VNN - Phải tạo được áp lực xã hội mà những kẻ tham nhũng không chịu nổi - Thường trực Ban Bí thư yêu cầu.
Sáng nay, đoàn công tác của TƯ do Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh làm trưởng đoàn đã làm việc với Thành ủy Hà Nội về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí.
Quy hoạch, luân chuyển cán bộ để hạn chế tham nhũng
Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, trong 10 năm qua, TP đã giải quyết hơn 25 nghìn vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thu hồi 359,33 tỷ đồng và 161.628 m2 đất...
Nhiều vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí đã được quan tâm chỉ đạo kịp thời, xét xử với các bản án nghiêm minh, có tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa.
Tuy nhiên, Thành ủy Hà Nội đánh giá, tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực.
Bà Hằng cho rằng TƯ nên nghiên cứu, xem xét cho thành lập Ban chỉ đạo PCTN ở các tỉnh, TP do Bí thư tỉnh, thành ủy làm trưởng ban để công tác này được lãnh đạo tập trung và chỉ đạo xử lý cụ thể các vụ việc. Hà Nội cũng kiến nghị TƯ xem xét cho thành lập Ban kinh tế trực thuộc Thành ủy.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng cho biết, để hạn chế tham nhũng, Hà Nội thực hiện quy hoạch cán bộ, luân chuyển hợp lý. Với vị trí dễ xảy ra tham nhũng, TP có biện pháp quản lý đồng thời với tăng cường kiểm tra để hạn chế khả năng nhũng nhiễu, tiêu cực.
Kê khai tài sản
Ghi nhận nỗ lực PCTN của Đảng bộ Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư cũng chỉ ra công tác PCTN thời gian qua còn có những hạn chế.
Ông Đinh Thế Huynh đề nghị Hà Nội có các giải pháp kiên quyết khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là tham nhũng, nhũng nhiễu phiền hà gây mất lòng dân.
"Gần đây, câu 'Hà Nội không vội được đâu' đã giảm bớt đi rồi, tôi ít nghe và Hà Nội cũng đang quyết tâm xóa bỏ bằng được định kiến này.
Hà Nội phải đi đầu trong việc cải cách hành chính, trong việc thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân và doanh nghiệp", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Ông đề nghị Hà Nội chú trọng cả phòng và chống với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật, tạo chuyển biến rõ hơn nữa để củng cố niềm tin của nhân dân.
Thường trực Ban Bí thư cũngcho biết: "Trong tất cả thăm dò dư luận xã hội hiện nay, điều mà nhân dân băn khoăn nhất, lo lắng nhất bao giờ cũng là nạn tham nhũng.
Các phiếu thăm dò, đợt thăm dò dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo TƯ, Viện nghiên cứu dư luận xã hội Ban Tuyên giáo TƯ tiến hành ở quy mô lớn cho thấy, nạn tham nhũng bao giờ cũng chiếm mối quan tâm lo lắng hàng đầu".
Vì vậy, ông đề nghị các cấp uỷ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải có quyết tâm chính trị cao, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống. Trong đó, chống tham nhũng, lãng phí phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể, sau khi thực hiện sẽ công khai để nhân dân biết.
Đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động, phải xây dựng được một văn hóa, nếp sống khinh bỉ những kẻ tham nhũng, hành vi tham nhũng.
"Phải tạo được áp lực xã hội mà những kẻ tham nhũng không chịu nổi, chứ tham nhũng mà chưa bị lên án một cách quyết liệt, áp lực xã hội chưa đủ mạnh thì lúc đó chúng ta chưa thể ngăn chặn và đẩy lùi được", Thường trực Ban Bí thư yêu cầu.
Ngoài ra, Hà Nội cũng cần chú trọng công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là những người đứng đầu, ở những vị trí, lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao.