Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

Đừng bắt người dân phải chọn cá hay thép!

Khánh An

(NB&CL) Dự án thép Cà Ná với công suất tối đa lên đến 16 triệu tấn/năm do tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư là một siêu dự án thép do doanh nghiệp trong nước thực hiện. Tuy nhiên, bài học về dự án thép Formosa- dự án cũng được ưu đãi khủng và đã gây nên sự cố môi trường nghiêm trọng vẫn còn đó. Vì sao lại là thép trong khi Bí thư tỉnh Ninh Thuận cho biết tỉnh này sẽ phát triển dựa trên 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột là năng lượng sạch, du lịch, nông lâm thủy sản, sản xuất chế biến, giáo dục đào tạo và kinh doanh bất động sản? Chính quyền tỉnh Ninh Thuận sẽ làm gì để đảm bảo sẽ không có một “Formosa thứ hai?

Không nên phát triển thêm bất kỳ dự án thép nào

Liên quan đến thông tin tổ hợp dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) đã được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt, nhiều ý kiến từ các chuyên gia bày tỏ lo ngại liên quan đến hiệu quả của dự án cũng như tác động môi trường mà dự án có thể gây ra.

Trao đổi với BizLIVE, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, ông ủng hộ doanh nghiệp trong nước đầu tư các dự án lớn nhưng nên có hướng để đảm bảo vừa có lợi cho doanh nghiệp vừa có lợi cho quốc gia.

“Không đi vào vết xe đổ của các quốc gia khác, Trung Quốc đang dư thừa khối lượng thép khổng lồ và 3 năm vừa qua Trung Quốc đã bắt đầu bỏ các nhà máy gang thép công suất dưới 2 triệu tấn vì những nhà máy như vậy không có lợi cho kinh tế, môi trường”, ông Mại thông tin.

Vị Chủ tịch VAFIE đặc biệt nhấn mạnh cần trả lời được câu hỏi, nên làm thép đến đâu vì Việt Nam là nước đi sau và sản xuất thép không có cách nào khác là sử dụng công nghệ lò cao. Trong khi, Formosa cũng phải mua công nghệ của Trung Quốc để làm dự án và chắc Hoa Sen nếu làm cũng phải mua công nghệ Trung Quốc.

“Có nên tiếp tục làm một hay một số dự án về thép hay không? Theo tôi không phải vì thời gian vừa qua Formosa Hà Tĩnh gây ảnh hưởng môi trường mà làm thép theo công nghệ lò cao, tiêu hao nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường. Khi sản xuất sẽ thải ra môi trường chất lỏng, chất thải rắn, khói bụi”, ông Mại nói.

“Một số ngành công nghiệp gang thép cần rất thận trọng và nếu được không nên phát triển thêm bất kỳ dự án thép nào nữa vì chúng ta có thể là nước đi sau, rõ ràng có thể tránh được những vết xe đổ của các nước đi trước. Hiện gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua, vậy tại sao không đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano sau đó bán ra thị trường thế giới và mua thép?”, Chủ tịch VAFIE đặt vấn đề.

Ông Mại cũng cho biết, cần tập trung sức vào làm công nghiệp tương đối hiện đại đi cùng thế giới, bỏ qua những ngành công nghiệp cổ điển. Chẳng hạn, đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất hợp kim cao cấp, nhập khẩu công nghệ ở những nước tiên tiến, nước G7, giá trị bằng 5-7 lần so với sản xuất thép.

“Tất nhiên không phải bỏ toàn bộ, những ngành công nghiệp cơ bản chúng ta vẫn phải làm nhưng làm ở mức nào đó, đây là câu chuyện lớn nhất còn nếu làm thép như dự án này rõ ràng phải nhập toàn bộ quặng sắt, than cốc, toàn bộ vật liệu khác… có nghĩa là nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thép”, ông Mại lưu ý thêm.

Dẫn số liệu cho biết, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 tỷ USD thép cao cấp trong khi dự án của Formosa đi vào hướng thép cuốn và thép cao cấp nên ông Mại cho biết, cần tính toán nếu Formosa đã đáp ứng một phần thì dại gì có một dự án khác nhập nguyên liệu rồi xuất khẩu sản phẩm như dự án Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.

Đừng để người dân lại phải “chọn cá hay chọn thép”!

Bài học về sự cố môi trường ở miền Trung do Formosa gây ra vẫn còn đó và chúng ta không thể một lần nữa đặt người dân, nền kinh tế vào thế “chọn cá hay chọn thép” được!

Sự cố môi trường ở biển miền Trung đã và đang gây những tác động nặng nề đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân tại 4 tỉnh là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Hệ sinh thái biển bị tổn hại nghiêm trọng, nguồn lợi từ biển không còn khiến cuộc sống mưu sinh của họ đang gặp vô vàn khó khăn.

Hoạt động sản xuất thép… đang trở thành nỗi ám ảnh, là “ác mộng” mà không một người dân miền Trung nào và có lẽ cũng chẳng một người dân nào muốn một lần nữa phải chứng kiến, phải đối mặt hay “đánh bạc” nữa!

Gây hậu quả nghiêm trọng như vậy nhưng lạ một chỗ, trong một thông tin mới đây là Tổng cục Thuế, từ năm 2009 đến nay, Formosa đã được hoàn thuế lên tới 14.167 tỉ đồng. Con số này có được là do những chính sách ưu đãi đầu tư mà chủ đầu tư được hưởng khi triển khai dự án và nó vượt xa mức bồi thường 500 triệu USD, tương đương hơn 11.000 tỉ đồng mà Formosa cam kết bồi thường cho sự cố môi trường ở miền Trung.

Dư luận vì thế đang đặt câu hỏi vì sao những quan chức của ta lại có thể đặt bút ký chấp thuận cho một dự án kiểu như thế được triển khai. Rồi khi đi vào hoạt động, nó sẽ đóng góp gì cho nền kinh tế hay chỉ là những “con vật ký sinh” sống nhờ trên những ưu đãi mà địa phương đưa ra và là những “quả bom môi trường” đe dọa cuộc sống, sức khỏe người dân vùng dự án?…

Trong khi các vấn đề nhức nhối trên ở Formosa còn chưa có lời giải và hậu quả của nó lại rất rõ ràng thì không hiểu sao mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đưa những ưu đãi “khủng”, không hề kém cạnh so với ưu đãi mà Hà Tĩnh dành cho Formosa để Tập đoàn Hoa Sen triển khai Dự án Khu liên hiệp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná.

Theo đó, để dự án được triển khai, UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết sẽ cấp khoảng 1.400 ha đất “sạch” đã được giải phóng mặt bằng và tái định cư cho chủ đầu tư. Thời gian thực hiện Dự án được xác định là 69 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng kỳ đầu tư… Đồng thời, Ninh Thuận cũng đưa những cam kết về việc xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông, hệ thống điện, cấp nước… để phục vụ dự án.

Không dừng lại ở đó, theo những thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết cùng với chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt 69 năm triển khai dự án; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế phải nộp, (5%) cho 9 năm tiếp theo. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, sau khi quyết toán thuế với cơ quan thuế, nếu doanh nghiệp bị lỗ được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm.

Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ cùng với chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm 50% thuế thu nhập cá nhân bao gồm cả thu nhập thường xuyên và không thường xuyên (kể cả người Việt Nam và nước ngoài) làm việc ở dự án; được miễn thuế đối với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh kiện sản xuất…; được miễn thuế đất, thuế mặt nước và ưu đãi mức cao nhất đối với thuế tài nguyên nước…

Vì sao Ninh Thuận có thể chấp thuận những ưu đãi khủng như vậy cho Tập đoàn Hoa Sen. Những bài học xung quanh dự án Formosa chẳng nhẽ không đủ cảnh tỉnh, răn đe với giới chức lãnh đạo của địa phương này hay sao?

Đúng là chúng ta đã khuyến khích, đang đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào các địa phương nhưng không có nghĩa là chúng ta kêu gọi, xúc tiến đầu tư bằng mọi giá. Đồng ý là Tập đoàn Hoa Sen có thể triển khai dự án và chúng ta cũng tạm tin lời cam kết của chủ đầu tư là nếu để xảy ra sự cố môi trường sẽ đóng cửa nhà máy, bàn giao tài sản cho nhà nước nhưng liệu rằng lợi ích mà nó mang lại có đáng để đưa những ưu đãi khủng, mang cuộc sống của người dân và môi trường vùng dự án ra “đánh bạc” như thế hay không?

Nói vậy để thấy rằng, việc cấp phép đầu tư cho Dự án Khu liên hiệp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná cần phải được nhìn nhận, xem xét lại một cách khách quan, không thể chạy theo trào lưu, thành tích thu hút đầu tư. Một Formosa là quá đủ và chúng ta không thể một lần nữa mang cuộc sống của người dân cũng như các vấn đề môi trường ra đánh bạc với dự án thép Hoa Sen Cà Ná!