MTG - Từ thực tiễn vài chục năm qua mà tôi biết, việc cán bộ của ta ra nước ngoài nhiều khi rất phức tạp do sự kiểm soát chặt chẽ, mất công sức của biết bao cơ quan, vậy mà vẫn hỏng việc, mất uy tín với bè bạn quốc tế.
Lâu nay, theo quy định hiện hành của cơ quan tổ chức cán bộ ở bất kể bộ, ban, ngành, địa phương nào ở nước ta, chuyện tự ý đi nước ngoài của cán bộ công chức, viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang nếu không được sự đồng ý của thủ trưởng cấp trên luôn bị xem là hành vi vi phạm quy chế của tổ chức Đảng và chính quyền. Ấy vậy mà chuyện ông Trịnh Xuân Thanh "xin nghỉ phép đi nước ngoài chữa bệnh" lại đúng vào lúc khá nhạy cảm với cả ông Thanh cũng như cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Hậu Giang hóa ra lại bị buông lỏng đến khó hiểu và được trả lời bằng một cú điện thoại mà coi như đã xong. Nếu không được nghe lời nói từ chính ông Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh trả lời báo chí thì ai mà biết cơ sự như thế.
Trên báo Vietnamnet (ngày 13.9), Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đã cho hay: “Nếu đến chiều nay (13.9), anh Thanh không có mặt theo công văn triệu tập, Hậu Giang sẽ làm văn bản báo cáo về Trung ương. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa biết anh Thanh đang làm gì, ở đâu. Chúng tôi đã nhận được quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc khai trừ anh Thanh ra khỏi Đảng. Quyết định này sẽ được thực hiện vào ngày 16.9”, Bí thư Hậu Giang cho biết.
Ông Trần Công Chánh cũng cho biết thêm vẫn chưa thể xác định được chính xác thông tin ông Trịnh Xuân Thanh đã đi nước ngoài. “Ngày 18.7, Trịnh Xuân Thanh có gửi đơn đến Tỉnh ủy xin nghỉ phép với lý do bị bệnh nặng. Thời gian xin nghỉ là từ 25-29.7. Sau đó, ngày 19.8, Thanh gửi đơn lần 2 xin nghỉ phép và điều trị bệnh trong 1 tháng, kể từ ngày 3.8 đến 2.9 tại nước ngoài. Tuy rằng Tỉnh ủy Hậu Giang đã không đồng ý với đề nghị thứ hai của ông Thanh vì đi nước ngoài thời điểm đó chưa phù hợp” - ông Chánh nói vậy, nhưng không có báo cáo khẩn Trung ương chuyện này.
Theo tôi biết, với cấp tỉnh ủy viên (và tương đương) như ông Trịnh Xuân Thanh, nếu họ muốn đi nước ngoài điều trị bệnh theo tính chất riêng tư, không nằm trong chế độ bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh thì ông Thanh chỉ được phép rời khỏi Việt Nam khi nào Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang ký văn bản đồng ý cho đi việc riêng. Nếu đi theo lối công tác hay trị bệnh bằng chế độ nhà nước hỗ trợ một phần thì lại càng phải có quyết định đàng hoàng chứ đâu dễ gì đi tùy tiện đến như vậy!
Nếu như việc ông Trịnh Xuân Thanh không trình diện đúng ngày hết hạn xin phép nghỉ chữa bệnh (2.9) như cam kết bằng lá đơn kia thì như vậy đã là tự ý vượt thẩm quyền và quá hạn đến 2 tuần. Mà tỉnh chưa có văn bản nào đồng ý "cho đi nước ngoài chữa bệnh" thì lại càng là vi phạm lớn hơn trước tổ chức Đảng cũng như cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Hậu Giang. Khả năng ông Trịnh Xuân Thanh hiện đã ở nước ngoài có thể đúng đến 99% bởi ngay như cha mẹ ông Thanh cũng cho biết cả tháng nay ông Thanh không về nhà và cũng không liên lạc gì với gia đình. Rồi vợ con ông Thanh cũng vậy, tỉnh cũng không liên lạc được. Liệu có thể xem cách ra nước ngoài có xin phép bằng đơn đàng hoàng (có thể kịch bản đơn lần thứ 2 gửi sau khi đã đi rồi) của ông Thanh là một cách đào tẩu công khai, hợp lệ vì ông Thanh đâu bị các cơ quan pháp luật giám sát chặt chẽ. Và cả biện pháp ngăn chặn xuất cảnh cũng chưa được ban hành.
Qua đây cũng cho thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã có vẻ quá xem nhẹ một việc khá là nhạy cảm. Họ dễ dàng cho qua một việc hệ trọng mà lẽ ra khi đã biết thì phải báo cáo ngay với Trung ương những tình tiết trong lá đơn "xin nghỉ đi chữa bệnh nước ngoài" của ông Thanh và việc Tỉnh ủy đã không đồng ý ra sao. Từ thông tin nói trên, cấp trên có thể sẽ tính cách để cùng phối hợp bàn bạc và cho hướng xử lý mà không để bị động đến mức như sau đó. Thật là điều quá khó hiểu nếu không nói là đáng trách, đang làm khó cho Trung ương, trong khi cả nước đều đã biết và nhiều người kỳ vọng vào sự chỉ đạo rốt ráo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, có đến 9 ban, ngành, bộ vào cuộc, tức là "cả hệ thống chính trị của chúng ta đã vào cuộc một cách tích cực, khẩn trương" (như nhiều cơ quan báo chí gần đây hay nhắc). Nhưng, tiếc thay!
Trong nhiều chục năm trước và cho đến cả bây giờ (nếu tôi không nhầm thì đến nay vẫn chưa thay đổi), đó là với mọi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và công an, nếu không do đơn vị cử đi công tác nước ngoài thì dù muốn xin nghỉ phép đi du lịch, đi chữa bệnh hay thăm thân... ở nước ngoài cũng không dễ dàng chút nào. Đơn vị chủ quản sẽ phải xem xét từng lý do và con người cụ thể thì mới quyết.Thậm chí có người, do tính chất công việc đặc thù của họ nên tuyệt đối không được xuất cảnh và luôn xem đó gần như là một thứ "luật" riêng, rất bình thường đối với các lực lượng vũ trang. Đây là nguyên tắc nhằm bảo vệ an ninh, quốc phòng của mọi quốc gia. Chính vì thế, rất nhiều cán bộ cấp cao trong lực lượng vũ trang khá thiệt thòi, phải đến khi nghỉ hưu họ mới được phép xuất cảnh đi tham quan, du lịch nước ngoài, bởi công việc của họ lúc đương chức không liên quan, không có việc nào xem như cái "cớ" để ra nước ngoài làm việc.
Với các cấp lãnh đạo của tỉnh thành, bộ ngành thì nếu họ muốn đi nước ngoài (dù là nghỉ phép) cũng phải xin phép và có ý kiến đồng ý của Ban Bí thư Trung ương (với các ban, đoàn thể và cấp ủy cao nhất của địa phương) hoặc Chính phủ (với bộ ngành...) thì mới được coi là đúng quy trình.
Từ thực tiễn vài chục năm qua mà tôi biết, việc cán bộ của ta ra nước ngoài nhiều khi rất phức tạp do sự kiểm soát chặt chẽ, mất công sức của biết bao cơ quan, vậy mà vẫn hỏng việc, mất uy tín với bè bạn quốc tế.
Là người làm báo, hàng chục năm trước tôi cũng đã từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp của báo tôi bị lỡ họp, lỡ chuyến đi ra nước ngoài cũng chỉ bởi các rào cản này. Để cơ quan chủ quản của báo (một đoàn thể chính trị) ra được quyết định đi nước ngoài để tác nghiệp hoặc đi học..., chúng tôi còn phải chờ ý kiến của 2 ban Đảng ra văn bản đồng ý trước mà thiếu một trong 2 đều không được. Nhiều khi lại phải chờ nhau, "nhìn ngó" sang nhau cho ý kiến trước. Đến khi "nhất trí" để ra quyết định đi làm visa (cũng tức là có đến gần chục chữ ký cả thảy cho một chuyến đi) thì hội nghị của nước người ta đã tan từ lâu rồi...
Tuy chặt chẽ là thế nhưng cũng đã từng xảy ra chuyện người đi công tác, học tập ở nước ngoài không trở về. Trong số đó cũng đã từng có người ở cấp tương đương phó ban Đảng (ngang thứ trưởng). Nhưng vì đã có nhiều cơ quan hiệp thương, ra văn bản nên cũng rất khó quy trách nhiệm cho một cơ quan nào. Vì thế, việc quản chặt cán bộ đi nước ngoài, theo tôi, nên bằng một quy chế khác, đó là giao trách nhiệm toàn bộ cho người thủ trưởng trực tiếp của họ.
Tôi rất mừng rằng vài năm nay, với báo chí, cấp trên đã giao quyền quyết định cho cơ quan chủ quản, thậm chí chính cơ quan quản lý nhân sự phải tự chịu trách nhiệm, trừ những cuộc hội nghị, hội thảo có chút nhạy cảm... mà không cứng nhắc như trước nữa. Như vậy mới là phù hợp với đường lối đối ngoại đa phương, đa dạng các quan hệ của Đảng và nhà nước ta hiện nay.
Nay, nhân chuyện của ông Trịnh Xuân Thanh đã xảy ra, tôi nghĩ và xem đây như là một sự đào tẩu rất kín võ, "có xin phép, báo cáo trước" rất "công khai", đâu có giấu diếm gì tổ chức. Vậy thì trách nhiệm quản lý cán bộ với đối tượng như vậy của địa phương cũng rất nên làm cho rõ. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm chính? Không thể nói đơn giản như ông Bí thư Hậu Giang sáng 13.9 mà tôi dẫn ra ở trên. Nếu không, rồi đây trong tương lai, có thể chúng ta còn chứng kiến những cuộc đào tẩu tương tự. Từ đó, sẽ gây mối hoài nghi trong nội bộ Đảng, gây mất lòng tin trong nhân dân, nhất là khi sự việc đang được nhiều đảng viên và quần chúng cả nước quan tâm, chờ đợi xử lý.