Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

Đã nghe đã thấy: Ngập cống hay ngập lòng?

PHƯƠNG NGHI

(PL) - Giải thích cho việc thiếu hiệu quả của công tác chống ngập tại TP.HCM, người ta lại đưa ra các nguyên nhân như do quá trình đô thị hóa, bê tông hóa thiếu kiểm soát, do biến đổi khí hậu, do thiếu vốn…

Nguyên nhân là gì, mùa mưa nào, trận mưa nào người dân cũng được nghe giải thích. Giải thích riết người dân thuộc lòng luôn giọng phát biểu của nhà quản lý, của chuyên gia. Một nhà báo còn nói đùa: Thôi, về nguyên nhân ngập đừng có hỏi chuyên gia nữa, ra đường hỏi ông xe ôm, ông ấy nói vanh vách cho mà nghe.

Quả thật, nghe giải thích, phân bua nhiều đến mức lòng người cũng cảm thấy bị ngập trong thất vọng. Người ta sợ hãi đến mức cứ chiều chiều ra đường không dám đi giày, không dám mặc quần tây nữa.

Lòng người đã bị ngập trong khi chứng kiến môi trường sống qua quá trình đô thị hóa ngày càng bị hủy hoại. “Các vùng sình lầy ở quận 7, Nhà Bè vốn là những lá phổi, nơi thoát nước cho toàn TP nhưng đã bị san lấp hết để xây dựng công trình nhà cửa. TP ngập nặng là do chúng ta đã làm chết những lá phổi này” - TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn KHCN và Quản lý TP.HCM.

Lòng người đã bị ngập từ dạo nghe công bố mức lương khủng của các lãnh đạo ngành cấp thoát nước. Lương cao ngất trời nhưng họ cứ than thiếu tiền, rằng để xây mới cũng như cải tạo hệ thống thoát nước và nạo vét cống cần số tiền lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng nhưng thực tế TP mới đầu tư được 25.000 tỉ đồng, tiến độ công việc rất chậm.

Khi phải chới với giữa biển nước mưa lẫn nước cống và sau đó còn phải đối phó với các mầm bệnh do biển nước bẩn này mang lại, lòng dân ca thán, nghĩ đến bao khoản thuế mà chiếc xe họ đang gánh. Có khi nào mai đây chiếc xe máy cọc cạch của người lao động lại phải gánh thêm khoản phí chống ngập không nhỉ!

Chỉ là chuyện cái cống, con kênh, chỉ là chuyện nắng mưa của trời nhưng sao nó can hệ đến lòng người nặng nề đến thế!