Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Việt Nam đang quá bất cẩn với những công trình ngàn tỉ?

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF, Vietnamnet)

MTG - Dù chưa có báo cáo chính thức về kỹ thuật công nghệ, cũng như chưa rõ nguyên nhân thực sự của ý định di chuyển đột ngột này của chính quyền Đà Nẵng, thì câu chuyện này cũng đặt ra một vấn đề không hề nhỏ: Phải chăng Việt Nam đang quá bất cẩn với những công trình trị giá ngàn tỉ?

Xây dựng hạ tầng cơ sở đang là một trong những vấn đề nóng và gây bức xúc nhất trong nền kinh tế và xã hội Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Sau những câu chuyện liên quan đến các dự án giao thông theo hình thức BOT, các dự án sử dụng vốn đầu tư công có trị giá hàng ngàn tỉ bị đắp chiếu như nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO) và tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, thì một quả bom khác lại xuất hiện: UBND thành phố Đà Nẵng muốn di chuyển trung tâm hành chính, không sử dụng công trình có vốn đầu tư lên tới gần 2.000 tỉ đồng mới đưa vào hoạt động được khoảng 2 năm.

Điều đáng nói nhất ở đây là khác với những công trình ngàn tỉ lãng phí và mờ ám khác, trung tâm hành chính Đà Nẵng được xem là một trong những công trình hiện đại nhất Việt Nam, khi thành công nhất cả về kiến trúc lẫn công năng sử dụng. Dù chưa có những báo cáo chính thức về kỹ thuật công nghệ, cũng như chưa rõ nguyên nhân thực sự của ý định di chuyển đột ngột này của chính quyền Đà Nẵng, thì câu chuyện này cũng đặt ra một vấn đề không hề nhỏ: Phải chăng Việt Nam đang quá bất cẩn với những công trình trị giá ngàn tỉ?

Quả thực là việc UBND thành phố Đà Nẵng thông báo ý định di dời trung tâm hành chính tại kỳ họp Hội đồng nhân dân hôm 11.8 vừa qua đã khiến tất cả sững sờ, không chỉ với người dân Đà Nẵng mà còn với một bộ phận lớn người dân trên cả nước. Ngạc nhiên là điều dễ hiểu, khi trung tâm hành chính Đà Nẵng không chỉ được xem là một biểu tượng cho sự phát triển và trỗi dậy của thành phố biển miền Trung, mà còn được xem là một trong những công trình hành chính công tốt nhất cả nước.

Với trị giá đầu tư lên tới 1.981 tỉ đồng, một thiết kế kiến trúc được đánh giá là đẹp, độc đáo, hiện đại với hình dáng hòa trộn giữa ngọn hải đăng và cánh buồm, trung tâm hành chính Đà Nẵng được xem là hình mẫu cho các trung tâm hành chính khác trên cả nước. Không chỉ về thiết kế và kiến trúc, mà còn ở tính hiệu quả của nó trên thực tế. Với việc hợp nhất toàn bộ máy hành chính của cả thành phố về cùng một địa điểm, khả năng và tốc độ vận hành của bộ máy hành chính sẽ cao hơn rất nhiều, và không phải ngẫu nhiên khi Đà Nẵng luôn nằm trong top các tỉnh thành có chỉ số cạnh tranh PCI hàng đầu Việt Nam.

Vậy, đâu là lý do khiến UBND thành phố Đà Nẵng có ý định di chuyển khỏi công trình hiện đại và đắt giá đồng thời lại là biểu tượng của thành phố chỉ sau 2 năm đưa vào hoạt động? Lý giải của chính quyền thành phố, được Phó chủ tịch thành phố Đặng Việt Dũng đưa ra tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, rằng nhược điểm của trung tâm hành chính là không khí chưa sạch và nóng, không đảm bảo điều kiện làm việc cho các công chức trong tòa nhà, và Đà Nẵng thường xuyên phải bơm khí tươi cũng như các giải pháp điều hòa nhiệt. Nói cách khác là điều kiện làm việc trong tòa nhà 37 tầng này không đảm bảo, buộc UBND thành phố phải đưa ra ý định chuyển khỏi công trình đắt giá và hiện đại này.

Dù chưa có những nghiên cứu cụ thể và báo cáo chính thức về nguyên nhân của tình trạng nhiệt độ và không khí không đảm bảo điều kiện làm việc như UBND Đà Nẵng tuyên bố, thì một điều có thể rút ra từ câu chuyện này là: Thiết kế và kiến trúc của trung tâm hành chính Đà Nẵng đã không phù hợp về mặt công năng sử dụng, dẫn đến các điều kiện làm việc cơ bản như nhiệt độ và lưu thông không khí không đảm bảo. Ít nhất thì có thể rút ra được nhận xét đó từ những lý giải của UBND thành phố Đà Nẵng. Một công trình kiến trúc không đảm bảo những công năng sử dụng cơ bản như nhiệt độ phù hợp và lưu thông không khí đủ để đảm bảo điều kiện làm việc cần thiết nhất, thì khó có thể xem đó là một công trình thành công, dù nó có thiết kế độc đáo và hiện đại, đẹp mắt đến đâu chăng nữa.

Điều này có lẽ cũng hé mở một lý do khác dẫn đến việc UBND thành phố Đà Nẵng có ý định di chuyển khỏi tòa nhà trung tâm hành chính đắt giá của mình, đó là sự không phù hợp về mặt thiết kế công năng sử dụng đã dẫn đến chi phí vận hành công trình quá lớn. Việc không khí chưa sạch và nhiệt độ quá cao phía bên trong tòa nhà là việc có thể giải quyết một cách khá dễ dàng, bằng cách lắp đặt thêm các thiết bị lưu thông không khí và hệ thống điều hòa nhiệt độ. Nhưng mặt trái của nó là sẽ khiến chi phí gia tăng đáng kể.

Vì thế, phát biểu của Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng rằng không khí chưa sạch và nhiệt độ quá cao là lý do khiến thành phố muốn di chuyển trung tâm hành chính, trên thực tế cũng đồng nghĩa với việc chi phí cần thiết để giải quyết các vấn đề đó vượt quá khả năng của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Dĩ nhiên, không ai muốn rời khỏi một công trình đắt giá và hiện đại bậc nhất cả nước nếu như việc giải quyết các vấn đề của nó là điều nằm trong khả năng cho phép. UBND Đà Nẵng cũng sẽ không rời khỏi công trình biểu tượng của mình nếu như chỉ cần lắp thêm vài ba hệ thống điều hòa không khí và nhiệt độ, trừ phi số lượng cần lắp đặt và chi phí vận hành chúng là quá lớn.

Lý do này một phần nào đó cũng trùng khớp với nhận xét của một số kiến trúc sư về công trình biểu tượng này của Đà Nẵng. Với chiều cao khoảng gần 170m với 37 tầng, trung tâm hành chính Đà Nẵng được bao phủ bởi một lớp kính khổng lồ có diện tích lên tới hơn 20.400m2. Dù toàn bộ đều được làm bằng chất liệu kính chống hấp thụ nhiệt, thì về lý thuyết nhiệt độ trong công trình này vẫn sẽ khá cao, nhất là với khí hậu nắng liên tục khá đặc trưng của Đà Nẵng. Nhược điểm này cũng được một số kiến trúc sư chỉ ra ngay từ khi bắt đầu chọn mẫu thiết kế cho dự án, và giờ đây có lẽ nó đã được phần nào chứng thực qua những ý kiến được UBND Đà Nẵng đưa ra.

Nếu thực sự nguyên nhân chủ yếu khiến cho chính quyền thành phố Đà Nẵng đưa ra ý định di chuyển khỏi trung tâm hành chính là do sự bất hợp lý về kiến trúc và công năng sử dụng, thì đó sẽ là một điều vô cùng đáng tiếc. Một công trình được đánh giá cao về hầu hết mọi khía cạnh lại có thể không phù hợp và lãng phí chỉ vì một sơ suất nhỏ trong thiết kế. Nó cũng đang cho thấy Việt Nam đang bất cẩn thế nào với những công trình hạ tầng trị giá hàng ngàn tỉ của mình, khi thiếu đi những quy định và tiêu chuẩn cơ bản và quan trọng nhất trong thiết kế, giám sát và xây dựng các công trình, khiến cho những sơ suất nhìn bề ngoài có vẻ nhỏ nhưng thực tế lại đem lại những hậu quả rất lớn.