VNN - Ở Saudi (Ả Rập Xê Út) 15 nạn nhân bị nhốt đến chết trong đám cháy vì không có khăn trùm đầu, ở Việt Nam 'cư dân mạng' bắt nạn nhân thà chết thiêu chứ không được cởi bỏ cái áo con.
Năm 2002, trong một vụ cháy trường học ở Saudi (Ả Rập Xê Út), học sinh nữ nháo nhào chạy thoát thân. Khi đó ở các lối ra vào, một số thầy tu tôn giáo đã ngăn cản các nhân viên nam chữa cháy vì các cô bé trong lúc vội vàng tìm cách vượt ra ngoài thoát chết, các em quên... mang khăn trùm đầu. Hậu quả là 15 nạn nhân chết ngạt.
Đây là chuyện xảy ra ở vương quốc dầu hoả, nơi phụ nữ mới có quyền bầu cử năm ngoái, không được phép lái xe, ra phố hay đi nước ngoài hoặc mở tài khoản đều phải được phép và có người đi kèm. Giáo lý của Saudi (Wahhabism) được cho là nền móng hình thành các phần tử cực đoan và bạo lực thánh chiến như IS.
Đây là câu chuyện tôi có nhắc đến trong cuốn Con Đường Hồi Giáo. Nó đập ngược trở lại trí nhớ khi tôi đọc thông tin về vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội vừa qua. Bình luận thì có nhiều loại, nhưng vài lời chì chiết khiến tôi hoảng sợ.
Lời tuyên án của định kiến
Khi đọc nhiều bình luận khác thì tôi hiểu rằng lý do thực sự là do nghề làm tiếp viên quán karaoke bị đánh đồng với nghề lao động mại dâm. Điều khủng khiếp ở đây là những vị “quan toà” này tự tuyên án mà không cần bằng chứng.
Có tờ báo thậm chí còn mớm cho lời tuyên án này bằng cách chạy tít đậm "Nhiều cô gái trẻ gợi cảm chạy ra từ đám cháy". Dường như họ muốn độc giả ngay lập tức kết luận: "Đấy, ăn mặc gợi cảm thì làm nghề gì biết rồi đấy".
Tại sao lại có sự đánh đồng như vậy? Đơn giản vì nếu đó là một nhóm khách nữ đi karaoke, hay một nhân viên đơn thuần, hay thử tưởng tượng hẳn là họ chạy ra từ một công sở đi, cô gái có cách xử lý cực kỳ thông minh và có hiểu biết là dùng áo ngực thấm nước che mặt ấy sẽ được tung hô như vị anh hùng. Kỹ năng sống quan trọng đó không phải ai cũng biết, vì trong hoả hoạn ta dễ bị chết ngạt hơn chết thiêu.
Điều dang dở ở đây là những cô gái này lúc đó chưa ai xác định được họ là ai, và việc nhấn mạnh vào sự ăn mặc gợi cảm của các cô là để hướng dư luận tuyên án dễ dàng hơn. Dư luận thì thật ra cũng chẳng cần đến những lời bú mớm ác ý đó, vì định kiến xã hội mạnh hơn sự công bằng: Làm ở quán karaoke thì là gái làm tiền. Không ai có bằng chứng, nhưng cần gì bằng chứng?
Chúng ta nhìn những người xăm trổ đầy mình và kết luận họ là dân lưu manh đầu gấu, coi những ông chồng nhường nhịn bà xã là đàn ông hèn, những bạn trẻ sống thử là hư hỏng, những người ăn mặc lam lũ là hạng bần cùng. Cũng vậy, làm ở quán karaoke mà lại ăn mặc gợi cảm thì đương nhiên là gái bán hoa.
Tất nhiên không ai thoát khỏi sợi dây trói định kiến, nhưng ai cũng có thể tự ý thức được sự bất công của nó. Hãy tưởng tượng một ngày kia khi bước chân vào siêu thị ở Nhật và thấy tấm biển tiếng Việt "Ăn cắp là tội phạm". Hãy tưởng tượng người dân của nhiều nước đang định kiến rằng cứ người Việt là chôm chỉa, ăn buffet để thừa mứa, sang Singapore làm gái bán hoa, ở châu Âu thì trồng thuốc phiện…
Thấy chưa? Bạn cũng chính là nạn nhân của định kiến, vậy hãy cố gắng bớt làm những “quan toà” chỉ thích tuyên mà không cần chứng.
Tình yêu bầy đàn
Trở lại câu chuyện về các cô gái thoát chết ở quán karaoke. Tôi đọc được một số comment khá ác độc, nói rằng họ là lũ ăn không ngồi rồi, cướp chồng người khác (!)
Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến nguyên nhân chúng ta có xu hướng thích xỉ nhục người khác. Một nguyên nhân quan trọng nhất là do chúng ta cần phải bảo vệ người cùng phe với mình. Con người là sinh vật bầy đàn, không có bầy đàn thì cá nhân không tồn tại. Vì vậy, bầy đàn trở thành đối tượng quan trọng để yêu thương, hy sinh và bảo vệ.
Trong quá trình tiến hoá, chúng ta dần dần xây dựng khả năng nhận biết kẻ cùng bầy đàn thông qua ngôn ngữ, cách ăn mặc, giá trị, hoặc hành vi... Kẻ không chia sẻ những đặc tính này thường kích hoạt hệ thống amygdala của não với tín hiệu "kẻ lạ, dè chừng".
Khi phải cạnh tranh nguồn sinh sống, chúng ta không thể vị tha với kẻ khác bầy đàn giống như kẻ cùng bầy đàn được, và tiến hoá xã hội hình thành một công cụ hữu hiệu để giúp con người có đủ dã tâm tàn hại kẻ khác: "phi nhân hoá" (demonization- nguyên bản là "biến kẻ khác thành quỷ dữ").
Để lòng trở nên vô cảm với kẻ thù, ta sẽ miêu tả họ là vô đạo đức, dã thú, xấu xa. Giết một kẻ xấu xa sẽ dễ dàng hơn giết một kẻ cũng giống như chúng ta. Trong chiến tranh, phi nhân hoá là công cụ đắc lực để con người coi đồng loại là loài cầm thú đáng bị tiêu diệt, để vượt qua lòng vị tha và sẵn sàng vung kiếm. Việc Tổng thống Philippines nói dân nghiện “không phải là người” để có thể giết họ không cần xét xử là một ví dụ. Những cô gái trong câu chuyện của chúng ta cũng vậy.
Để phân biệt thứ cấp bầy đàn, chúng ta có hai cách, một là tự đề cao bản thân, hai là hạ thấp người khác.
Một cách gián tiếp, xỉ nhục hạ thấp người khác khiến cho chúng ta cảm thấy hài lòng với bản thân thực tại của mình, hài lòng với nhân cách mình đang có, và giúp ta tự khẳng định giá trị bản thân mà không mất nhiều thời gian tự kiểm điểm. Nếu người kia xấu xa thì đương nhiên mình tốt đẹp. Những vấn đề mà mình đang có không cần phải xem xét, những xấu xa mà mình đang có đương nhiên nhận cực trái dấu và trở thành đức hạnh.
Vấn đề là ở chỗ đây không phải hai cực trái dấu. Mạt sát, xỉ nhục người khác không khiến cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn mà thậm chí làm lu mờ những điều ta cần chỉnh sửa. Như một kẻ phải bắt nạt người khác mới thấy mình mạnh mẽ, bôi đen người khác mới có thể tự thuyết phục rằng mình trong sạch, giết chết người khác mới có thể biết rằng mình đang sống.
Cũng giống như định kiến, vừa phải thôi, chứ nhiều quá lại thành đáng thương.