(Dân Việt) Từ nhiều năm nay, mặc dù còn sống nhưng nhiều cựu tù chính trị yêu nước tại huyện Chư Prông (Gia Lai) đã bị… khai tử để nhận tiền hỗ trợ mai táng trong khi bản thân họ lại khẳng định không hề hay biết!
Gõ cửa đòi làm… người sống
Ở cái tuổi 76 tóc bạc phơ, đôi chân dường như không còn nghe theo cái đầu, bà Kpuih Bơnh (làng Nú, xã Ia Kly, huyện Chư Prông) vẫn lọ mọ đi gõ cửa nhiều nơi với mong ước đơn giản đến kỳ quặc: “Hãy cho tôi sống lại!”.
Tay cầm tờ quyết định “cấp tiền mai táng phí” do Sở Lao động-Thương binh và xã hội (LĐTBXH) Gia Lai cấp mang tên mình, bà vừa nói vừa khóc: “Tên già đây, bị người ta làm giấy khai tử, thành ra đã chết rồi. Gần 13 năm nay, già còn sống nhưng trên giấy tờ thì đã chết từ lâu. Ấm ức lắm, buồn lắm mà chỉ biết khóc…”.
Theo tìm hiểu của PV, bà Bơnh biết ra sự việc oái oăm này cũng là từ sự ngẫu nhiên…
Năm 2003, bà Bơnh được hưởng trợ cấp một lần 1 triệu đồng dành cho trường hợp “người hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày”. Đến cuối năm 2004, Sở LĐTBXH Gia Lai ra quyết định hỗ trợ tiền lễ tang, chôn cất 2.320.000 đồng cho bà Bơnh “xét theo hồ sơ và đề nghị của Phòng Chính sách người có công”. Tuy nhiên bà và người thân trong gia đình không hề biết chuyện tày đình là mình “đã chết và đã nhận tiền mai táng phí”. Mãi đến năm 2013, Nghị định 31/NĐ-CP quy định “người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày nếu còn sống sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng” ra đời, bà Bơnh làm hồ sơ thì Sở LĐTBXH Gia Lai trả lời- “bà đã chết”- kèm theo quyết định nhận tiền mai táng phí...
“Nhận được quyết định, già vô cùng sửng sốt. Già còn sống đây mà? Già và người thân đã bao giờ làm đơn xin chứng tử và số tiền hỗ trợ này già cũng đã nhận được một đồng nào đâu. Cái tên Kpuih Klul – người đứng ra nhận số tiền này lại cũng hoàn toàn xa lạ, già có biết mặt mũi là ai…” - bà Bơnh nghẹn ngào…
Không chỉ bà Bơnh, 10 người khác từng hoạt động cách mạng, bị địch bắt tù đày đang sống tại các xã Ia Vê, Ia bang, Ia Boòng… huyện Chư Prông cũng chung cảnh ngộ. Tất cả những người “bị khai tử” này đều là người dân tộc J’rai tuổi tác đã cao, tiếng phổ thông chỉ biết nói lơ lớ, có người không biết. Hỏi về việc họ làm giấy báo tử khi nào, ai làm, ai nhận tiền mai táng… họ đều lắc đầu. Theo giấy tờ, từ năm 2004-2007, họ đều lọt vào danh sách bị khai tử, được nhận tiền an táng phí, tính đến nay đều “đã chết” trên dưới 10 năm.
Dẫn chúng tôi về cuối làng Nú, bà Bơnh giới thiệu trường hợp cụ bà Kpuih Blế…Hỏi về chuyện nhận trợ cấp, giấy khai tử… bà lắc đầu, cười không hiểu... “Cụ Blế nay đã cao tuổi rồi, chuyện giấy khai tử, tiền hỗ trợ… đều không biết tí gì thì làm sao biết đường làm hồ sơ nhận tiền mai táng?” – bà Bơnh khẳng định…
Không có cán bộ nào lợi dụng chiếm đoạt (?)
Về phía UBND huyện Chư Prông, sau khi phát hiện những khuất tất “chứng tử cho người sống” xảy ra trên địa bàn đã thành lập tổ công tác xác minh.
Theo Báo cáo số 96 ngày 5.4.2016, gửi Sở LĐTBXH Gia Lai, trên địa bàn huyện có 10 đối tượng còn sống nhưng đã thực hiện chế độ mai táng không đúng quy định. Theo đó, nguyên nhân của những sai sót này do các đối tượng thiếu hiểu biết, điều kiện gia đình khó khăn và bị đau bệnh nên nhân thân đã làm chế độ mai táng phí để được hưởng một khoản tiền mà không nghĩ rằng đây là việc sai quy định. Các đối tượng đã tỏ ra ăn năn mong chính quyền xem xét, tạo điều kiện cho họ được trả lại số tiền đã nhận sai quy định và được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng…
Vụ việc này, Sở LĐTBXH Gia Lai đã trả lời (bằng văn bản): “Việc lập thủ tục, khai man làm giấy chứng tử để lập thủ tục giải quyết trợ cấp mai táng phí là do tự cá nhân đối tượng và thân nhân đối tượng đề nghị”. Do đó, Sở giải quyết mai táng phí là đúng quy định dựa trên cơ sở các thủ tục. Số tiền này các đối tượng đã nhận được, không có cán bộ nào lợi dụng, chiếm đoạt. Sở đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo Sở phối hợp UBND huyện Chư Prông lập thủ tục ra quyết định thu hồi mai táng phí cho các đối tượng và làm hồ sơ cho họ được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 31…
Thế nhưng, điều oái oăm là những đối tượng mà PV NTNN tìm hiểu - như đã nói trên - đều không thừa nhận. “Chúng tôi không làm chứng tử, chưa nhận tiền thì lấy đâu mà trả lại?”. Bất ngờ hơn, trong danh sách những người ký nhận tiền an táng phí, chúng tôi phát hiện có người trực tiếp ký nhận tiền là người mù chữ.
Đó là trường hợp của bà Rơ Lan Phie (64 tuổi, làng Pó, xã Ia Kly), người được cho là đã nhận tiền là anh Rơ Lan Đức – con trai bà Phie. Bà Phie khẳng định: Gia đình bà không làm giấy chứng tử, tiền hỗ trợ mai táng cũng chưa được nhận. Còn ai làm thì không biết…
Ông Kpuih Bình – Chủ tịch UBND xã Ia Kly cho biết: Xã đã mời các hộ lên, yêu cầu làm rõ việc làm giấy chứng tử và nhận tiện mai táng thì họ đều nói không làm…
Được biết, việc làm giấy chứng tử không dễ gì một người có thể làm được, đặc biệt là những người có công thì hồ sơ càng phải làm chặt chẽ, nhưng không hiểu sao sự việc lại trót lọt, kéo dài nhiều năm mới bị phát hiện… Và mặc dù sự việc đã xảy ra hơn 10 năm nhưng đến nay “quyền làm người còn sống” cho những cựu tù này vẫn chờ xin ý kiến của tỉnh. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần lập tổ công tác, tổ chức đối chất giữa các bên. Thông tin về sự việc NTNN sẽ phản ánh trong các số báo sau.