(TBKTSG) - Ngày 30-6-2016 này sẽ là hạn chót mà các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải nhập thông tin báo cáo online trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (http://www.hemis.moet.edu.vn), theo như chỉ đạo về việc rà soát, chấn chỉnh đào tạo trình độ tiến sĩ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 9-5-2016 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông báo kết luận số 298/TB-BGDĐT ngày 13-5-2016.
Trước đó, vào hồi đầu tháng 5-2016, truyền thông trong nước đăng tải nhiều thông tin loạn chuẩn trong đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam, gây ra tình trạng tràn lan “tiến sĩ giấy”. Những phản ứng của giới học thuật và xã hội trước hiện trạng trên đã dẫn đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có động thái “rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo tiến sĩ từ năm 2013 đến nay nhằm đánh giá việc đào tạo trình độ tiến sĩ của cơ sở đào tạo và từng ngành đào tạo, đồng thời bổ sung và cập nhật cơ sở dữ liệu về đào tạo trình độ tiến sĩ trong cả nước”.
Trong bản thông báo nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải cung cấp lại thông tin về: thời gian (mà cơ sở) được giao ngành đào tạo, theo quyết định nào, ngôn ngữ đào tạo, chi phí trung bình cho một nghiên cứu sinh bao nhiêu trên một năm, đơn vị quản lý chuyên môn, báo cáo về đội ngũ giảng viên cơ hữu đang tham gia chủ trì ngành đào tạo.
Ngoài ra, trong bản mẫu Báo cáo Tổng hợp còn có các yêu cầu cung cấp thông tin chung về cơ sở đào tạo.
Việc yêu cầu các cơ sở rà soát lại những thông tin trên là vô cùng quan trọng để cho thấy bức tranh tổng quan về đào tạo tiến sĩ trong tình hình Việt Nam. Điều này sẽ giúp lý giải thực trạng thừa mứa học vị nhưng yếu về chuyên môn. Nhưng động thái của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, hóa ra, ngay cả trong vấn đề hệ trọng, đó là việc đào tạo ở học vị cao ở các cơ sở (tại các đại học, học viện), cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong bối cảnh kinh tế tri thức bấy lâu nay chính cơ quan chức năng quản lý cũng không nắm rõ.
Nhìn lại, Thông tư 38/2010/TT-BGDĐT ngày 22-12-2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, hồ sơ, quy trình cho phép một cơ sở được mở chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, thì thấy có vài điểm lưu ý về chuyên môn chưa được đề cao theo chuẩn quốc tế và có thể đây là kẽ hở để một số “lò” hạ chuẩn phục vụ mục đích thương mại.
Cụ thể, thông tư trên đưa ra tiêu chí một học viện, đại học có đủ điều kiện đào tạo tiến sĩ phải đảm bảo rằng trước đó đã đào tạo trình độ thạc sĩ ngành hoặc chuyên ngành tương ứng với chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, có ít nhất hai khóa học viên đã tốt nghiệp; có khả năng xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, có khả năng phát hiện vấn đề nghiên cứu, hướng dẫn, chỉ đạo nghiên cứu sinh xây dựng đề cương nghiên cứu đề tài luận án, hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hiện đề tài luận án, viết luận án và tham gia hội đồng chấm luận án tiến sĩ. Ngoài ra, thông tư trên cũng quy định cơ sở đó có ít nhất một giáo sư hoặc phó giáo sư và bốn tiến sĩ cùng ngành là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo, trong đó có ba người cùng chuyên ngành đề nghị cho phép đào tạo, đủ khả năng và điều kiện để thành lập hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ và tổ chức đánh giá luận án theo quy định của quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ hiện hành; mỗi giảng viên là tiến sĩ có ít nhất ba công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có trong danh mục của hội đồng chức danh giáo sư nhà nước quy định trong năm năm trở lại đây tính đến ngày cơ sở đào tạo đề nghị cho phép đào tạo chuyên ngành trình độ tiến sĩ...
Những tiêu chí nêu trên cho thấy việc đào tạo tiến sĩ trong thời điểm này có mặt tiến bộ đó là giao cho các trường khi đã đủ điều kiện thì tự tổ chức. Nhưng chính vì các yêu cầu nêu ra không cao đã dẫn tới việc các lò đào tạo mọc lên ồ ạt. Điều này cộng với những yêu cầu bất nhất, sửa đi sửa lại, thiếu khắt khe trong Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 7-5-2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sửa đổi bằng Thông tư số: 05/2012/TT-BGDĐT ngày 15-2-2012 - với tiêu chí ngoại ngữ, tiêu chí nghiên cứu công bố quốc tế chưa bắt buộc và ở mức độ cao) dẫn đến việc một mặt, đâu cũng có thể đủ điều kiện mở lò đào tạo tiến sĩ (để thu lợi và đánh bóng thương hiệu cơ sở giáo dục) và tạo điều kiện cho nhiều người hợp thức hóa đường công danh, tìm cơ hội tiến thân bằng cách “đầu tư” đi lấy học vị tiến sĩ chứ không vì những ý hướng theo đuổi học thuật, khát khao hội nhập quốc tế trong nghiên cứu chuyên môn thực sự.
Báo chí thời gian qua cũng phản ánh về sự yếu kém của những nghiên cứu tiến sĩ trong nước, thậm chí có trường còn ra giá cả cho một tấm bằng tiến sĩ (có nơi lên tới một tỉ đồng). Một khi học vị tiến sĩ bị tầm thường hóa, những tiến sĩ được đào tạo ra không trở thành những nhà nghiên cứu có ích cho cộng đồng xã hội và khoa học thì một hệ lụy khác cũng vô cùng nguy hiểm phát sinh: xã hội sẽ có cái nhìn thiếu trọng vọng đối với những tiến sĩ, trí thức nói chung.
Không biết sau khi các trường minh bạch thông tin chương trình đào tạo tiến sĩ của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có động thái gì tiếp theo. Nhưng thoạt nhìn qua việc “rà soát” mang tính “tự khai” như đã nêu, không quá khó để tưởng tượng thấy những bảng thống kê đẹp.