Petrotimes - Nói như vậy là hoàn toàn có cơ sở. Không chỉ ở Đà Nẵng, Nha Trang, mà cả phố cổ Hội An (Quảng Nam), hướng dẫn viên (HDV) du lịch “chui” là người Trung Quốc, thường xuyên lợi dụng những tour đưa khách đi tham quan để xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
HDV du lịch “chui” - kẻ phá hoại nguy hiểm
Đưa du khách đến biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), tay HDV “chui” nói với du khách rằng, đây là biển Trung Quốc! Chỉ tay lên đỉnh Sơn Trà hắn bảo, đấy là núi của Trung Quốc!
Những ngày này, tại phố cổ Hội An, những HDV “chui” cũng đang hoạt động bất hợp pháp một cách ráo riết. Lãnh đạo thành phố Hội An một mặt tăng cường công tác kiểm tra, mặt khác đã báo cáo với tỉnh Quảng Nam vào cuộc để xử lý.
Ngay từ năm 2014, khi ông Nguyễn Sự còn là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hội An, đã phải yêu cầu cơ quan chức năng không bán vé cho một du khách người Trung Quốc vào tham quan phố cổ và trục xuất người này ra khỏi địa phương, vì người này lớn tiếng cho rằng, Hội An là của Trung Quốc, vào mua sắm mắc mớ gì phải mua vé.
Ngang ngược và vô văn hóa đến thế là cùng. Theo ông Sự, xưa nay Hội An đón rất nhiều các đoàn khách quốc tế, trong đó có cả các đoàn khách Trung Quốc. So với các đoàn khách khác, khách Trung quốc thường rất ồn ào, nói to, nhưng chưa có bất cứ biểu hiện gì về xuyên tạc lịch sử. Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở vùng biển Việt Nam, giai đoạn ấy khách du lịch Trung Quốc hầu như không tới Việt Nam và Hội An nữa. Sau khi họ rút giàn khoan, thì lượng khách Trung Quốc trở lại khá đông. Và tình trạng “xuyên tạc lịch sử” cũng rộ lên từ đó.
Việc HDV du lịch “chui” người Trung Quốc hành nghề bất hợp pháp ở Hội An, Đà Nẵng và Nha Trang không còn đơn thuần là hành nghề thuần túy, mà phía sau đó còn có những dụng ý khác. Chính họ, với vỏ bọc là HDV du lịch đã và đang cố tình xuyên tạc lịch sử Việt Nam một cách trắng trợn. Và cũng chính họ là những kẻ đang cố tình “phá hoại” mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Vì vậy chính quyền các địa phương cần khẩn trương xác minh làm rõ để báo cáo với Chính phủ. Đồng thời đề nghị Chính phủ chính thức có ý kiến với phía Trung Quốc cùng vào cuộc, cấm nhập cảnh với những phần tử nguy hiểm này.
Phải coi bọn chúng là “kẻ phá hoại” của cả hai quốc gia, có như vậy mới ngăn chặn được sự “phá hoại ngầm”; và đích thực chúng là những tên lính xung kích của đội quân “xâm lăng văn hóa” này.
Phải xử lý thích đáng đám… “Việt gian”!
Dư luận chung đòi hỏi như vậy đối với những doanh nghiệp và cá nhân đang tiếp tay cho HDV du lịch “chui” người Trung Quốc hoạt động. Có thể khẳng định rằng: không có sự tiếp tay từ phía doanh nghiệp và cá nhân người Việt Nam, thì không có đất cho HDV du lịch “chui” người Trung Quốc hoạt động.
Những chiêu trò “lách luật” của các doanh nghiệp du lịch Trung Quốc là không mới, nhưng vẫn “dư sức” hấp dẫn các doanh nghiệp và cá nhân ở một số địa phương sẵn sàng làm “tay trong” để qua mắt cơ quan chức năng chính quyền sở tại. Có thể dẫn ra đây một số ví dụ.
Thuê người Việt Nam đứng tên, là một thực tế đã và đang xảy ra không chỉ ở Đà Nẵng, mà ở nhiều địa phương khác. Doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng đổ tiền để cho một số người Việt Nam hám lợi làm “bù nhìn”. Với danh nghĩa là công ty du lịch của người Việt, nhưng mọi hoạt động và điều hành là người Trung Quốc.
Cách đây không lâu tại Đà Nẵng, showroom H.A cao su thiên nhiên (đường Xuân Thủy, quận Cẩm Lệ) bán chăn, gối, nệm cao su thiên nhiên chỉ đón khách Trung Quốc và “cấm cửa” khách Việt. Khi cơ quan báo chí vào cuộc, té ra showroom này do một người Việt làm “giám đốc bù nhìn” cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Sau khi báo chí phản ánh, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt showroom này 15,5 triệu đồng vì kinh doanh có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định và nhập khẩu các sản phẩm cao su nhưng chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Việc HDV du lịch “chui” hoạt động rầm rộ tại một số địa phương, nhất là trên địa bàn Đà Nẵng, cũng là do doanh nghiệp Trung Quốc “mua” được một số HDV du lịch người Việt làm “bình phong”. “Chiêu trò” của họ là thuê một người có thẻ “hành nghề”, thuật ngữ du lịch gọi là sitting guide, ngồi trên xe và chỉ có nhiệm vụ là “trình thẻ” khi có các đoàn thanh tra du lịch, còn mọi hoạt động như đưa khách đi đâu, mua sắm ở địa chỉ nào, hướng dẫn tham quan ra sao… tất tần tật là HDV “chui” đảm nhiệm.
Có một thực tế, các doanh nghiệp Trung Quốc thường “hấp dẫn” khách hàng bằng bán tour rất thấp. Để bù lại, đội ngũ HDV “chui” tìm mọi cách đưa khách đến mua sắm tại “những địa chỉ” của họ. Tất nhiên, giá cả ở đó ở “trên trời” và nguồn gốc xuất xứ “lờ mờ”. Địa phương sở tại không những thất thu thuế, mà còn “mang tiếng oan” là giá cả đắt đỏ, chất lượng kém. Và chắc chắn du khách “ra đi” không bao giờ trở lại.
Tại Nha Trang đã xảy ra việc kiện tụng giữa một doanh nghiệp du lịch Trung Quốc với doanh nghiệp sở tại. Chưa biết vụ kiện này đúng sai ra sao, nhưng rõ ràng có sự “móc ngoặc”, rồi “ăn chia” không sòng phẳng giữa hai doanh nghiệp về việc đưa khách Trung Quốc đến địa phương này.
Kiến nghị
Du lịch “chui” và HDV du lịch “chui” là người Trung Quốc đang làm bẩn đi môi trường văn hóa du lịch. Hậu quả và cả những hệ lụy trước mắt và lâu dài là không nhỏ. Siết chặt công tác quản lý làm cho môi trường du lịch trở lại trong lành là yêu cầu bức thiết đang đặt ra.
Trao đổi với những nhà quản lý du lịch, chúng tôi đều nhận được ý kiến chung là: Để tiến tới chấm dứt các vụ việc đã nêu trên. Việc cần làm là phải có sự phối hợp của Chính phủ hai nước. Mà trực tiếp là ngành du lịch hai nước, cần sớm rà soát và chỉ cho phép những doanh nghiệp hội đủ những yêu cầu mới được phép kinh doanh du lịch.
Tình trạng công ty du lịch phát triển như “nấm mọc sau mưa” trong thời gian vừa qua, làm cho “thật giả lẫn lộn”, những cái gọi là “công ty” thành lập một cách vội vã, kinh doanh “chụp giật”, không chỉ làm thiệt hại cho du khách, làm xấu đi hình ảnh của người Trung Quốc.
Về phần mình, đề nghị chính quyền các địa phương điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh những kẻ tiếp tay cho HDV du lịch “chui”, những kẻ làm “bù nhìn” cho các tour du lịch Trung Quốc. Các điểm du lịch cần có các tờ rơi in bằng các thứ tiếng, giúp cho du khách hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa.
Công tác quản lý cần có sự giám sát liên ngành, rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân, bảo đảm sự bình đẳng và bảo đảm các điều kiện mới được hoạt động. Cùng với đó là kiểm tra việc lưu trú của du khách nói chung, người Trung Quốc nói riêng, phải nắm được mục đích cụ thể của họ là gì. Với các điểm bán hàng có yếu tố nước ngoài phải niêm yết giá công khai, bảo đảm chất lượng và xuất xứ nguồn gốc.
Chúng ta không kỳ thị, không phân biệt đối xử với bất kỳ ai, nhưng cũng kiên quyết không cho phép bất cứ ai lợi dụng danh nghĩa du lịch để làm náo loạn môi trường du lịch, làm vẩn đục sự trong lành của xã hội, phá hoại thiện ý của chính phủ và nhân dân Việt Nam: Việt Nam là bạn bè của các dân tộc trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn với môi trường trong lành, thân thiện, mến khách vốn có.