Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

'Thầy ơi, em kinh doanh ngành này có bị đi tù?'

Lưu Minh Sang

VNN - Với nhiều bạn trẻ khởi nghiệp tôi tiếp xúc, cách họ chống lại nỗi sợ là hướng đến những nơi họ cho là an toàn, như các nước lân cận Singapore, Thái Lan...

Tôi tham gia hỗ trợ pháp lý cho nhiều bạn trẻ có khát vọng thành công bằng sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Tối qua, tôi nhận được đến 3 email cùng một nội dung: “em muốn kinh doanh ngành này… liệu có bị đi tù không?”.

Tôi không còn lạ lẫm những thắc mắc kiểu này, vì nó đã trở thành mối bận tâm của hầu hết những người tìm đến tôi nhờ hỗ trợ, nhất là gần đây.

Có lẽ nỗi sợ ấy có liên quan đến  thông tin trên báo chí thời gian qua về những vụ việc mang tính thuần túy dân sự, kinh doanh nhưng lại bị các cơ quan thực thi pháp luật hình sự hóa. Từ việc truy tố chủ quán cà phê “Xin Chào” đến hành vi khám xét hình sự, dọa truy tố người sửa điện thoại “cùi bắp” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Và gần đây nhất là vụ việc truy tố, kết án hai nông dân về tội nhận hối lộ tại Bình Thuận[1].

Trong một số vụ việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải trực tiếp chỉ đạo kịp thời để giành lại sự công bằng cho người dân.

Những lời cam kết và phương án hành động từ nội các mới cũng đã được truyền đến nhân dân. Ngày 16/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết một lần nữa khẳng định chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân. Theo đó, mọi hành vi nhũng nhiễu, hành dân phải nhanh chóng bị triệt tiêu.

Tuy vậy, từ Nghị quyết đến thực tiễn lại là một quãng đường rất dài và lắm chông gai. Mấy ngày trước đây, Thủ tướng cũng tâm tư: "Người ta nói với tôi rất nhiều lần rằng "anh nói rất đúng, anh nói phải đấy, nhưng hệ thống của anh có chuyển không, có thực sự phục vụ nhân dân không?" Ở dưới là đội ngũ cán bộ, công chức sát dân, sát DN hay là nhũng nhiễu thì cản trở sự phát triển. Có phải cán bộ là khâu yếu nhất của chúng ta?"[2].

Theo tìm hiểu của tác giả, từ những năm cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, hiện tượng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế đã phát sinh và trở nên báo động. Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ khi ấy đã có Chỉ thị 16/TTg về việc tìm kiếm và thực thi các giải pháp chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, chống oan sai và bảo vệ các hoạt động kinh doanh của người dân.

Đến năm 2000, Bộ Chính trị cũng đã có Chỉ thị số 53/CT-TW khẳng định quyết tâm chống oan sai và hình sự hóa trong hoạt động tố tụng. Nghĩa là, quyết tâm chống hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế đã hình thành và tồn tại từ lâu nhưng kết quả ra sao vẫn còn là điều đáng bàn.

Để người trẻ không bỏ đi

Hiện tượng quan hệ dân sự, kinh tế bị hình sự hóa có hai nguyên nhân chính: (1) sự khiếm khuyết của pháp luật hình sự; (2) bản thân cán bộ thực thi pháp luật.

Nếu đọc câu chữ của Bộ luật Hình sự hiện hành cũng như của năm 2015, có thể dễ dàng nhận thấy việc nhận dạng các loại tội phạm hình sự được quy định với những câu từ còn chung chung, đôi khi mơ hồ và nhiều nghĩa.

Hơn nữa, ranh giới giữa vi phạm dân sự, vi phạm hành chính với phạm tội hình sự vô cùng mong manh và đôi khi khó phân biệt. Dấu hiệu nguy hiểm đáng kể cho xã hội là dấu hiệu quan trọng nhất để phân biệt, nhưng để xác định được điều này luôn là một thử thách.

Đến nay, chúng ta vẫn đang thiếu những công trình nghiên cứu mang tính hệ thống để xác định rõ ràng ranh giới giữa những loại vi phạm này. Vì vậy, để tránh tình trạng áp dụng pháp luật sai, thì năng lực và niềm tin nội tâm liêm chính, tấm lòng vì dân của đội ngũ cán bộ thực thi vô cùng quan trọng.

Ấy vậy mà, đúng như lời trăn trở của Thủ tướng, cán bộ của chúng ta vẫn còn hiện tượng“trên bảo dưới không nghe”. Có khi đó là bởi thái độ cửa quyền, thích ra oai khi làm nhiệm vụ, có khi lại do năng lực chuyên môn bị hạn chế dẫn đến áp dụng pháp luật cứng nhắc, không có tư duy về lẽ công bằng, sự hợp lý...

Thời gian qua, ngành Kiểm sát đã ra một số quyết định đình chỉ công tác, cách chức với các cán bộ sai phạm. Đây là điều kiện để “thay máu” đội ngũ, cần được duy trì như một phương châm, cách thức ứng xử chung và nhân rộng ra các ngành khác như công an, tòa án, các cơ quan hành pháp…

Điều bộ máy công lực phải nỗ lực và khắc phục ngay lập tức là thiết lập lại cảm giác an toàn về mặt pháp lý trong người dân. Cảm giác sợ hãi và cảm thấy rủi ro tù tội tiềm ẩn nhiều hệ quả nguy hiểm.

Điển hình như những bạn trẻ khởi nghiệp tôi có dịp tiếp xúc, cách họ chống lại nỗi sợ là hướng đến những nơi họ cho là an toàn. Nhiều câu hỏi về pháp luật liên quan đến khởi nghiệp của các nước lân cận như Singapore, Thái Lan đã được đặt ra.

Tôi thật sự đồng cảm với phát biểu của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa giữa Hội trường Diên Hồng khi ông lý giải hiện tượng những trí thức giỏi không trở về nước, doanh nhân thành đạt muốn bỏ đất nước ra đi. Họ bỏ đi không phải vì đất nước nghèo, mà vì họ cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý và những quyền tự do, dân chủ chưa được đầy đủ.

Chính vì vậy, người dân đang dõi theo quyết tâm cũng như hành động nhằm xây dựng một nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân mà Chính phủ đã liên tục nhấn mạnh.

--------

[1] Hai nông dân bị truy tố tội... nhận hối lộ!, Báo Pháp luật TP.HCM, 18/8/2016.

[2] Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cán bộ làm gì dân cũng biết!, Người Lao động, 17/08/2016.