Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Đó là cú đấm, thưa Đại tá Ngọc!

Trần Anh Tú

(Dân Việt) Mỗi cú đấm, cái đá từ nhân viên công lực không được phép, không bao giờ hướng về người dân lương thiện. Bởi đó là sự lạm quyền, sự vi phạm pháp luật.

Xem lại nhiều lần clip và ảnh về vụ “va chạm” giữa phóng viên Quang Thế (báo Tuổi Trẻ TP.HCM) và anh cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh, bằng mắt thường, có thể khẳng định đó là cú đấm của anh cảnh sát, không phải hành động "gạt tay trúng má" theo cách nói của Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội trả lời báo chí chiều qua, 29.9.

Trong cuộc đời làm báo, có lẽ tôi không thể nào quên cảm giác khi phải biên tập thông tin về một đồng nghiệp cùng tòa soạn với tôi bị một nhóm vệ sĩ hành hung khi đi chụp ảnh về các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 995 năm Thăng Long- Hà Nội. Đó là một cảm giác vừa ghê sợ vừa căm uất.

Cảm giác đó có lẽ bắt nguồn từ khi tôi còn là cậu học trò cấp 3. Hôm đó, khi tôi đang đứng trước cổng Công an phường chờ cậu bạn đang bị giữ trong đó về 1 hành vi xô xát thì một cảnh sát hình sự phường hằm hằm bước ra khỏi trụ sở giật khẩu súng nhựa đồ chơi trong tay tôi đập thẳng vào tường. Ông cảnh sát hình sự đã cưng cứng tuổi này còn giang tay tát thẳng cánh vào mặt tôi rồi bỏ vào nhiệm sở.

Cái cảm giác vừa đau đớn vừa phẫn uất, vừa ê chề vừa bất lực đó theo tôi dai dẳng và lại xuất hiện mỗi khi tôi đọc báo về những người thi hành công vụ hành hung người dân.

Vừa mới đây thôi, một phóng viên đã bị “một nhóm người, trong đó có cán bộ của Đội cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh, lao vào hành hung” khi đang tác nghiệp, theo tường thuật trên chính tờ báo nơi phóng viên này phục vụ.

Ngay chiều ngày xảy ra sự việc, vị Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đã đến tận tòa soạn và tỏ ý lấy làm tiếc cũng như xin lỗi tờ báo và cá nhân phóng viên bị đánh.

Vị Đội trưởng này thừa nhận cán bộ dưới quyền đã có “thái độ không đúng”. “Đây là những cán bộ trẻ, có thể do bị áp lực vì lúc đang làm ở hiện trường rất đông người hiếu kỳ tụ tập xem nên hành xử không đúng”.

Cách vụ việc “hành xử không đúng” này 3 tuần, ở Hạ Long cũng xảy ra việc hai anh em đang công tác tại Công an TP Hạ Long đánh một cán bộ Công an tỉnh.

Bố hai anh em công an kia - Phó trưởng Công an TP Hạ Long cũng đăng đàn trả lời báo chí rằng hai người con trai ông rất “hiền lành, không bao giờ uống rượu hay hút thuốc”. Và rằng, khi xảy ra vụ hai con trai ông “xử” đồng nghiệp ở cây xăng, họ không hề biết người bị đánh cũng là… công an.

Sau vụ việc, theo lời ông bố thì 2 “thủ phạm” đã khóc và “xin lỗi bố mẹ” còn Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh thì cho rằng “nó cũng là việc nội bộ mà thôi”.

Không kể những “việc nội bộ” thì chuyện nhân viên công lực dùng chân tay nói chuyện diễn ra… hơi bị nhiều trên thực tế, ở ngoài đường cũng như trong trụ sở.

Lực lượng vũ trang sinh ra để bảo vệ người dân. Công an nhân dân được xác định là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong cuộc đấu tranh đó, lực lượng chức năng được sử dụng võ thuật cũng như các công cụ hỗ trợ, vũ khí để trấn áp tội phạm, những người có hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng giống như việc nổ súng, việc sử dụng võ thuật của lực lượng chức năng phải căn cứ vào tính huống, tính chất mức độ nguy hiểm của đối tượng và chỉ sử dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.

Suy cho cùng, dùng võ thuật hay nổ súng chỉ để trấn áp tội phạm, không để hành vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi gây nguy hiểm cho người khác xảy ra.

Trên thực tế việc huấn luyện võ thuật, bắn súng cho lực lượng Công an được thừa nhận là “chưa được coi trọng”. Do vậy, cũng đã có nhiều trường hợp Công an lúng túng, bị động, bị đối tượng tấn công gây thương tích, hi sinh.

Đồng thời việc đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử với nhân dân cho cán bộ chiến sĩ Công an vẫn còn lỗ hổng nên vẫn còn có Công an “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với người dân trong những trường hợp không đáng có.

Quyền lực của mỗi cú đấm phát ra từ một người thi hành công vụ không phải là kết quả của những năm tập luyện. Quyền lực của cú đấm đó do người dân ban cho.

Vậy nên, mỗi cú đấm, cái đá từ nhân viên công lực không được phép, không bao giờ hướng về người dân lương thiện. Bởi đó là sự lạm quyền, sự vi phạm pháp luật.