Đào Tuấn
LĐO - “Thu ngân sách 1 triệu tỷ mỗi năm nhưng chi lương thường xuyên cho cán bộ hành chính đã hết 400 nghìn tỷ đồng... Một ông nông dân cõng bốn ông công chức béo thì chết, dân oán thán lắm”.
Điển tích có. Thực tế có. Tàu có. Ta có...Và cuối cùng là để nói chuyện “Một ông nông dân cõng bốn ông công chức béo”. Là chuyện “dân oán thán lắm”.
Tôi tin phản ứng của cử tri, cũng như của nhân dân khi nghe ĐBQH Đỗ Văn Đương, trong phát ngôn nghị trường, đã nói đến những cái- không thể gọi khác- là sự tệ hại trong bộ máy nhà nước. Sự tệ hại của bộ phận không nhỏ công chức nhà nước.
“Xem phim Tể tướng Lưu gù thì thấy, ngân khố Nhà nước có 2 triệu lạng nhưng riêng Hòa đại nhân đã có tới 800 triệu lạng. Bộ máy Nhà nước tham nhũng ghê lắm. Còn quan chức Nhà nước mình, các dự án lớn có bóng dáng quan chức lớn không, có cổ phần của họ không?”- ông Đương đặt một câu hói rất lớn, rất khó!
Rồi “Chạy tiền để vào công chức. Chạy nhiều tiền để lên chức... Nhiều người vì cái chức mà tìm cách thu hồi vốn, rồi thu lãi... Đè dân nghèo ra mà lấy lãi... (Muốn khóc quá).
Rồi “nợ nước ngoài hiện khoảng 80 tỷ USD còn xuất khẩu gạo hàng năm chỉ khoảng 3 tỷ USD...Cái gì cũng ngân sách Nhà nước thì chết, dân không nuôi nổi”. Cái thuế phí, nói kiểu “báo cáo” là tỉ lệ động viên- đang hình như ở top đầu thì phải
Rồi “Thu ngân sách 1 triệu tỷ mỗi năm nhưng chi lương thường xuyên cho cán bộ hành chính đã hết 400 nghìn tỷ đồng... Một ông nông dân cõng bốn ông công chức béo thì chết, dân oán thán lắm”. Vâng, 2,8 triệu công chức. 11 triệu người hưởng lương từ NSNN. Ông Đương còn kể thiếu 900.000 cán bộ thôn, định xuất ngoài ngân sách nhưng hưởng lương từ đóng góp của dân. Ông Đương còn quên không thể không nhắc đến con số 500 cán bộ ở một xã nổi tiếng với nghề ăn xin- từng dậy sóng dư luận.
Và ông Đương cũng quên khấy “phép cộng tinh giản”, một đặc sắc của cải cách hành chính tồn tại cả chục năm qua ở xứ ta.
Không phải là oán nữa. Mà nó vượt quá sức chịu đựng của dân rồi!
Và cứ mãi thế thì dân sống sao đây?
Nhưng thưa các bạn, phải chăng sẽ lại là chuyện lời nói gió bay, ai nói thì người đó nghe khi sau đó không ai trả lời cũng chẳng có cơ quan nào phản hồi?
Và sự im lặng rất ư là “nhàn tản Lưu Gù” của những người có trách nhiệm đang cho thấy những phát ngôn “thẳng ruột ngựa” của ông Đương giống như kiểu “Chắc nó trừ mình ra”.
Cái tệ, vì thế là việc nói nói nữa, nói mãi, từ một vị đại biểu của dân với trong tay là thẩm quyền, trên lý thuyết- là giám sát tối cao, song thực tế thì lại như nước chảy mây trôi không chút thay chuyển.
Phải cảm ơn ông Đương, vì dù sao ông đã nói tiếng nói của cử tri, của dân chúng. Cho dù cứ nói thật mãi mà chẳng thay đổi được điều gì thì cái tệ ấy mới chính là... thật tệ.