VNN - Trong lễ tốt nghiệp đó, tôi chứng kiến cảnh thầy Hiệu trưởng và Chủ tịch của trường đọc diễn văn và khóc. Đó là hai người đàn ông đã ở tuổi lục tuần, đã dạy dỗ không biết bao nhiêu thế hệ học sinh.
Vừa qua, chuyện một trường đại học lớn tại TP. HCM đưa cho sinh viên hai lựa chọn - một là nộp 900 ngàn để có lễ tốt nghiệp “hoành tráng” tại một trung tâm thể thao và hai là âm thầm tới nhận bằng tại Phòng giáo vụ của trường, đã khiến dư luận tranh luận sôi nổi.
Sau khi gặp những phản ứng của sinh viên, trường đã hủy phương án dự kiến này. Tuy nhiên, câu chuyện tổ chức một lễ tốt nghiệp sao cho ý nghĩa, trang trọng mà không phô trương, tốn kém để nó trở thành sự kiện mà mỗi sinh viên sau này khắc ghi luôn là chuyện không cũ.
Khi lễ tốt nghiệp được “di dời” ra ngoài trường
Theo truyền thống, Lễ Tốt nghiệp đại học luôn được tổ chức trong khuôn viên của nhà trường. Tuy nhiên, vài năm gần đây, một số đại học tại TP. HCM lại thích tổ chức lễ tốt nghiệp cho sinh viên ở các địa điểm bên ngoài cho hoành tráng. Ví như thuê Nhà hát Lớn, Dinh Thống Nhất, Nhà thi đấu thể thao Phan Đình Phùng… với nhiều kịch mục, tạo không gian cho sinh viên và gia đình tới chụp hình, quay phim với cảnh trao bằng trong mũ cao, áo dài, hoa hoét đủ cả…
Tuy nhiên, cho đến sự kiện ầm ĩ vừa qua thì có thể thấy căn bệnh hình thức đã trở nên trầm kha. Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao một trường đại học lớn lại không thể tự tổ chức một Lễ tốt nghiệp trong khuôn viên của mình? Không lẽ nếu không có tiền thì sinh viên không thể có được nghi lễ tốt nghiệp trang trọng và giản dị sau 4- 5 năm vất vả đèn sách cực nhọc? Hơn nữa, chẳng lẽ nhà trường lại coi thường những sản phẩm do chính mình đào tạo và đang đến ngày hái quả như vậy?
Câu chuyện ồn ào về lễ tốt nghiệp còn khiến người ta liên tưởng tới con số 200.000 cử nhân thất nghiệp. Và tiếp đó cơn đau đầu của kỳ tuyển sinh đại học vừa qua, khi không ít trường liên tiếp hạ điểm mà cũng không tuyển đủ sinh viên cho đạt chỉ tiêu.
Nếu ngay từ chính đại học còn thiếu coi trọng đúng mức tấm bằng và con người là chính các sinh viên do mình đào tạo ra sau 4-5 năm ròng rã, thì thử hỏi làm sao các tổ chức, doanh nghiệp ngoài xã hội có thể trân trọng tiếp nhận các sinh viên này, cung cấp cho họ công ăn việc làm?
Không chỉ là lễ tốt nghiệp…
Vấn đề ở đây không chỉ dừng lại ở nghi lễ tốt nghiệp, mà thực sự đó còn chính là nghi lễ trưởng thành của sinh viên. Những thanh niên chỉ ngoài 20 tuổi bắt đầu phải từ giã cuộc sống học tập để bước chân vào đời. Biết bao nhiêu cạm bẫy, sai lầm, ganh đua và gian nan trong cuộc sống đang chờ đợi họ. Nếu không phải là thầy cô đại học thì là ai xứng đáng hơn để nhắc nhở sinh viên lần chót cần nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn trong quá trình thành nhân?
Mùa hè vừa qua, tôi đã có thời gian tham dự Lễ tốt nghiệp tại một trường học ở Mỹ. Lễ tốt nghiệp làm ngay tại trường, tất cả do học sinh và thày cô trong trường tự làm. Ngay đến cả những cây hoa trên bục sân khấu trong lễ tốt nghiệp cũng do học sinh tự trồng, và dàn đồng ca do các em tự luyện tập ca hát.
Trong lễ tốt nghiệp, tôi chứng kiến cảnh thầy Hiệu trưởng và Chủ tịch của trường đọc diễn văn và khóc. Đó là hai người đàn ông đã ở tuổi lục tuần, đã dạy dỗ không biết bao nhiêu thế hệ học sinh. Nhưng họ vẫn khóc vì thêm một lần tiễn các con từ giã học đường, bước vào con đường tự lập.
Những lời dặn dò cuối cùng của các thầy là mong mỏi các bạn trẻ hãy học cách làm chủ chính mình, kiên nhẫn vượt qua những khó khăn để có một cuộc sống tốt nhất. Nghi lễ tốt nghiệp của trường học này thật giản dị, nhưng những gì chứa đựng trong đó có thể lay động con tim của từng học sinh.
Dường như đã đến lúc cần trả lại cho sinh viên đại học lễ tốt nghiệp trang trọng, một nghi lễ trưởng thành chứa đựng những gì thuần khiết nhất. Đó là nơi không cần rình rang tốn kém nhưng học vấn được ca ngợi, sự nỗ lực được biểu dương, tình thày trò trở nên thắm thiết hơn nhằm giúp mỗi sinh viên vừa ra trường thực sự muốn cống hiến những gì tốt nhất cho bản thân, gia đình và xã hội.