Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Từ tấm vé 15.000 đồng phi lý đến nhân phẩm bị bỏ quên

Phạm Trung Tuyến

(Dân Việt) Khi chúng ta dễ dàng từ bỏ danh dự của bản thân để chấp nhận những điều phi lý, liệu chúng ta có khả năng tôn trọng danh dự của người khác hay không?

Khi đưa người thân đến sân bay, dù không gửi xe nhưng xe chúng ta vẫn bị chặn lại để thu 15.000 đồng. Nếu đi taxi, cước phí đương nhiên bị cộng thêm khoản tiền “phí sân bay”. Chúng ta đương nhiên hiểu là mình phải chịu khoản phí này, với hình dung là phí sân bay, và không mấy khi chúng ta nhìn xem nội dung của tờ biên lai thu tiền.

Thực ra, số tiền 15.000 đồng mà chúng ta vì nó mà bị chặn xe lại không phải “phí sân bay”. Trên biên lai thu tiền, nó được ghi là “vé sân đỗ ô tô”. Câu chuyện đáng nói là sảnh ga hàng không có phải là sân đỗ ô tô hay không, nơi mà chúng ta chỉ được dừng xe tối đa 5 phút đó có phải là sân đỗ ô tô hay không, và Công ty cảng hàng không có được quyền chặn xe chúng ta để thu khoản tiền đó?

Tôi không tin rằng cái cổng soát vé mà chúng ta vẫn phải dừng lại mỗi khi đưa đón người thân ở sân bay nằm trong thiết kế của một nhà ga hàng không. Bởi tại bãi đỗ xe đã có cổng vào, ra và thiết bị thu phí tiêu chuẩn, không liên quan đến đường ra vào sân bay.

Tôi không hề thấy cái cổng đó cùng với khoản thu phi lý ấy ở bất cứ cảng hàng không nào trên thế giới.

Tôi cũng tin rằng mọi khoản lệ phí dịch vụ ở sân bay đều đã được cộng vào trong tấm vé máy bay.

Nhưng, ở mọi nhà ga hàng không trên đất nước mình đều có cái cổng đó.

Cái cổng soát vé, một thiết chế biểu tượng của sự cưỡng ép sử dụng dịch vụ. Những cái cổng soát vé, cũng giống như những cái đinh câu rút cắm vào danh dự của chúng ta, biến chúng ta thành những kẻ tuẫn nạn mà quen với việc chấp nhận mọi sự phi lý như một điều đương nhiên. Quen, đến mức không cần nhìn lại xem mình đã phải trả tiền để làm gì.

Tấm vé sân đỗ ô tô ở Nội Bài mà tôi đã lưu, nó ghi rõ thời gian đỗ là 00 phút, với giá 15.000 đồng. Điều đó thật sự là kỳ khôi khi mà lâu nay chúng ta đã vui vẻ trả tiền cho một dịch vụ không hề dùng đến. Nó là minh chứng cho sự vô trách nhiệm của chúng ta đối với những giá trị con người mà chúng ta tưởng rằng mình vẫn hằng theo đuổi.

15.000 đồng có thể không phải là vấn đề tài chính đối với nhiều người. Song, đó là số tiền vô lý. Khi chúng ta mặc nhiên chấp nhận tấm vé đó thì câu chuyện không phải chỉ giản đơn là chấp nhận một khoản chi nhỏ, mà chúng ta chấp nhận bị áp đặt một sự vô lý.

Chúng ta vô trách nhiệm với danh dự của mình khi mặc nhiên chấp nhận việc bị áp đặt những điều phi lý. Điều đó không chỉ thể hiện ở tấm vé đỗ xe. Khi chúng ta chấp nhận bị giữ lại để kiểm tra hành lý khi rời khỏi sân bay, chúng ta cũng đã tự cho phép các nhân viên hàng không có quyền nghi ngờ chúng ta là kẻ gian, tự đặt mình ở vị trí của một nghi phạm.

Khi chúng ta dễ dàng từ bỏ danh dự của bản thân để chấp nhận những điều phi lý, liệu chúng ta có khả năng tôn trọng danh dự của người khác hay không?

Khi chúng ta tự cho phép người khác có quyền không tin tưởng vào sự trong sạch của mình, liệu chúng ta có còn khả năng tin tưởng sự trong sạch của những người xung quanh?

Với sự dễ dãi, mặc nhiên chấp nhận việc bị tước bỏ quyền được tôn trọng của bản thân, chúng ta sẽ mất đi khả năng lên tiếng trước những hành vi chà đạp nhân phẩm của con người. Và, bằng sự dễ dãi đó, chúng ta tạo nên cuộc sống này.