn nhận chuyện dạy thêm là một cách điều tiết, bổ sung, bù trừ cho những sự bất cập của chương trình và các thiết kế giáo dục trong nhà trường công lập hiện nay? Khi chọn các trường quốc tế để phê phán chuyện dạy thêm, sao không so sánh mức đãi ngộ, cơ sở vật chất và chương trình của họ khác hẳn với các trường công? Chuyện các thầy cô kiếm thêm thu nhập vốn khá ít ỏi từ tiền lương bằng cách dạy thêm có gì là sai trái, bởi ở nước ta cho đến giờ có mấy ai có được cái hạnh phúc là sống lương thiện, đàng hoàng chỉ hoàn toàn với thu nhập “cứng” từ tiền lương?
Ở thời bao cấp, dân tình có câu châm ngôn đầy cay đắng: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nghề giáo từ cái thời cùng khó đó đã là một nghệ “hạ bạc”, chẳng mấy được trọng vọng. Cho đến nay dường như câu nói ấy vẫn chưa lỗi thời, lạc hậu, nhất là sau cái lệnh cấm hơi nặng mùi “cảnh sát” này. Và với tính chất “bạc bẽo” đó, thì làm sao nghề giáo có thể thu hút được những tinh hoa của xã hội và từ đó sản xuất ra những tinh hoa khác cho xã hội gấp nhiều lần hơn?
Ở trên thế giới, không có đất nước nào phát triển mà không chú trọng đến giáo dục. Mọi sự thần kỳ của sự phát triển kinh tế đều phải có bước đi đầu tiên là phát triển giáo dục. Những hành động khinh suất hay thiếu cân nhắc về ngành giáo dục đều có thể ảnh hưởng lâu dài đến lãnh vực hoạt động tế nhị này, và theo đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai, tiền đồ của đất nước.
Vâng, lẽ nào chúng ta lại thấy hài lòng hơn nếu các thầy cô lại ra hàng thịt hay đi chạy xe ôm hơn là đứng trên bục giảng, cho dù đó là bục giảng… dạy thêm?