Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

Đừng truy bức, “tìm diệt” nhân dân!

Kiên Giang

(NB&CL) “Scandal café Xin Chào” đã chưa thể khép lại, dù Đại tá Trưởng công an huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Quý đã bị cách chức. Nếu hệ thống lại toàn bộ vụ việc, cộng diễn tiến mới nhất (buộc cắt điện, nước…), ta như ngỡ ngàng nhận ra, dường như chính quyền nơi đây không cam tâm “thua” dân – điều mà lẽ ra họ nên tự hào, hay chí ít cũng nên lấy đó làm vui, làm cái cớ để nỗ lực mà kiện toàn… Chuyện gì đã, đang và sắp xảy ra vậy, Bình Chánh?

“Scandal Café Xin Chào” chính thức nổ ra từ 19/4/2016, khi báo chí đồng loạt vạch rõ những thiếu sót nghiêm trọng trong việc một chủ quán Café Xin Chào (đối diện trụ sở Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM) chậm đăng ký kinh doanh 05 ngày bị công an huyện tống đạt quyết định khởi tố. Hơn nữa, VKSND huyện Bình Chánh cũng đã phê chuẩn quyết định khởi tố còn TAND huyện chờ sẵn ngày ông chủ quán đứng trước vành móng ngựa.

Chỉ 02 ngày vụ việc gây “bão” trên báo chí, mạng xã hội, ngày 21/4/2016, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo TP.HCM xem xét dừng khởi tố vụ án.

Về quan điểm của Thủ tướng, Chính phủ trong vụ việc này, ngày 22/4/2016, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà đã nói: Nếu vụ này mà ông chủ quán “Xin Chào” thua thì sẽ đưa ra thông điệp rất xấu, đó là mọi doanh nghiệp, mọi người kinh doanh đều có thể đi tù!

“Thông điệp rất xấu” may mắn đã không đi được tới đích, chủ quán cà phê – là nhân dân đã “thắng” trong nghẹn ngào. Thế nhưng, nếu nhận thua, lẽ ra chính quyền nơi đây nên nhìn nhận đó là “một trận thua ngọt ngào”, bởi nhờ đó mà lòng dân bớt bất an, cái sai, cái xấu trong hệ thống của họ được bên ngoài vạch trần, loại trừ, thì cách hành xử sau đó của cá nhân trong số họ lại như vừa… “nuốt cục tức”(?)

Tưởng rằng scandal đã đi tới cái kết có hậu, thì mới đây, phía chính quyền lại ra một quyết định xử lý vi phạm đối với “Café Xin Chào”, thể hiện sự cẩu thả, thiếu, yếu kiến thức chuyên môn trong quản lý nhà nước về xây dựng… Dư luận lại được dịp hồ nghi: Liệu đây có phải là “cú vớt vát cuối cùng” rất thiếu tinh thần “thượng võ” nhằm “chơi tới” sau một trận tự thua? Đây có phải là “liều thuốc thử” đối với sự giám sát, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan Trung ương, sự đeo bám của báo chí và dư luận trong vụ việc này?

Cụ thể, ngày 16/8/2016 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Vũ – Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc đã ký quyết định đình chỉ thi công công trình tại quán “Café Xin Chào”. Quyết định nêu rõ ông Tấn có hành vi vi phạm: Tổ chức thi công công trình container trên đất không được phép xây dựng, mục đích sử dụng vườn. Đáng chú ý, thị trấn Tân Túc yêu cầu: Các đơn vị cấp điện, cấp nước phải dừng ngay việc cấp điện, cấp nước đối với công trình vi phạm trong vòng 24 giờ; Trong thời hạn 3 ngày, ông Tấn phải tự tháo dỡ nếu không sẽ bị cưỡng chế…

Cũng chỉ được 02 ngày, tới 18/8, Bí thư huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng đã lên tiếng trên báo chí cho rằng chỉ đạo cắt điện, nước của Chủ tịch Thị trấn Tân Túc là “vượt thẩm quyền”, là “chuyện nhỏ nhặt”. Thực tế, ở Café Xin Chào hiện chỉ đặt 01 container nhỏ trên đất để làm chỗ rửa chén bát, chỗ đứng cho nhân viên, việc hướng dẫn chủ quán làm cho đúng quy định là không khó!

Về cơ sở pháp lý của quyết định này, luật sư Nguyễn Tấn Thi – Văn phòng Luật sư Hoa Sen (TP.HCM) cho rằng, cắt điện, cắt nước không phải là các biện pháp ngăn chặn việc vi phạm hoặc bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật Xây dựng 2014 cũng bãi bỏ quy định áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, cung cấp nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Hợp đồng cung cấp điện, nước giữa Công ty điện lực, công ty cấp nước với người dân là quan hệ kinh tế, dân sự không theo mệnh lệnh hành chính!

Và thật may, dù chưa cần có sự chỉ đạo của Thủ tướng, chính quyền nơi đây vừa thông tin sẽ điều chỉnh quyết định xử phạt, cụ thể là không cắt điện, nước. Sự “lùi bước” này tiếp tục để lại trong dư luận nhiều dấu hỏi: Tại sao cứ là Café Xin Chào với ông chủ quán đen nhẻm, khắc khổ đã chịu bao tủi khổ suốt năm qua? Liệu cá nhân chủ tịch Thị trấn Tân Túc Nguyễn Thanh Vũ có “dám” vội vàng “đụng” vào một địa chỉ đã làm “rụng” 02 nguyên lãnh đạo cấp huyện hay có chỉ đạo phía sau? Những yếu kém về nghiệp vụ, chỉ đạo sai thẩm quyền của ông Nguyễn Thanh Vũ có được mang ra truy xét, có cần thiết phải “ra khỏi bộ máy chính quyền ngay” như câu nói nổi tiếng của Bí thư Đinh La Thăng trong cuộc họp ở Hóc Môn hồi giữa năm?

Lẽ ra sự tận tâm hỗ trợ, khích lệ và dẫn dắt người dân sống, làm ăn trong khuôn khổ pháp luật từ phía chính quyền mới là những việc họ cần làm ngay và luôn. Nhưng, đáng buồn thay họ lại dành sự mau mắn, quyết liệt trong việc ra các văn bản vô cảm, để rồi tự “cột” cổ mình vào đó. Tất cả như cộng hưởng, để lại trong dư luận một nỗi xót xa: Như thể cả hệ thống chính quyền ở Bình Chánh đang “truy cùng diệt tận” dân của họ!?

Bình Chánh đã sai, rồi sai nối tiếp sai. Đừng như Bình Chánh!