Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Mức hài lòng cao, sao dân vẫn khiếu kiện nhiều?

TP - Ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng đã đặt câu hỏi trên tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015 (SIPAS 2015) diễn ra sáng 26/4.

Dân vẫn phải mất phí bôi trơn

Phạm vi khảo sát SIPAS 2015 được tiến hành với 6 thủ tục hành chính, gồm: Cấp giấy chứng minh nhân dân, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng nhà ở, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh và Chứng thực trong khoảng thời gian từ 1/1/2014  đến 30/6/2015. 

10 địa phương được khảo sát gồm Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Lai Châu, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Tây Ninh, Cà Mau. Chương trình chọn 36 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh, sau đó chọn 108 xã, phường, thị trấn để khảo sát. Tổng mẫu khảo sát xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2015 là 11.873 phiếu, đạt tỷ lệ 78,53%.

Kết quả khảo sát cho thấy, về tiếp cận dịch vụ, số người hài lòng chiếm từ 73,7% đến 86,1%. Về thủ tục hành chính, tỷ lệ người dân hài lòng là từ 73,5- 88,7%. Ở cả hai tiêu chí này, 3 thủ tục hành chính giải quyết ở cấp huyện được hài lòng thấp hơn 3 thủ tục ở cấp xã. Sự phục vụ của công chức đạt mức hài lòng từ 74,3% đến 87,2%. 

Về kết quả giải quyết thủ tục hành chính, số người hài lòng về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp nhất (73,7%); thủ tục cấp giấy đăng ký kết hôn hài lòng cao nhất (89,8%). Đáng chú ý, theo khảo sát, toàn bộ 6 thủ tục đều có tình trạng người dân phải trả thêm tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định của Chính phủ. 

2 thủ tục hành chính hiện không thu phí, lệ phí là cấp giấy đăng ký kết hôn và cấp giấy khai sinh có nhiều người trả tiền ngoài quy định nhất, chiếm 21,9% và 28,4%. 4 thủ tục còn lại có số người dân khẳng định phải trả thêm tiền ngoài phí, lệ phí chiếm từ 4,9 – 9,7%.

Sao dân vẫn khiếu kiện nhiều?

Phát biểu góp ý tại hội nghị, bà Phan Thị Tố Hoa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho rằng, có nhiều khó khăn trong việc lập danh sách số lượng người tham gia khảo sát. “Khi lấy danh sách người tham gia khảo sát nhiều khi có sự nhầm lẫn. Ví dụ nhầm lẫn giữa người đi khai sinh và người được khai sinh. Do không làm kỹ lại lấy tên của người được khai sinh là em bé để triệu tập”, bà Hoa nói. 

Bà Hoa cũng đặt câu hỏi về chỉ số SIPAS 2015. “So với quá trình đi tiếp xúc cử tri, đi làm việc với người dân, qua hộp thư phản ánh, chúng tôi thấy bức xúc của người dân còn nhiều. Nếu theo kênh đó thì kết quả của chúng ta không đạt được như thế này. Sự hài lòng này là cao. Cao thế thì đã sát chưa”, bà Hoa nói. 

Cũng theo bà Hoa, để sát hơn, đánh giá thực hơn thì cần thực hiện khảo sát diện rộng hơn, ví dụ cấp tỉnh thì phải triển khai ở tất cả các huyện bởi vì mỗi huyện cách giải quyết các thủ tục khác nhau, có huyện quan tâm thì chỉ số cao, có huyện ít quan tâm thì chỉ số thấp.

Ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng đặt câu hỏi tại sao chỉ số hài lòng cao thế, trong khi người dân vẫn phải đi khiếu kiện nhiều, khi tiếp xúc cử tri thì cử tri rất gay gắt… “Tại sao mức độ cao thế mà người dân lại khiếu kiện nhiều thế, báo chí phản ánh tiêu cực nhiều thế? Rõ ràng có mâu thuẫn giữa kết quả thu về và thực trạng đang diễn ra. Hài lòng cao thế mà gọi đến đường dây nóng nhiều thế, cử tri phản ứng nhiều thế”, ông Sơn đặt câu hỏi. 

Theo ông Sơn, trong quá trình khảo sát, Đà Nẵng cũng gặp nhiều vấn đề trong đó có việc đối tượng khảo sát thiếu hợp tác với người khảo sát. “Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu niềm tin vào bộ máy công quyền. Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào vấn đề này. Chưa hẳn ai cũng hào hứng với việc khảo sát. Người ta còn cảm nhận cơ quan nhà nước rất hình thức, đối phó. Các anh đi khảo sát nhiều nhưng chẳng thấy thay đổi gì cả, sai vẫn còn đó, chậm sửa chữa”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, số lượng phiếu phát ra quá ít, đôi khi lại không phát đúng đối tượng. Trong mẫu phiếu quá rườm rà, rắc rối, phức tạp. Đôi khi người dân nhờ người khác đánh giá hộ. Chủ nghĩa nể nang, hình thức cũng chi phối.

“Một nhà nước của dân, do dân, vì dân thì phải có trách nhiệm làm cho dân hài lòng. Dân chưa hài lòng thì phải cảm thấy nóng ruột. Không hài lòng đã phức tạp rồi, mà lại còn rất không hài lòng thì sao. Chúng ta đã bước sang năm thứ 16 cải cách hành chính rồi mà còn để dân rất không hài lòng thì phải xem xét lại”, ông Sơn cho biết.

Ông Sơn kể về kinh nghiệm của Đà Nẵng: “Sở Nội vụ kết hợp với Sở Thông tin Truyền thông công bố đầu số điện thoại 1022 tích hợp hơn 200 số điện thoại đường dây nóng khác nhau để lắng nghe, tiếp thu tất cả ý kiến phản hồi, phản ánh, đề xuất kiến nghị của tổ chức, công dân. Nếu đường dây nóng mà gọi đến không nghe, ngày nghỉ không mở máy, không lưu lại thông tin, cũng không biết về quá trình xử lý kiến nghị thì sao được. Chúng tôi công bố số điện thoại này, người dân chỉ cần điện đến 1022, liên quan ngành nào thì tổng đài chuyển đến cho cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Thời gian tối đa không quá 7 ngày phải trả lời. 

“Đà Nẵng đề cao trách nhiệm giải trình. Hồ sơ trễ hẹn thì người đứng đầu bộ phận đó phải có trách nhiệm giải trình bằng văn bản. Nếu do lỗi cá nhân thì phải xin lỗi bằng văn bản. Cá nhân hai lần vi phạm việc xin lỗi bằng văn bản thì xem xét điều chuyển vị trí khác, xem xét việc bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo…”, ông Sơn nói.