(Dân Việt) Chiều 3.10, ông Tô Ngọc Chuẩn - Viện trưởng VKSND huyện Quốc Oai (Hà Nội) được phát hiện bất tỉnh trong vũng máu tại phòng làm việc của mình. Thêm một vụ đổ máu ở trụ sở cơ quan nhà nước, dù vụ nổ súng tại Tỉnh ủy Yên Bái vẫn chưa lắng dư âm, thì vụ việc ở Quốc Oai cũng vẫn là một tin tức chấn động.
Trụ sở các cơ quan nhà nước, những thiết chế mang tính biểu tượng cho thể diện, cũng như quyền lực của Nhà nước, đã không còn tạo nên cảm giác an toàn, an ninh.
Vì sao một Viện trưởng VKSND huyện nằm gục trong vũng máu trong văn phòng của mình? Cho đến nay, thông tin duy nhất đến từ lời khai của nạn nhân là do ông ta tự gây ra thương tích cho mình. Nếu đó là sự thực, thì vì sao vị quan chức này lại chọn văn phòng trong trụ sở làm địa điểm tự sát? Một quan chức hành pháp, người hiểu rõ việc cần có ý thức giữ gìn sự tôn nghiêm của luật pháp, giữ gìn thể diện của cơ quan công quyền, song lại chọn trụ sở cơ quan làm hiện trường của một vụ đổ máu. Có thể, đó là một sự lựa chọn vô thức mà người trong cuộc không nghĩ đến tác động bên ngoài những bộn bề vấn đề của bản thân.
Vụ bê bối trước đó ở Yên Bái, nghi phạm là một cán bộ kiểm lâm, có lẽ anh ta cũng không để tâm địa điểm gây án là chốn nào, ngoại trừ việc đó là một nơi thuận tiện để gây án.
Có thể, đó đều là những lựa chọn vô thức, và chúng ta có thể hiểu là đối với người trong cuộc, khi mạng sống của người ta không còn nhiều ý nghĩa, thì thể diện của cơ quan, tổ chức hẳn chẳng đáng bận tâm. Song, cũng có thể đặt câu hỏi ngược lại. Nếu như những cán bộ nhà nước đó vốn đã có nhận thức về vị trí, vai trò của mình trong hệ thống quyền lực nhà nước mà họ là đại diện, biết đâu, họ sẽ không vô thức chọn trụ sở cơ quan làm nơi gây án, biết đâu, những vụ án đó đã không xảy ra?
Không chỉ là những vụ nổ súng, những vụ vung dao, những bê bối hành vi, như đánh nhau, chửi nhau trong môi trường cơ quan nhà nước trước kia luôn là chuyện hiếm hoi, thậm chí là hy hữu. “Cán bộ nhà nước, ai lại thế?” là câu nói cửa miệng, quen thuộc, nhưng không hề sáo rỗng. Thậm chí, khi bức xúc, không thể kìm chế thì một câu nói quen thuộc khác của nhiều cán bộ nhà nước khi xưa cũng là: “Bỏ bộ đồng phục này ra, ai cũng như ai…”. Có nghĩa tấm áo công vụ, vốn đã có một vai trò quan trọng để điều chỉnh hành vi của những người nhà nước. Nhưng, đó là trước kia. Còn bây giờ, những câu chuyện phản cảm về hành vi của cán bộ, công chức nhà nước đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Đầu tháng trước, hai cán bộ Tỉnh ủy Bình Thuận đánh nhau vỡ đầu bên bàn nhậu. Cuối tháng, hai chiến sĩ công an đánh một đồng nghiệp của mình ở giữa đường. Tháng trước nữa, phó giám đốc Sở VHTTDL Cà Mau sàm sỡ nữ tạp vụ ngay giữa cơ quan. Gần đây nhất là cán bộ cảnh sát "nhấc chân, gạt tay phản cảm" trên cầu Nhật Tân, còn nhân viên Chi cục Thuế Hà Tĩnh thì đứng đường cản trở một hộ dân kinh doanh theo cách của giang hồ đòi nợ thuê…
Rất nhiều ví dụ trong thời gian gần đây cho thấy tấm áo công vụ không còn khả năng điều chỉnh hành vi. Họ đều để những bê bối cá nhân dẫn dắt hành vi của mình một cách dễ dàng, bất chấp thể diện của cơ quan mà họ đang đại diện.
Cán bộ nhà nước vi phạm pháp luật có thể là chuyện bình thường vẫn có thể xảy ra, bởi bên cạnh việc là cán bộ, viên chức, họ cũng là con người với đầy đủ hỷ - nộ - ái - ố như người thường, họ có thể yêu ghét, có thể cũng có những vấn đề bức xúc như mọi công dân khác. Song, rõ ràng, họ không phải là những công dân bình thường, những người chỉ đại diện cho bản thân. Họ còn là người đại diện của quyền lực nhà nước, có trách nhiệm gìn giữ hình ảnh nhà nước mà họ là đại diện.
Khi những trách nhiệm đó không còn, khi những tấm áo công vụ không còn khả năng khiến người ta còn phải suy nghĩ về hành động của mình, thì đó là một sự báo động về chất lượng, và văn hóa của cán bộ nhà nước ở cơ quan công quyền.