Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Nông dân Thanh Hóa phen này… sướng to!

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Rồi đây, người nông dân Thanh Hóa sẽ sướng, rất sướng, siêu sướng… Họ sẽ ngày ngày ra biển Sầm Sơn ngắm FLC hay tối tối, đi xem trình diễn người đẹp, hoa hậu. Nhiều người sẽ thoát cảnh tất tả xuôi ngược làm ăn nơi xứ người...

Trên cánh đồng, có thể mơ tới những hạt lúa sẽ to như bắp ngô còn những củ khoai sẽ to như cột nhà trong ước mơ cổ tích. Sẽ mãi mãi không còn những đàn dê “lú lẫn” lạc cửa nhà quan…

Lý do có viễn cảnh trên là bởi được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa được dẫn dắt bởi một đội ngũ lãnh đạo hùng hậu gồm 8 bác phó và một bác chánh sở, vị chi là 9 bác cả thảy. Được biết trước đó, từ 2008 đến 2013, Sở này còn có tới 11 vị là Phó giám đốc.

Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-NNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của liên Bộ Nông nghiệp và Bộ Nội vụ qui định, sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn ở các địa phương tối đa không có quá 3 phó giám đốc.

Thế nhưng Thanh Hóa có tới tận 8 Phó giám đốc là tại sao? Theo giải thích của ông Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn Thanh Hóa có 6 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phát triển nông thôn đều là những lĩnh vực có quy mô lớn so với các tỉnh trong cả nước nên sẽ rất khó khăn trong quản lý, điều hành.

Còn theo ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Thanh Hóa thì cần phải… tách tỉnh: “Với diện tích lớn, Thanh Hóa có thể tách thành 2 tỉnh, thậm chí là 3 tỉnh. Trường hợp, nếu địa phương thay đổi địa giới hành chính, thì tính bình quân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ có nhiều nhất là 3 phó giám đốc". Ông Tuấn nói.

Những ý kiến trên không phải không có lý bởi ở đất nước mà phần đông dân số là nông dân thì nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực cực kỳ quan trọng. Nếu nông nghiệp và nông thôn phát triển, thì cũng tức là đất nước phát triển. Nếu nông dân và nông thôn giàu có, văn minh, thì cũng có nghĩa là đất nước giàu có, văn minh. Vậy thì sá gì mà không tập trung đầu tư nhân lực, nhất là những nguồn nhân lực có trình độ cao vào lĩnh vực này?

Người xưa có câu “Một người lo bằng kho người làm”. Với một đội lãnh đạo (tức vai trò “người lo”) hùng hậu đến 9 người (kể cả giám đốc), như 9 “kho người làm”, chắc chắn kinh tế nông nghiệp Thanh Hóa sẽ phát triển. Nông thôn sẽ giàu, rất giàu, siêu giàu…

Thế thì phải ủng hộ quan điểm “đa quan” này chứ. Mình còn mong Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn có hẳn 11 ông phó như ngày nào, thậm chí… 22 ông phó hoặc càng nhiều hơn nữa càng tốt.

Lúc ấy, chắc chắn đối với lĩnh vực trồng trọt, Thanh Hóa sẽ trở thành kho lương thực cả nước.

Về chăn nuôi, sẽ thừa mứa nhu cầu nội địa mà còn xuất khẩu đi khắp thế giới.

Về lâm nghiệp, rừng sẽ phủ ngút ngát một màu xanh, sẽ vĩnh viễn không phải đóng cửa rừng vì nạn lâm tặc.

Về thủy sản, cá tôm đầy ao, đầy đồng, đầy sông, đầy biển.

Về thủy lợi, vĩnh viễn không còn phải lo lũ lụt, hạn hán, nước mặn xâm lấn.

Về phát triển nông thôn, nhà nhà đều giàu có, sống sang trọng và văn minh… Người dân không phải gánh hàng chục loại thuế để nuôi hàng trăm cán bộ/1 xã nghèo như báo chí mới đây phản ánh.

Và khi đó dưới suối vàng, chắc Nhà văn Phùng Gia Lộc với tác phẩm “Cái đêm hôm ấy, đêm gì…!” sẽ phải mỉm cười mãn nguyện.

Nói thế thôi, chứ cũng lo lắm. Chỉ sợ lỡ rồi “đa quan thì tàn dân”. 8 ông phó sở lỡ lại sở hữu 8 cái xe công, 8 cái phòng vo vo máy lạnh, 8 cái nhà to cộng với hàng loạt các khoản chi phí khác để rồi lại đổ vào phí thuế. Đó là chưa kể có thể còn chồng chéo, dẫm chân nhau…

Thế nên có lẽ đành từ bỏ giấc mơ… Hòn Mê để lo mối lo “bộ máy phình to thế, dân nào nuôi nổi” như lời của ĐB Quốc hội XIII Trần Du Lịch hay lời nói đầy giận dữ của Phật hoàng Trần Nhân Tông 700 năm trước “Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi”, phải không các bạn?