Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Formosa đang luyện thép hay... tuyển vàng?

Thiên Minh

Petrotimes - Bộ Tài nguyên Môi trường vừa công bố kết quả phân tích mẫu bùn thải của Formosa Hà Tĩnh chôn lấp trái phép tại thị xã Kỳ Anh, điều đặc biệt là chỉ số xyanua vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần. 

Chính hàm lượng xyanua cao gấp nhiều lần mức cho phép đã khiến dư luận thắc mắc và đặt ra câu hỏi: Formosa đang làm gì ở Vũng Áng, luyện thép hay tuyển vàng có trong quặng thép? Sở dĩ dư luận thắc mắc, vì từ xưa đến nay, nhắc đến xyanua là người ta nghĩ tới tuyển vàng.

Vậy, xyanua có tác dụng gì trong quá trình tuyển vàng. Từ những tài liệu chúng tôi thu thập, có thể tóm tắt quá trình tuyển vàng như sau: xyanua là chất mà hàng nghìn năm nay các cụ nhà ta đã liệt nó vào chất kịch độc. Chính vì độc tính cao nên cha ông ta có câu “nhất nhân ngôn nhì thạch tín”. Nhân ngôn là xyanua, còn thạch tín là asen. Cho đến bây giờ, xyanua vẫn được xếp vào hàng kịch độc. Một cơ thể người có trọng lượng 50kg, nếu ăn 50 miligam là tử vong.

Thế nhưng, xyanua nó là tác nhân phục vụ khai thác, chế biến kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim… không thể thiếu. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu vẫn chưa tìm ra chất nào thay thế xyanua trong quá trình lấy vàng ra từ đất.

Trong tự nhiên, vàng chủ yếu gặp ở dạng tự sinh. Vàng có mặt ở dạng bao thể, xâm nhiễm mịn trong các quặng sunfua Fe, Cu, As, Ag, Sb và hiếm khi có trong galenit và sphalerit. Những khoáng vật chủ yếu chứa vàng là vàng tự sinh. Cho đến nay, công nghệ hòa tách xyanua là công nghệ chủ đạo, nếu như không muốn nói rằng là công nghệ duy nhất để thu hồi vàng từ các loại quặng và quặng tinh vàng gốc.

Cách đây hơn nửa thế kỷ khi nói đến công nghệ thu hồi vàng bằng hòa tách xyanua, chúng ta có thể hiểu ngay đó là quá trình chuyển vàng trong quặng sang dạng phức chất xyanua và sau đó thu hồi vàng từ dung dịch bằng quá trình kết tủa bằng kẽm kim loại.

Trên thế giới, ngoài những hạt vàng nhìn thấy người ta tuyển bằng trọng lượng qua máng lọc, thì vàng nhỏ đến mức không thể lắng, dính vào đất, đá, không chìm được thì buộc phải dùng xyanua để tuyển. Xyanua trong môi trường phù hợp thì chỉ hòa tan vàng chứ không hòa tan các chất khác. Nói một cách dễ hiểu là vàng gốc lẫn trong đất đá người ta nghiền nhỏ rồi đổ vào bể cho xyanua vào để phân tách. Sau khi hòa tan thì người ta đưa kẽm vào thì nó giải phóng xyanua. Vàng lắng đọng người ta phân kim, rửa sạch là ra vàng nguyên chất.

Từ thực tế trên, dư luận đặt ra câu hỏi hoài nghi rằng: Formosa đang vừa luyện thép, nhưng đồng thời tuyển vàng trong quặng thép ấy hay không? Đây là câu hỏi rất khó có câu trả lời, cần sự vào cuộc nghiên cứu một cách khoa học, công phu của các cơ quan chức năng (!?)

Tuy nhiên, trước khi có câu trả lời chính thức từ phía cơ quan chức năng, Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn - Giảng viên Hóa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Trước vấn đề dư luận hoài nghi, Formosa Hà Tĩnh thải ra lượng lớn bùn có chất xyanua vượt ngưỡng cho phép, có thể nhà máy này trá hình luyện thép để tuyển vàng. PGS. TS Trần Hồng Côn nhận định: “Không thể nhận định như vậy được mà phải bắt tận tay day tận mặt mới quy kết”.


PGS. TS Trần Hồng Côn cho rằng, việc Formosa thải bùn có lượng xyanua vượt ngưỡng cho phép chất thải nguy hại là điều rất dễ hiểu. Quan trọng, thông số xyanua trong bùn thải vượt ngưỡng mà không xử lý lại đưa đi chôn lấp là không thể chấp nhận được. Xyanua tan trong nước, nếu không xử lý đúng quy định sẽ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Giải thích về bùn thải của Formosa có xyanua, PGS. TS Trần Hồng Côn nói: “Trước khi luyện thép, người ta phải luyện cốc (than đá) để gia nhiệt. Than đá là nhiên liệu chính phục vụ quá trình luyện thép, thế nhưng gốc tích của than đá lại là thực vật”.

Than đá là một loại nhiên liệu hóa thạch được hình thành ở các hệ sinh thái đầm lầy nơi xác thực vật được nước và bùn lưu giữ không bị ôxi hóa và phân hủy bởi sinh vật, cả ở những cánh rừng bị cháy được vùi lấp. Thành phần chính của than đá là cacbon, ngoài ra còn có các nguyên tố khác như lưu huỳnh.

“Do than đá có nguồn gốc là thực vật nên có rất nhiều tạp chất, vì thế khi người ta dùng nó làm nhiên luyện luyện thép phải loại bỏ những thành phần dễ bay hơi, dễ cháy. Và sản phẩm cuối cùng là than đá. Quá trình luyện cốc nó thải ra xyanua, sulfu và cả bùn đất…” - PGS. TS Trần Hồng Côn nói.

Nói rõ hơn về chất xyanua, PGS.TS Trần Hồng Côn cho hay, xyanua hay Cyanide là tên gọi các hóa chất cực độc có ion, gồm một nguyên tử cacbon và một nguyên tử nitơ. Đây là chất kịch độc, nhưng nó lại là nhân tố cực kỳ quan trọng trong quá trình tuyển kim loại quý hiếm, như Vàng, bạc, bạch kim.

Xyanua được tìm thấy trong những hợp chất là những chất được hình thành từ hai hay nhiều hoá chất. Xyanua có thể phản ứng với kim loại và những hợp chất hữu cơ khác. Xyanua có thể được sản sinh ra bởi vi khuẩn, nấm và được tìm thấy trong một số thức ăn và thực vật.

Trong cơ thể của con người, xyanua có thể kết hợp với một loại hóa chất như hydroxocobalamin để hình thành vitamin B12. Trong những loại thức ăn được chế biến từ thực vật như quả hạnh, hạt chồi của cây kê, cây đậu, đậu tương, đậu nành, rau chân vịt, măng tre, rễ cây sắn, bột sắn hột tapioca đều có chứa xyanua.

Phần lớn lượng xyanua có trong nước và đất xuất phát từ những quá trình công nghiệp. Nguồn thải chính của xyanua vào trong nước là nguồn thải từ quá trình khai thác mỏ, công nghiệp hoá chất hữu cơ, những công việc liên quan đến sắt, thép. Đặc biệt trong công nghiệp luyện thép, xyanua là độc chất chính gây ô nhiễm nguồn nước.

Những nguồn xyanua khác xuất phát từ xe cộ, từ những ngành công nghiệp hoá học, chất đốt từ những nhà dân trong thành phố và thuốc trừ sâu có chứa xyanua.