Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

“Không chấp nhận Giám đốc mổ giỏi nhưng quản lý kém”

Lời bàn của Osin Huy Đức

BÀ TIẾN ĐANG ĐI ĐÚNG HƯỚNG

Trong vòng một tháng qua, tôi gặp hai bác sỹ giỏi từ chối chức trưởng khoa - một ở Hà Nội (tim); một ở Sài Gòn (gan) - đấy là những bác sỹ có lương tâm. Họ đang là một nhà chuyên môn giỏi nhưng chưa chắc trở thành một nhà quản lý hiệu quả.

Nhưng, muốn có một nền y tế đi đúng hướng thì không chỉ trông cậy vào lương tâm của các bác sỹ mà còn phải có chính sách đúng. Hy vọng ý kiến này của bà bộ trưởng sẽ trở thành nguyên tắc.

Không rõ ở VN đã có khoa quản trị y tế hay giáo dục chưa? Làm bệnh viện, trường học và thậm chí làm báo đều là làm "business". Kinh doanh mà không hiệu quả thì cho dù có bao nhiêu mục tiêu cao cả cũng phải đóng cửa. Ngay cả "phi lợi nhuận" thì trước hết cũng phải làm ra lợi nhuận vấn đề là sử dụng đồng tiền đó để ăn chia hay tái đầu tư cho y tế hay giáo dục... Muốn hoạt động hiệu quả thì các cơ sở y tế, giáo dục phải được điều hành bởi những nhà quản trị chuyên nghiệp.

Việc tiếp theo mà bà bộ trưởng nên sớm cho làm là cần tạo ra một môi trường bình đẳng cho cả khu vực công và tư trong y tế. Khu vực tư không thể phát triển, không thể đưa ra mức viện phí mang tính cạnh tranh khi các bệnh viện công vẫn còn bao cấp. Cần từng bước yêu cầu các bệnh viện công phải hạch toán kinh doanh, tính đủ giá thành điều trị.

Nhà nước nên hạn chế tối đa đầu tư vào hạ tầng y tế ở những vùng tư nhân có thể đầu tư và đang tập trung quá nhiều bệnh viện công. Ngân sách chi cho y tế chủ yếu nên thông qua gói bảo hiểm y tế căn bản cho người thu nhập thấp.
***

Quốc Ngọc

“Không chấp nhận Giám đốc mổ giỏi nhưng quản lý kém” 

TP - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói như vậy tại hội nghị nâng cao công tác quản lý các dịch vụ thuê bên ngoài vào bệnh viện tổ chức ở TPHCM ngày 15/8. Theo bà việc bổ nhiệm giám đốc bệnh viện không còn quá chú trọng vào chuyên môn, mà quan trọng phải là năng lực quản trị, tương lai giám đốc bệnh viện như là một CEO.

Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đưa ra hàng loạt các tồn tại trong quản lý dịch vụ thuê ngoài tại bệnh viện.

Điển hình như vụ bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương dùng xích khóa xe cấp cứu khiến dư luận phẫn nộ, nạn thu phí giữ xe vượt quy định, côn đồ, xã hội đen, trộm cắp lộng hành trong bệnh viện… Ngoài ra, công tác quản lý dịch vụ xử lý rác thải y tế, quản lý giá thuốc, tổ chức các dịch vụ khác cũng chưa tốt.

“Nhiều bệnh viện đã triển khai hiệu quả việc thuê nhà cung cấp bên ngoài thực hiện công tác bảo vệ, trông xe, ăn uống, dinh dưỡng, vận chuyển, cứu thương… nhằm chuyên nghiệp hóa cung cấp dịch vụ, giảm chi phí đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, vẫn còn những bệnh viện thực hiện chưa tốt, gây phiền hà cho người bệnh và thân nhân, để xảy ra những sự việc đáng tiếc gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của bệnh viện và ngành y tế”, ông Khuê nhận định.

Bác sĩ Lê Bích Liên - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - nêu khó khăn quá tải cũng chính là nguyên nhân khiến cả trong và ngoài bệnh viện mất an ninh. “Luôn trong tình trạng quá tải 120%, việc bảo đảm an ninh trật tự, đề phòng kẻ xấu trà trộn vào bệnh viện của chúng tôi rất khó khăn”, bà nói.

Tương tự tại Bệnh viện Chợ Rẫy, với 63 nghìn lượt bệnh nhân khám nội trú chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016 và gần 668 nghìn lượt khám ngoại trú, mỗi ngày bệnh viện có đến 6.000- 9.000 kg rác thải. Do đó, việc duy trì môi trường sạch sẽ, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện là rất căng thẳng.

Dù từ năm 2002, bệnh viện đã chuyển sang thuê công ty chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh đảm nhiệm công việc này, giúp bệnh viện tiết kiệm chi phí, tạo hình ảnh chuyên nghiệp, chống lây nhiễm chéo hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Đại diện một bệnh viện tỉnh miền Trung đặt vấn đề, khi bệnh nhân yêu cầu xe vận chuyển có trang thiết bị và nhân viên y tế trợ giúp thì phải quản lý như thế nào, vì đây không chỉ là dịch vụ thuê ngoài mà còn dính đến chuyên môn, bệnh viện cũng phải có trách nhiệm? Nên chăng để chính quyền địa phương phê duyệt kế hoạch cũng như kết quả đấu thầu các dịch vụ này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói tình trạng lộn xộn taxi ra vào các bệnh viện, chứng tỏ cũng chưa được quản lý chặt chẽ. Việc một người bệnh “đi kèm” cả chục thân nhân gây “quá tải”, mất trật tự, mất vệ sinh trong bệnh viện cũng cần phải được xem xét quản lý lại. “Bệnh viện cần đặt ra quy định cấp thẻ nuôi bệnh cho 1 người nhà, ra vào theo giờ quy định…” - Bộ trưởng Tiến nói.

Người đứng đầu Bộ Y tế cho rằng quản lý chưa tốt các dịch vụ ngoài chuyên môn nêu trên, chính là do cứ bác sĩ nào giỏi nghề thì cất nhắc lên làm giám đốc. Việc một giám đốc bệnh viện có chuyên môn, không quan trọng bằng một người có năng lực quản trị bệnh viện, quản trị các dịch vụ.

“Sắp tới, nên hướng tới mô hình hội đồng bệnh viện thuê giám đốc vào làm việc trong bệnh viện như là một CEO. Không thể chấp nhận một giám đốc bệnh viện mổ giỏi nhưng lại quản lý tài chính kém, bệnh viện không xanh sạch đẹp”, Bộ trưởng Tiến khẳng định.