TP - “Trong lúc dầu sôi lửa bỏng thì lãnh đạo tỉnh kêu gọi chúng tôi mua cá giúp ngư dân. Giờ dân không ăn, cá không bán được, doanh nghiệp điêu đứng, muốn gặp lãnh đạo tỉnh để trình bày, tìm cách tháo gỡ thì họ né tránh.Chúng tôi đã 5 lần xin gặp ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhưng không thể gặp” - một giám đốc doanh nghiệp thu mua cá nói.
Theo thống kê của các doanh nghiệp thu mua cá, Quảng Bình hiện có 7 kho đông lạnh, chủ yếu nằm ở hai cảng cá Sông Gianh (Bố Trạch) và Nhật Lệ (TP Đồng Hới). Họ là đầu mối thu mua hầu hết sản phẩm của ngư dân và tàu dịch vụ nghề cá cập ở hai cảng này, sau đó phân phối đi các thị trường trong cả nước. Hằng năm các kho đông lạnh này thu mua và xuất bán ra thị trường hàng chục nghìn tấn cá, doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Gần 2.000 tấn cá tồn kho
Cuối tháng 4 vừa qua, trước tình trạng cá chết chưa rõ nguyên nhân, các thị trường từ chối cá biển, các kho đông lạnh tạm dừng thu mua cá đánh bắt của ngư dân khiến tình hình rối loạn. Nhằm ổn định tình hình, Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi các doanh nghiệp thu mua cá giúp ngư dân, kèm theo các ưu đãi như: Hỗ trợ 20% giá thu mua, miễn 6 tháng lãi suất ngân hàng đối với các doanh nghiệp vay thu mua.
Nhờ những ưu đãi nói trên, cộng với sự tích cực vận động của các cấp chính quyền mà lượng cá đánh bắt xa bờ của ngư dân đều được thu mua hết. Tình hình ổn định, ngư dân tự tin bám biển, vươn khơi. Tuy nhiên không chỉ người dân các tỉnh trong vùng cá chết mà hầu hết các tỉnh thành trong cả nước cũng giảm ăn cá biển vì sợ nhiễm độc. Lượng cá các doanh nghiệp thu mua của ngư dân chỉ xuất bán được một ít, đa số tồn đọng ở các kho lạnh.
Theo bà Trương Thị Mười, Phó GĐ Công ty TNHH Đức Hiếu, có kho lạnh ở Cảng cá Nhật Lệ, cho biết: Trước thời điểm cá chết hàng loạt, để chuẩn bị cho dịp lễ 30/4, công ty bà đã mua vào 260 tấn cá các loại, trị giá 6,6 tỷ đồng. Bỗng dưng cá chết hàng loạt, người dân sợ nhiễm độc không ăn cá, chừng ấy tấn cá nằm lại trong kho. Thị trường đổi chiều, doanh nghiệp bà quyết định dừng thu mua cá, tuy nhiên trước sự vận động của chính quyền, bà đã vay 18 tỷ đồng của ngân hàng nông nghiệp để thu mua cá. Mặc dù đã cậy nhờ hết các mối làm ăn xưa nay, nhưng lượng cá bán ra nhỏ lẻ so với số lượng mua vào.
Hiện lượng cá mua mới tồn kho của bà Mười là 400 tấn, thêm 260 tấn trước thời điểm cá chết, tổng cộng 640 tấn, tương đương 30 tỷ đồng. Doanh nghiệp bà Mười đang phải gửi gần 300 tấn cá ở các kho lạnh của TPHCM, Nghệ An, Hải Phòng… vì các đầu mối trả lại hàng. Cứ mỗi tháng, bà Mười phải trả cho các kho lạnh này phí gửi 1.000 đồng/kg cá, tương đương 300 triệu đồng/tháng. “Để bảo quản 640 tấn cá tồn kho, ngoài 300 triệu trả cho các kho lạnh mình gửi hàng, tiền điện duy trì kho lạnh của mình, rồi tiền lãi ngân hàng, tiền nhân công… mỗi tháng doanh nghiệp tôi phải bỏ ra gần 500 triệu đồng. Sẽ không trụ nổi nếu Nhà nước không sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn giúp chúng tôi” - bà Mười nói.
Theo các doanh nghiệp thu mua cá trên địa bàn Quảng Bình, hiện họ đang tồn đọng gần 2.000 tấn cá, tương đương 100 tỷ đồng. Theo tiên lượng của các doanh nghiệp, nếu giỏi xoay trở thì họ chỉ có thể bán được 50% lượng cá nói trên, chủ yếu các loại như: ngừ, thu, bạc má, nục… số còn lại cho cũng không ai lấy.
“Hỏa tốc” thành “tốc hỏa”
Theo các doanh nghiệp thu mua cá, cho đến nay họ chỉ nhận được ưu đãi 20% giá mua cá của ngư dân, còn ưu đãi lãi suất ngân hàng thì chưa một doanh nghiệp nào được hưởng. Bà Nguyễn Thị Ninh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dũng Đức Tài, TP Đồng Hới cho biết: Đến công văn của Ngân hàng Nhà nước, thông báo ưu tiên vay và miễn lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua cá, khi về đến địa phương không ai phổ biến để doanh nghiệp biết.
Liên quan đến công văn số 3438, cho vay thu mua, tạm trữ hải sản của Ngân hàng Nhà nước, theo chỉ thị của Chính phủ mà bà Ninh nói, ngay cả PV báo chí cũng chỉ được Sở TTTT Quảng Bình yêu cầu tuyên truyền để các doanh nghiệp được biết vào ngày 31/6, có nghĩa là còn 5 ngày nữa là hết hạn cho vay.
Bà Nguyễn Thị Ninh nói: “Khi nước sôi lửa bỏng chúng tôi thường xuyên nhận được các công văn đóng dấu hỏa tốc chỉ đạo, vận động mua cá. Thực hiện theo “hỏa tốc” nay chúng tôi đang bị “tốc hỏa” nhưng chẳng ai ngó ngàng đến. Cá thì tồn đọng chất đống, còn lãi ngân hàng thì đến tháng phải nộp”.
Bà Nguyễn Thị Lê, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Bình, đóng tại xã Thanh Trạch (Bố Trạch) đặt câu hỏi: Số cá tồn đọng trong các kho hàng hiện nay là cá sạch, nhưng không bán được, nếu tiêu hủy thì có được hỗ trợ như cá bị nhiễm độc vừa qua không? Hoặc đợi Formosa đền bù thì cũng trả lời cho các doanh nghiệp biết.
Theo bà Lê, xử lí được số cá tồn đọng, các kho hàng mới có chỗ trống để tiếp tục thu mua cá cho ngư dân. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn vì ngư dân không bán được cá.
Trả lời về sự chậm trễ trong ưu đãi vay vốn theo chỉ thị của Chính phủ, ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Bình cho biết: Do thủ tục vay vốn liên quan đến nhiều mảng, nhiều ngành nên có sự chậm trễ. Đặc biệt nguồn để cho vay ưu đãi chưa về nên các ngân hàng chưa triển khai. Ngày 22/8, ông đã có công văn hướng dẫn các ngân hàng thương mại.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng: Quảng Bình là địa phương làm tốt nhất công tác hỗ trợ ngư dân và các doanh nghiệp thu mua cá. Vừa rồi ông đã “trị” một số ngân hàng gây khó dễ với doanh nghiệp. Trước câu hỏi, đến nay các doanh nghiệp bị tồn đọng quá nhiều cá do không bán được, tỉnh có chủ trương gì để giải quyết cho các doanh nghiệp không? Ông Hoài nói: “Vấn đề này đã giao cho anh Dũng (Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng - PV) rồi”.
***
PV liên lạc với Phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng, ông Dũng nói, trước đây ông có phụ trách, nhưng nay đã giao cho người khác. “Anh Hoài nói thế, chứ đó là trước đây, giờ anh Ngân (Phó chủ tịch tỉnh Lê Minh Ngân) mới lên phụ trách. Vừa rồi đi họp Quảng Trị (công bố môi trường biển) anh Ngân cũng đi mà” - ông Dũng nói.