Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Bún bò Huế, và quảng cáo… an ninh nước Việt?

Kỳ Duyên

VNN - Vì lòng tham, dường như có không ít những kẻ nhân danh người Việt đang quảng cáo về… an ninh, chủ quyền nước Việt?

Quảng cáo là một lĩnh vực, trong thời kinh tế thị trường đầy sự cạnh tranh, ngành nào cũng cần, bởi đó là ‘liệu pháp” chung của nhân loại. Thế nhưng, rất có thể vô tình quảng cáo trở thành lĩnh vực… đàm tiếu. Vì nó “quảng cáo” luôn tư duy ngộ nghĩnh của con người.

Bún bò Huế “kiểu” nào?  

Ấy là chuyện quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế” của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế ban hành cách đây ít lâu, được dư luận xã hội vừa cười vừa hưởng ứng… ngược.

Nói đến ẩm thực, phải nói là chuyện làm dâu trăm họ.

Bởi cho dù xứ Huế, cha sinh mẹ đẻ của món bún bò Huế, nhưng có phải cái tiêu chí chất lượng của UBND tỉnh đưa ra là duy nhất đúng? Bún bò Huế, như nhiều món ẩm thực của nước Việt, tuy cốt cách của nó cho phép phân biệt với các món ấm thực dòng họ Bún nổi tiếng không kém: Bún bò Nam Bộ, bún chả Hà Nội, bún nước lèo Sóc Trăng, bún mắm miền Tây Nam Bộ…, nhưng ngay ở xứ Huế thì cái tiêu chí của UBND Thừa Thiên- Huế đưa ra chưa chắc đã được các cụ, các o, các mệ người “Huệ” chấp nhận.

Bởi khẩu vị truyền thống của thế hệ truyền từ đời xa xưa đến thời hiện đại, là đã khác nhau, chưa kể những sáng tạo trong chế biến dẫn đến sự thay đổi khẩu vị thưởng thức. Dễ hiểu vì sao các cụ, các mệ người “Huệ” không đồng tình:   

Bầy tui sống gần thế kỷ, uống muốn hết nước sông Hương mà còn chưa dám nói tô bún bò Huế chính gốc là làm răng. Nghe cái quy định chi đó bảo rằng bún bò Huế có chả cua, là trật lất với bún bò Huế ngày xưa. Vì cua có vị tanh đặc trưng của hải sản, làm răng sống chung với bún bò Huế được? Chưa kể, bún bò Huế cho các mệ (dân hoàng phái) thì dứt khoát nước phải trong, không màng mỡ ớt, không có gân, không có huyết và không ăn kèm với rau. Nhưng bún bò cho người lao động thì ngược lại. Vậy, trong cái quy định về Bún bò Huế chuẩn mực của UBND tỉnh này theo kiểu nào? (Tuổi trẻ, ngày 08/8).

Rõ là chuyện ẩm thực không đùa với khách ăn.

Dù từ xưa đến nay, khách sành ăn và khó tính, đến Huế vẫn phải thừa nhận bún bò Huế là một món ẩm thực đặc trưng xứ Huế đi thì nhớ ở thì thương.

Nhưng điều khiến cho dân tình xôn xao nhất là ý tưởng “Ai muốn bán bún bò Huế phải đến Huế xin phép?” (Tuổi trẻ, ngày 06/8). Nếu cứ đà phải xin phép này thì gay quá. Xin được trích dẫn đoạn đối thoại “dân gian” kiểu chiếu chèo sân đình Bắc bộ với cách quảng bá ẩm thực kiểu “bún bò Huế”:

- Muốn bán bún bò Huế phải xin phép UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, vậy bán mỳ Quảng thì phải xin phép ai?

- Xin phép UBND tỉnh Quảng Nam chứ ai!

- Thế muốn bán hủ tiếu Nam Vang thì xin phép ai?

- Xin phép chính quyền ở Campuchia. Tương tự, nếu muốn bán vịt quay Bắc Kinh thì phải qua xin phép chính quyền ở Bắc Kinh.

-Thế chẳng may bị ghẻ Tàu thì xin phép ai?

- Hỏi chi mà ngu lâu lạ. Thì sang Tàu xin phép … “ người Tàu” chứ ai?

Cũng theo báo Tuổi trẻ, rằng Ý là xứ sở của món Pizza nổi tiếng, và trên thế giới cũng có rất nhiều kiểu pizza! Đến Mỹ người ta có thể ăn pizza kiểu Mỹ, sang Trung Quốc thì xơi pizza kiểu Trung, còn đến Việt Nam thì thưởng thức pizza gần gũi với khẩu vị Việt... Nhưng cứ nói đến pizza thì dứt khoát phải nghĩ đến Ý chứ không phải nước nào khác.

Tranh cãi chê chán, lòng vòng như… sợi bún, đến thời điểm này mới hay, những nơi sử dụng logo “Bún bò Huế” sẽ đi theo tiêu chuẩn khung về món bún bò Huế mà bản quy chế trên đã đăng ký và được chấp thuận về mặt sở hữu trí tuệ. Còn nếu không treo logo theo thiết kế, quy cách của UBND Thừa Thiên-Huế đã đăng ký sở hữu trí tuệ, các quán bún bò Huế cứ việc nấu bún bán bình thường (VietNamNet, ngày 07/8).

Thị trường và khách hàng mới chính là “điểm đến” buộc người Huế phải biết trân quý, và gìn giữ món ẩm thực đặc sắc của mình

Quảng cáo an ninh quốc gia?

Ở một góc độ khác, cũng là chuyện quảng cáo, lại là sự quảng cáo… cho quản lý lỏng lẻo, vô trách nhiệm của chính quyền cơ sở.

Đó là câu chuyện khu “phố Tàu” tái xuất sát nách Thủ đô gây ồn ào tuần qua. Hiện tượng này chẳng mới mẻ gì. Trước đó, báo chí từng cảnh báo không ít hiện tượng “phố Tàu” ở Việt Nam. Nhưng vấn đề là hình như các “phố Tàu” cứ tiến dần, tiến về Thủ đô một cách… cố ý, còn ngược lại các quan chức cơ sở lại thường rất… vô tình. “Khu phố Tàu” ở đây là các làng nghề mộc Đồng Kỵ, Phù Khê (thị xã Từ Sơn- Bắc Ninh). Gọi là tái xuất bởi các khu phố này từng phải dỡ hàng trăm biển hiệu “tiếng Tàu” vi phạm Luật Quảng cáo năm 2013.

Nghĩa là luật cứ ban hành, quảng cáo cứ treo?

Chữ viết, tiếng nói của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia không chỉ là văn hóa, mà ở góc độ quảng cáo, đó chính là thái độ tự tôn, khẳng định chủ quyền, vị thế quốc gia. Người viết bài chợt nhớ nước Nga trong chuyến đi du lịch cách đây ít năm. Ở bất cứ khách sạn 05 sao, cho đến nhà hàng nào, cũng chỉ rặt tiếng Nga, không có bất cứ thứ tiếng nào, kể cả tiếng Anh, thứ tiếng khá thông dụng của thế giới. Sự kiêu hãnh về quốc gia của họ đến mức hơi cực đoan, thậm chí có phần cản ngại trong các dịch vụ du lịch với khách nước ngoài, nhưng nó cũng cho thấy tính tự chủ, kiêu hãnh về chủ quyền quốc gia rất cao.

Đặt hiện tượng đó bên cạnh những biển hiệu chỉ rặt “tiếng Tàu” ở nước Việt sẽ thấy điều gì? Nếu không phải là sự thiếu tự trọng, thiếu tự tôn đến mức đáng xấu hổ, cho dù nhân danh chuyện kinh doanh buôn bán.

Người dân các làng nghề, do nhận thức đơn giản, hạn chế bởi mưu sinh hoặc kiếm tiền, nhưng chính quyền cơ sở của hai làng nghề Đồng Kỵ, Phù Khê này họ làm gì?

Ông Trần Quang Nam- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh thừa nhận, đây không phải lần đầu tiên khu “phố Tàu’ xuất hiện. Và cũng không chỉ riêng Đồng Kỵ mà còn nhiều khu vực khác. Nhưng ông cũng thú nhận không hiểu vì sao thời gian gần đây hiện tượng này lại xuất hiện trở lại.

Ông là giám đốc phụ trách ngành văn hóa, liên quan đến quảng cáo, du lịch, nhà hàng mà cũng không hiểu, thì ai hiểu được đây?

Nhưng xét cho cùng, người Việt treo biển quảng cáo “tiếng Tàu”, vi phạm Luật quảng cáo vẫn còn có thể xử lý kịp thời. Còn những việc khác nghiêm trọng hơn nhiều, nhưng xử lý e rằng lại rất khó.

Đó là hiện tượng “Những ông chủ giấu mặt ở ‘phố Tàu’ Đà Nẵng” (VietNamNet, ngày 11/8). Điều đặc biệt hơn nữa, khu “phố Tàu” này nằm sát sân bay Nước Mặn, đã được quy hoạch phân lô nền biệt thự, với 246 lô. Trong đó, 77 lô ở những vị trí đắc địa do 07 công ty người Trung Quốc góp vốn với phía Việt Nam - thành lập và trực tiếp điều hành, mua đứt…

Đúng là có tiền mua tiên cũng được!

Còn theo Thiếu tướng Trần Minh Hùng - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, toàn bộ tuyến đường dọc ven biển là khu vực có vị trí quân sự trọng yếu, bất khả xâm phạm.

Bất khả xâm phạm đến mức người Việt thì không mua được, nhưng người Trung Quốc lại có thể làm chủ cả một khu vực rộng lớn, sát sân bay Nước Mặn? Thế mới tài. Vì sao?

Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT t/p Đà Nẵng, họ (người Trung Quốc) lợi dụng kẽ hở của pháp luật Việt Nam, góp vốn, mua cổ phần rất nhỏ tại các doanh nghiệp hoặc dự án để trở thành nhà đầu tư, sử dụng đất. Nhiều dự án được đại gia người Trung Quốc đầu tư xin thời hạn cấp đất đến 50 năm.

Vậy ngành chức năng có biết họ là người Trung Quốc không? Hoặc những ai là người Việt đứng ra “che chở” cho những người Trung Quốc đứng tên mua nhà, mua đất, mua dự án lên đến nửa thế kỷ?

Chính quyền Đà Nẵng chả lẽ không hiểu những vụ việc tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng như thế này, trong khi người dân ai cũng hiểu?

Chuyện quảng cáo, nhưng là tầm nghĩ và trách nhiệm của chính quyền cơ sở.

Vì lòng tham, dường như có không ít những kẻ nhân danh người Việt đang quảng cáo về… an ninh, chủ quyền nước Việt?