Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Chính phủ kiến tạo và bài học từ tháp Babel

Phạm Trung Tuyến

VNN - Mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Chính phủ là đúng đắn, và chúng ta đã có đủ quyết tâm, có mục tiêu rõ ràng, song lại đang gặp trở ngại do chưa tìm được tiếng nói chung giữa các bộ ngành.

Dù ngân sách rất khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn dành ra khoản tiền 2000 tỷ đồng để xử lý cấp bách tình trạng hạn mặn ở các tỉnh ĐBSCL. Bộ Kế hoạch – Đầu tư muốn phân bổ đều số tiền 2000 tỷ đồng cho các tỉnh, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn lại muốn dùng số tiền đó để hoàn thành các dự án thủy lợi dang dở. Kết quả, sau nửa năm, hai Bộ không tìm được tiếng nói chung khiến số tiền đó vẫn chưa được giải ngân, và mùa hạn mới lại sắp bắt đầu.

Cái cách mà những đồng tiền cứu hạn quý báu bị nằm chết trong kho bạc vì các Bộ không tìm được tiếng nói chung là một bi kịch. Không chỉ là bi kịch của những người nông dân trên cánh đồng đang chết khát, câu chuyện này còn là trăn trở của một Chính phủ đầy khát vọng kiến tạo nhưng các thành viên nội các lại khó liên lạc với nhau.

Hai vị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Nông nghiệp, cũng như mọi thành viên khác trong nội các của Chính phủ, chắc chắn đều thống nhất quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ hành động, như lời tuyên thệ của Thủ tướng. Nhưng, qua câu chuyện 2000 tỷ cứu hạn, quyết tâm kiến tạo đang có nguy cơ đi vào con đường của những người xây tháp Babel (*).

Trở lại với câu chuyện 2000 tỷ đồng không thể giải ngân. Có thể, trong việc này, từ Chính phủ, đến các Bộ liên quan đều mong muốn làm sao để giải quyết một cách hiệu quả nhất vấn đề hạn mặn bằng số tiền 2000 tỷ đồng. Nhưng, Bộ Kế hoạch – Đầu tư muốn theo cách của mình. Bộ Nông nghiệp cũng thế. Các cơ quan Bộ đã chưa thể có được tiếng nói chung.

Vậy thì tiếng nói chung cần có đó, sẽ phải là tiếng nói của ai?

Thông điệp nhậm chức của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ về Chính phủ kiến tạo. Đó là một Chính phủ vận hành trên nền tảng thượng tôn pháp luật, đổi mới, sáng tạo vì người dân, vì doanh nghiệp. Thay vì quản lý hành chính cứng nhắc phải chuyển sang mô hình phục vụ, tạo thuận lợi nhất cho người dân, và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy thì tiếng nói chung của các thành viên trong nội các Chính phủ kiến tạo phải là tiếng nói của người dân, và doanh nghiệp.

Nhưng tiếng nói của những người nông dân đang tuyệt vọng trên cánh đồng khô hạn đã không thể xuất hiện trong cuộc đấu nửa năm qua của hai cơ quan Bộ. Với những người nông dân đó, họ cần tiền ngay để cải thiện tình hình, họ cần những hồ chứa để tích trữ nước ngọt cho mùa hạn sau, họ cần hệ thống kênh mương tốt để đảm bảo tưới tiêu, họ cần giải pháp nuôi cây gì trồng cây gì cho phù hợp với biến đổi môi trường…. Nhưng những người nông dân không có tiếng nói quyết định đối với số tiền kia. Quyền quyết định thuộc về hai cơ quan Bộ, còn đang mải bảo vệ tiếng nói của mình.

Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Chính phủ là đúng hướng và đã có đủ quyết tâm, có mục tiêu rõ ràng, song để xây dựng một Chính phủ kiến tạo thành công, có lẽ, cũng giống như khát vọng xây dựng tháp Babel, điều quan trọng nhất là phải tìm được tiếng nói chung giữa các bộ ngành. Và tiếng nói đó, dĩ nhiên, không thể là một thứ tiếng nói nào khác ngoài lợi ích của nhân dân.

Nhưng, Chính phủ sẽ làm gì để tiếng nói của nhân dân xuất hiện trong hội trường, nơi vốn chỉ là nơi diễn ra các cuộc họp giữa cách bộ, ngành?
***

Tháp Babel là câu chuyện được ghi trong sách Sáng thế. Sau nạn hồng thủy, những người sống sót đã quyết tâm cùng nhau kiến tạo một ngọn tháp chạm tới thiên đường, để chứng minh sự bất diệt của con người. Với sự đồng lòng, những con người bé nhỏ và đoàn kết đã xây ngọn tháp đó cao gần chạm thiên đường, đến nơi ở của đấng toàn năng.

Chúa trời dĩ nhiên không muốn con người thành công để có thể kiêu hãnh đến thế, ông ta mới cho mỗi một nhóm người một thứ tiếng nói riếng khiến họ không còn hiểu được ngôn ngữ của nhau nữa. Bất đồng ngôn ngữ, không thể đồng lòng, việc xây tháp không thể nào tiếp tục.