(Dân trí) - Tuần trước, cộng đồng mạ ng xôn xao về 2 chiếc xe biển xanh đi ngược chiều. Báo chí cũng đăng tải hình ảnh, tin tức về chuyện đó. Nhưng dường như, càng ngày càng có nhiều xe biển xanh "ngược chiều"...
Chuyện thứ nhất, như Dân trí cũng đã đưa tin cả hình ảnh, clip, chiếc xe Camry (tiêu chuẩn ít nhất cấp Thứ trưởng trở lên mới được sử dụng) mang biển số 80 A 234.56 chạy ngược chiều trên đường Phan Huy Chú (Hà Nội) bị một chiếc xe tư nhân Santa Fe đẩy lùi hàng trăm mét trước sự thích thú của người dân trên đường.
Tuy nhiên, câu chuyện chỉ dừng đến thế. Người ta không hề biết chiếc xe đó thuộc bộ nào, phục vụ ai và cơ quan cảnh sát giao thông sẽ xử phạt với lái xe thế nào. Cho dù, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi như trên sẽ phạt từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng
Gần nhất, hôm qua (18/9), Vnexpress cũng đã đưa lại clip mà người dân ghi lại một chiếc Fortuner biển 80 A đi ngược chiều trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (ngày 15/9), gây ùn tắc cả tuyến đường. Một nam thanh niên đã dũng cảm, xông ra chặn đầu xe, buộc cảnh sát giao thông phải xuất hiện, xử lý tình huống này.
Nhưng cũng như nhiều chiếc xe biển xanh phạm luật giao thông khác, không ai biết, sau đó thì người lái xe của chiếc xe biển xanh này bị xử lý như thế nào. Có bị tước bằng, bấm lỗ, phạt tiền hay không?
Chuyện những chiếc xe công- xe "biển xanh" đi láo từ lâu đã thành chuyện phổ biến. Trên các diễn đàn về xe cộ như OtoFun... những hình ảnh, clip về xe biển xanh vi phạm luật giao thông thường xuyên được ghi lại. Nhưng 2 vụ xảy ra liên tiếp như trên, là 2 vụ việc khá nghiêm trọng về tính chất. Nếu như 2 chiếc xe này không được ngăn chặn kịp thời, chủ của chúng hoàn toàn có khả năng gây ra những hậu quả, tai nạn khó lường...
Chưa có thống kê nào từ các cơ quan quản lý giao thông, đường bộ về tỷ lệ vi phạm quy định về giao thông của lượng xe công trong tổng hợp các vi phạm giao thông hàng tháng, hàng năm được công bố của các cơ quan này. Tuy nhiên, cảm thấy rõ rệt là mức độ bức xúc về vi phạm giao thông của cánh lái xe của xe công đang ngày càng gia tăng.
Tất nhiên, lái xe nào cũng có thể phạm luật: Xe tư nhân, xe quân đội... thậm chí cả xe của cảnh sát giao thông, xe của lực lượng 141... đều đã từng vi phạm được ghi nhận. Nhưng chính vì việc xử lý các xe "biển xanh" vi phạm luật giao thông không được minh bạch, công khai như những chiếc xe được nói ở trên luôn là điều khiến người dân bất bình.
Lẽ ra, càng là xe biển xanh, người lái xe càng phải chấp hành Luật giao thông một cách nghiêm túc nhất. Không chỉ vì nó phải đảm bảo sự an toàn cho đối tượng phục vụ là "VIP" trên xe, cho chính người lái mà còn phải đảm bảo gương mẫu, chấp hành tốt luật lệ chung.
Luôn có nhiều lý giải khác nhau về tình trạng xe biển xanh phạm luật: Cậy quyền, cậy thế, là con em các "sếp", dễ được "chiếu cố", "linh động"... khi xử lý. Nhưng tình trạng này phải được chấm dứt. Chỉ cần gõ 6 chữ: "Xe biển xanh gây tai nạn" trên google, chỉ 0,49 giây, ra 1,47 triệu kết qủa, đường link về các vụ xe biển xanh đi ẩu gây tai nạn, nhiều vụ gây chết người, thương vong lớn... chỉ trong năm 2016.
Theo Cục Quản lý công sản, tính đến nay cả nước có 40.000 chiếc xe công tiêu tốn của Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng/năm (trung bình chi phí cho 1 xe công 320 triệu đồng/năm). Lượng xe công sẽ còn tăng lên nhiều nữa (đợt tổng rà soát đầu năm nay cho thấy đã dư thừa 7000 chiếc nhưng nhiều nơi vẫn đề nghị cho mua thêm). Nhưng ý thức chấp hành Luật giao thông của hàng chục ngàn tài xế xe công dường như đã không được tăng lên mà có vẻ như đang giảm đi nghiêm trọng cùng chiều tăng số lượng.
Tất nhiên, trong giới lái xe "biển xanh", còn rất nhiều người tài xế giỏi, ý thức chấp hành luật lệ giao thông tốt. Nhưng tình trạng nhiều xe công vi phạm Luật giao thông liên tục như thời gian qua đặt ra vấn đề là các cơ quan quản lý giao thông: Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải cần phải có trách nhiệm rà soát, xử lý mạnh tay hơn với những người điều khiển loại xe này. Và có lẽ, cũng nên có những đợt rà soát, tập huấn, đào tạo lại cho giới lái xe "biển xanh" và nhất là giáo dục ý thức, trách nhiệm tham gia giao thông của họ.