(GDVN) - Khi khánh thành tòa nhà Trung tâm hành chính tập trung Đà Nẵng thì người đứng đầu chính quyền Đà Nẵng ca tụng, sao bây giờ lại muốn di dời?
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp lần thứ hai HĐND TP Đà Nẵng khóa IX vào sáng 11/8, nhiều đại biểu bất ngờ trước thông tin Đà Nẵng chuẩn bị tính phương án di dời Trung tâm hành chính tập trung.
Đây là thông tin được cho là "nóng" nhất, gây ồn ào dư luận nhất mấy ngày nay bên thành phố biển.
Người ta còn ví von tòa nhà Trung tâm hành chính tập trung này trông như một "trái bắp". Ngày khánh thành, "trái bắp" khiến bao người lào xào vì kiến trúc.
Sau hơn 2 năm, "trái bắp" lại gây xôn xao một lần nữa vì chủ nhân không muốn ở cùng.
Còn nhớ, vào sáng ngày 8/9/2014, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ khánh thành Trung tâm hành chính tập trung này.
Lúc đó, ông Văn Hữu Chiến còn là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lên phát biểu đọc rất dõng dạc rằng: Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng được thiết kế có hình dáng như ngọn hải đăng hướng ra biển, được xây dựng trên khu đất rộng 23.318 m2 theo phong cách hiện đại với chiều cao 166,8 mét, gồm 36 tầng (2 tầng hầm và 34 tầng nổi).
Đây là nơi làm việc tập trung của 24 sở, ban, ngành và UBND thành phố Đà Nẵng.
Tòa nhà được tạo hình với chân nhỏ, phình to ở giữa và lại thu nhỏ ở trên. Tổng diện tích sàn 65.234m2, được chia làm 4 phần: phần ngầm, phần đế, phần thân khối tháp và phần đỉnh tháp.
Trong đó, khối đế công trình được bao quanh bởi hệ vách kính khung nhôm kết hợp lam gỗ thông, phần khối tháp được bao bọc toàn bộ bởi hệ vách kính khung nhôm. Toàn bộ mái khu vực hội trường được sử dụng hệ kèo thép vượt nhịp, được lợp bằng tấm nhôm composite dày 4mm.
Toàn bộ kính bao che toàn nhà có diện tích khoảng 21.011 m2. Tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.
Không chỉ có kiến trúc độc đáo, Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng còn được xem là một trong những tòa nhà thông minh hàng đầu Việt Nam về hệ thống công nghệ điều khiển và quản lý vận hành.
Trong đó, hệ thống tích hợp quản lý tòa nhà (iBMS) là một trong những giải pháp quan trọng.
Hệ thống này cho phép phối hợp vận hành một cách chặt chẽ giữa các hệ thống chức năng sử dụng các giao thức mở theo chuẩn công nghiệp để có thể tiết kiệm một cách đáng kể chi phí cho năng lượng và điều hành cũng như tạo ra môi trường làm việc thân thiện, thoải mái, góp phần nâng cao hiệu quả công việc.
"Đây là công trình được xem là điểm nhấn cho kiến trúc toàn thành phố Đà Nẵng, thể hiện khát vọng vươn xa của một thành phố trẻ, năng động đang trên lộ trình phấn đấu trở thành thành phố đáng sống, thành phố phát triển động lực của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Sau khi đi vào hoạt động, có khoảng 1.600 cán bộ, công chức đến làm việc hằng ngày tại tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố và khoảng 600 lượt người đến giao dịch;
Tạo điều kiện cho UBND thành phố gần gũi, sâu sát hơn với cơ sở, đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Sự gần gũi về vị trí làm việc sẽ tăng cường sự phối hợp hiệu quả và nhanh chóng hơn giữa các sở, ngành và đặc biệt là phát huy tối đa tính liên thông, khả năng phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh gọn;
Tạo điều kiện cho công dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng và nhanh hơn với các bộ phận tiếp nhận, xử lý văn bản, hồ sơ, đơn thư…”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến phát biểu tại lễ khánh thành tòa nhà Trung tâm hành chính.
Hoành tráng và hiện đại là vậy, nhưng tại sao "trái bắp" sắp bị ruồng bỏ?.
Đây là Trung tâm hành chính mà cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đặt nhiều tâm huyết, muốn người dân được thuận tiện hơn trong việc giao dịch hành chính.
Công trình cũng do một công ty nổi tiếng ở Hàn Quốc là Mooyoung Architects & Engineers thiết kế; Công ty Apave Việt Nam và Đông Nam Á tư vấn…
Nhiều cán bộ, viên chức đang làm việc trong tòa nhà, họ cũng chưa than phiền nóng bức vì cả tòa nhà có hệ thống máy lạnh. Chỉ một đôi khi thiếu khí tươi gây mệt mỏi.
Chính giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Yến đã khẳng định, chưa có đánh giá nào nói tòa nhà thiếu oxy hết. Chỉ có trong môi trường làm việc ở độ cao thì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của một số người.
Vì thế, khi Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đưa ra lý do tại buổi chất vấn rằng "Tòa nhà còn có tồn tại như không khí chưa sạch, nóng quá" khiến dư luận ngỡ ngàng!.
Bình luận trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bạn đọc có nickname "Hoàng Hoa Đình" viết:
"Một công trình 2.100 tỷ đồng mà không nghĩ đến công năng của công trình, chuyện thật như đùa.
Đà Nẵng phải mời các chuyên gia giỏi trên thế giới đến nghiên cứu cải tạo xem có được không? Nếu dời trung tâm hành chính đến nơi khác thì công trình 2.100 tỷ để làm gì? Tiền ngân sách của nhà nước sử dụng sai ai chịu trách nhiệm?".
Trong lúc đó, nickname "Võ Tá Luân" chua xót: "Chu choa, nghe xong tin này cứ băn khoăn miết. Rứa cái hồi thiết kế, ai duyệt, ai tính toán độ thông thoáng mà chừ kêu?
Với lại, nghe nói phòng ốc đều thiết kế máy lạnh hoặc quạt, đâu có mở cửa sổ đón khí mà kêu nóng, kêu dơ hè?
Lại nghĩ, nếu bỏ trụ sở, coi như tiền ngàn tỷ thành cát trôi tuột biển Mỹ Khê; còn hễ dời nơi làm việc để giao cho tổ chức khác hoặc cá nhân khác thì hóa ra để người khác gánh cái dơ, cái nóng chăng?
Chắc không ai làm vậy mô! “Trái bắp” mới xong năm 2014 từng được xem là biểu tượng và niềm tự hào của Đà Nẵng bị ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chê “Trung tâm hành chính còn có chuyện như không khí chưa sạch, nóng quá. Hiện UBND thành phố đã chỉ đạo Ban quản lý tòa nhà phải bơm khí tươi và đảm bảo điều kiện làm việc cho anh em”.
Tòa nhà nào mà chẳng phải bơm khí vào? chung cư, siêu thị, tầng hầm đều phải có hệ thống thông khí tòa nhà này đâu phải ngoại lệ? Tôi tin rằng, ai đó sẽ bảo “trái bắp” nóng ấy sẽ dùng vào việc khác như cho thuê, bán hoặc làm gì gì đó".
Chúng tôi xin kết thúc bài viết bằng một bình luận của độc giả trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam:
"Đâu phải chỉ ở Đà Nẵng mới có toà nhà hành chính cao hơn 160 m, ở Dubai hoặc Kulalumper có những toà nhà hành chính cao trọc trời nhưng khi họ xây dựng thì đã nghiên cứu rất kỷ về địa chất, về độ loãng không khí, môi trường...
Việt Nam còn khó khăn về kinh tế nay lại "dư thừa" toà nhà 2000 tỷ do thiếu không khí oxy khi làm việc thật bi hài".