Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Trừng phạt nghiêm khắc

ĐẶNG PHƯƠNG

TTO - Không thể bảo vệ môi trường bằng niềm tin, bằng kêu gọi tính lương thiện, sự mẫu mực, trách nhiệm trước cộng đồng của nhà đầu tư hay chỉ bằng các báo cáo đánh giá tác động môi trường, mà phải bằng sự trừng phạt nghiêm khắc.

Hôm nay, Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân gây cá chết ở bốn tỉnh duyên hải miền Trung, sau ba tháng kể từ khi xảy ra đợt cá chết đầu tiên.

Cũng hôm nay, Bộ Tài nguyên - môi trường công bố quyết định thanh tra toàn diện về môi trường tại Nhà máy giấy Lee & Man nằm bên bờ sông Hậu, do dư luận quan ngại hệ lụy xấu sẽ xảy ra với môi trường khi nhà máy này đi vào hoạt động.

Dù chưa rõ nguyên nhân gây cá chết nhưng dư luận lâu nay đã hướng vào tác nhân do con người xả thải, trong đó có hệ thống nhà máy ở dự án Formosa Hà Tĩnh.

Báo chí Đài Loan mới đây đã điều tra và cho rằng chính nhà máy thép của đất nước họ đã gây hại trên vùng biển miền Trung Việt Nam.

Nguyên nhân do đâu chúng ta sẽ biết. Nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp của con người luôn là tác nhân hủy hoại môi trường sống một cách khủng khiếp nhất.

Khi các nhà máy đi vào hoạt động, chủ nhà máy luôn nói sẽ tuân thủ các quy định khắt khe về môi trường. Phải nói vậy vì không tuân thủ thì không được sản xuất. Thế nhưng có nơi nào nhà máy, xí nghiệp mọc lên mà không ô nhiễm?

Sông Đồng Nai được cảnh báo ô nhiễm khủng khiếp khi mỗi ngày nhận lượng nước thải của trên 4.500 họng xả thải từ các nhà máy, xí nghiệp, làng nghề...

Sông Thị Vải (Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) hàng chục năm trời có nồng độ oxy hòa tan trong nước ở mức cực thấp mà không rõ nguyên nhân, cho đến khi cảnh sát môi trường vào cuộc.

Dân nuôi cá trên sông Chà Và ở làng bè Long Sơn đang kiện 14 doanh nghiệp ra tòa. Nhà máy mía đường Hòa Bình phải đứng ra bồi thường cho những người nuôi cá trên sông Bưởi (Thanh Hóa)...

Sông, biển bị tổn thương và nơi nào có họa đều có các hoạt động công nghiệp ở đó.

Vì sao chủ nhà máy luôn nói có hệ thống xử lý chất thải hiện đại nhưng xã hội vẫn không yên tâm? Thực tế là khá nhiều hệ thống xử lý chất thải chỉ là để làm cảnh.

Tại ĐBSCL, hàng loạt nhà máy có hệ thống xử lý chất thải đúng chuẩn nhưng chỉ để đối phó với các cuộc kiểm tra, còn chất thải được xả lụi.

Hơn 1.100 tấn cá của người nuôi cá trên sông Cái Vừng ở An Giang chết hồi cận tết vừa qua có nguyên nhân từ những kiểu “xử lý chất thải” như vậy.

Cũng vì kiểu làm như vậy mà nhiều hệ thống xả thải dù có kết nối với hệ thống quan trắc của cơ quan chức năng nhưng môi trường vẫn ô nhiễm, người dân không sống được, đi thì dở, ở không xong.

“Chọn cá, tôm hay nhà máy?”, câu nói tai tiếng của một vị đại diện Formosa vào đợt cá chết đầu tiên ở khu vực biển miền Trung ngày 6-4 rất đáng suy nghĩ. Tại sao không chọn cả cá, tôm và cả nhà máy?

Chọn cả hai, cả phát triển kinh tế và bảo đảm môi trường, đó mới là sự phát triển bền vững. Muốn vậy, pháp luật về môi trường phải nghiêm khắc, những người thực thi công vụ phải nghiêm minh; trình độ quản lý nhà nước về môi trường đủ mạnh để phát hiện và trừng phạt nghiêm khắc những công ty gây ra ô nhiễm.

Không thể bảo vệ môi trường bằng niềm tin, bằng kêu gọi tính lương thiện và sự mẫu mực, trách nhiệm trước cộng đồng của nhà đầu tư hay chỉ bằng các báo cáo đánh giá tác động môi trường, mà phải bằng sự trừng phạt nghiêm khắc.

Đó cũng là lẽ công bằng khi môi trường sống của cộng đồng bị xâm phạm. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể yên tâm chọn cả cá, tôm và cả nhà máy.