Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Phận người trong manh chiếu và câu chuyện thờ ơ, vô cảm!

XUÂN DƯƠNG

(GDVN) - Sự vô cảm của lãnh đạo bệnh viện này đã khiến bệnh viện trở thành nơi bòn rút những đồng tiền cuối cùng của người nghèo.

Câu chuyện hai người bệnh tử vong tại Sơn La phải bó bằng chăn, chiếu chở bằng xe máy về quê an táng khiến nhiều người không cầm được nước mắt lẽ ra đã có thể kết thúc nếu không có những ý kiến trái ngược hoàn toàn của lãnh đạo ngành Y tế tỉnh này.

Thông tin trên Vietnamnet.vn cho biết ông Lầu Sáy Chứ, Giám đốc Sở Y tế Sơn La khẳng định: “Nếu tử vong trong bệnh viện thì không có lý do gì viện không bố trí xe đưa bệnh nhân về nhà”.

Ông Lầu Sáy Chứ còn nói thêm: “Chúng tôi rất tiếc về trường hợp này và cảm thấy xót xa khi nhìn hình ảnh chở thi thể không ai mong muốn này”! [1]

Về trường hợp bệnh nhân tử vong tại bệnh viện, Ông Lương Văn Tuận - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La – phát biểu:

“Bệnh viện đã giải quyết tất cả mọi chế độ hộ nghèo, các y bác sỹ cũng đã quyên góp được 1 triệu đồng, vận động gia đình đưa bệnh nhân về bằng ô tô. Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân nói cảm ơn bệnh viện, còn mọi chuyện để họ lo”. [2]

Vấn đề là nếu ông Lương Văn Tuận khẳng định với gia đình, rằng Bệnh viện có ô tô đưa thi hài về nhà miễn phí thì gia đình bệnh nhân có từ chối?

Từ ý kiến của ông Lương Văn Tuận, có thể thấy các y bác sỹ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La đã có một nghĩa cử đáng trân trọng khi quyên góp tiển giúp gia đình người xấu số.

Tuy nhiên có phải vì 1 triệu đồng quyên góp không đủ để thuê ô tô nên gia đình mới buộc phải dùng xe máy?

Tuy đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Vấn đề là những người hưởng lương từ tiền thuế của dân đang  làm gì, nghĩ gì trước thực trạng buồn của các gia đình nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người ở những nơi khó khăn như Sơn La, Hà Giang…

Ngay tại Hà Nội, câu chuyện bảo vệ một bệnh viện ngăn cản xe cứu thương đưa người hấp hối về quê đã từng làm cả xã hội bức xúc thì ai dám khẳng định việc thuê ô tô tại các bệnh viện tuyến tỉnh không bị “cò bệnh viện” không chế, không có lợi ích của ai đó trong những chuyến xe “nghĩa tận” này?

Từng đặt chân đến hầu hết các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc, người viết phải thừa nhận một thực tế là có nhiều bản vùng cao, ngay cả xe máy cũng không thể đi vào ngoài cách cưỡi ngựa hoặc đi bộ.

Tuy nhiên đường ô tô có thể chạy đến trung tâm các xã thì không thể nói là không có.

Đã đến lúc ngành Y tế - Lao động Thương Binh Xã hội cần đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, đưa vào chương trình xóa đói, giảm nghèo chính sách hỗ trợ các gia đình thuộc diện nghèo, diện khó khăn vùng sâu, vùng xa khi gia đình có nguyện vọng đưa người thân từ bệnh viện về nhà lo hậu sự.

Giá cước taxi một km khoảng 10.000 đ, một chuyến xe đi chặng đường khoảng 200km chi phí chắc không vượt quá 3 triệu đồng, vì sao không thể giải quyết?

Trong khi Nhà nước chưa có chính sách cụ thể thì những người lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo ngành Y tế địa phương hãy đừng phát ngôn một cách vô trách nhiệm trước dư luận, rằng “nếu tử vong trong bệnh viện thì không có lý do gì viện không bố trí xe đưa bệnh nhân về nhà”.

Phải nói như thế vì hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy trường hợp gia đình bó chăn người chết chở trên xe máy xảy ra ngay trong khuôn viên bệnh viện do Sở Y tế Sơn La dưới quyền ông Giám đốc Lầu Sáy Chứ quản lý.

“Lương Y như từ mẫu” là câu nói dành riêng cho ngành Y tế, trong khi không ít bác sĩ tận tâm cứu chữa người bệnh, có bác sĩ ra chợ đi xin tiền để cứu giúp bệnh nhân… thì cũng tồn tại không ít lãnh đạo bệnh viện và cấp cao hơn bán rẻ đạo đức, đổ lỗi cho người khác hoặc phát ngôn một cách vô trách nhiệm như hai vị lãnh đạo bệnh viện Nhi Trung ương trong vụ bảo vệ bệnh viện này chặn xe cấp cứu đưa bệnh nhân về quê lo hậu sự.

Làm lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo sở Y tế (có cả thẻ cấp cao hơn) mà dối trá thì làm sao cứu người, làm sao có thể “như từ mẫu”?

Sự vô cảm một khi đã hiện diện trong các cơ sở y tế thì cũng có nghĩa là số phận người bệnh trở nên mong manh như chỉ mành treo chuông.

Một khi sự vô cảm trở thành phổ biến trong xã hội lại cộng hưởng với tình trạng tham nhũng trong ngành Y thì không chỉ  số phận người bệnh mà là số phận của tất cả mọi người đều bị đe dọa.

Tại cuộc đối thoại phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế của Chính phủ với các nhà tài trợ quốc tế tổ chức ở Hà Nội năm 2009, ông Rolf Bergman (Đại sứ Thụy Điển) nhìn nhận:

“Tham nhũng trong y tế là vấn đề đặc biệt trầm trọng; đã đánh gục người bệnh khi ở những thời điểm dễ tổn thương nhất.

Giữa cái sống và cái chết, giữa vấn đề sức khỏe và ốm đau, người ta không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả tiền".

Ngày 14/4/2016 Bộ Y tế ban hành văn bản số 360/KH-BYT về “Kế hoạch công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 của Bộ Y tế”.

Yêu cầu duy nhất đặt ra trong kế hoạch là: “cần phải ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tận gốc tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đội ngũ Đảng viên, cán bộ, công chức luôn giữ đúng kỷ cương, liêm chính”.

Thiết nghĩ với ngành Y, “ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tận gốc tệ nạn tham nhũng, lãng phí” là chưa đủ, chưa phải là trọng tâm.

Bộ Y tế cần phải coi sự vô cảm của đội ngũ cán bộ, nhân viên, đặc biệt là lãnh đạo các cơ sở y tế cũng là tham nhũng, lãng phí, là hiện tượng nguy hiểm đối với xã hội cần phải loại bỏ bởi không ít người đang lãng phí tiền thuế của dân cho chiếc ghế lãnh đạo mà họ có được.

Chính sự vô cảm của một số lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La, Sở Y tế Sơn La… đã khiến dư luận bất bình, khiến uy tín ngành Y giảm sút nghiêm trọng.

Thuê phòng nghỉ tại các nhà nghỉ một ngày đêm đầy đủ tiện nghi chỉ khoảng trên dưới 500.000 đ, bệnh nhân thuê một giường nằm trong bệnh viện giá 1.200.000 đ với căn phòng mốc meo không có công trình phụ.

Sự  vô cảm của lãnh đạo bệnh viện này đã khiến bệnh viện trở thành nơi bòn rút những đồng tiền cuối cùng của người nghèo.

Trước nỗi đau, tai họa hay sự bất công mà người khác phải chịu đựng, là lãnh đạo bệnh viện hay cơ sở y tế, là người có trách nhiệm trong ngành Y nhưng lại tìm mọi cách đổ lỗi cho khách quan, trốn tránh nghĩa vụ của mình, đó không thể gọi là gì khác ngoài sự suy đồi về lối sống, suy thoái về đạo đức.

Báo Hanoimoi.com.vn trong bài “Vô cảm - Cái chết từ trong tâm hồn” viết:

“Dư luận gần đây nóng lên sự vô cảm, tắc trách của nhân viên y tế dẫn đến những cái chết oan uổng của người dân. Muốn chữa bệnh thì phải trả tiền trước, có chút lót tay thì tiêm đỡ đau hơn, thay băng nhẹ nhàng hơn...”.

“Vô cảm” không phải là căn bệnh trong Y học, nó là bệnh xã hội, hy vọng với chức năng trị bệnh cứu người, ngành Y tế sớm có phác đồ điều trị bệnh “vô cảm” ngay trong nội bộ ngành mình để từ đó nhân rộng ra cho các ngành khác.

Không thể chống được tham nhũng, lãng phí nếu ngành Y không chữa được bệnh vô cảm trong đội ngũ cán bộ nhân viên của mình.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/326738/giam-doc-so-y-te-len-tieng-vu-xe-may-cho-thi-the.html

[2] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/them-truong-hop-thi-the-quan-chan-cho-bang-xe-may-o-son-la-1051166.tpo