Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

Khắc chữ, nghề xưa đọng lại

Hải Anh

TTTG - Giờ đến con đường Lê Lợi (trung tâm quận 1), để ý quan sát ta sẽ bắt gặp ít nhất hai gương mặt con người rất đỗi bình dị, đã gắn bó với nghề khắc chữ trên bút máy ít nhất 30 năm có lẻ.

Nói đến trung tâm Sài Gòn ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh những cửa hàng, cửa hiệu được trang hoàng hiện đại; hay những nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại cao vút tầm nhìn, ít ai nghĩ đến nơi đây còn lưu giữ một nghề có thể nói là cổ nhất Sài Gòn – nghề khắc chữ trên bút máy.

Giờ đến con đường Lê Lợi (trung tâm quận 1), để ý quan sát ta sẽ bắt gặp ít nhất hai gương mặt con người rất đỗi bình dị, đã gắn bó với nghề khắc chữ trên bút máy ít nhất 30 năm có lẻ.

Ông Nguyễn Thắng, một trong hai nghệ nhân khắc chữ còn sót lại của con đường Lê Lợi Sài Gòn này, dù đã bước qua tuổi 60, vẫn hàng ngày tỉ mẩn  khắc từng con chữ lên cây bút máy.

Công việc “phát đạt” đến mức ông chẳng thèm bận tâm đến những đổi thay xung quanh mình. Bởi hơn 30 năm qua ông vẫn cứ “trụ trì” nơi đó với cái nghề xưa này.

Ông Thắng cho hay, ông “khoái” cái nghề khắc chữ từ cái thuở còn cắp sách đến trường. Thấy những dòng chữ như rồng bay phượng múa ai mà không thích.

Và rồi ngày ông rời quê hương Hải Dương vào Sài Gòn lập nghiệp, ông đã rắp tâm học bằng được. Nghề không phụ người có tâm, nghề khắc chữ đã nuôi sống gia đình ông từ đó đến nay.

“Chỉ có điều giờ khắc chữ trên bút máy ít khách hơn, khắc chữ trên những vật phẩm lưu niệm. Khách của tôi giờ là du khách hoặc những đôi trai gái đến nhờ khắc vào những vật phẩm kỷ niệm”, ông Thắng cho biết.

Và ông Thắng cũng tâm sự thêm, ngoài có đủ tiền trang trải cuộc sống thì điều làm ông gắn bó với nghề này chính là những nét chữ của mình sẽ được mang đi khắp nơi, còn lại đâu đó với tất cả sự trân quý của người được trao tặng.

Cũng trên con đường Lê Lợi, cũng đồng hương với ông Thắng là ông Kính. Ông nói, cái nghề khắc chữ đã khiến ông yêu đến mức không tài nào dứt được.

Ông kể lại những năm sau giải phóng, để sống với nghề, hàng ngày ông đi bộ khắp Sài Gòn rao khắc chữ.

Để rồi đến những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, nghề khắc chữ lên ngôi, nhiều người đã từng nhờ ông khắc chữ khi đi khắc dạo tìm ông hoài không thấy, đến khi thấy thì khuyên ông nên “đóng một chỗ” để khách tiện tìm đến. Và như thế ông đã chọn ngã tư đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa làm chỗ “hạ trại khắc chữ” cho đến nay.

“Giờ, dù nghề khắc chữ đã mai một, hàng loạt người bỏ nghề nhưng với tôi lúc nào cũng đầy khách và sống khoẻ”, ông Kính hóm hỉnh chia sẻ.

Đang cười nói huyên thuyên là vậy nhưng khi hỏi nếu sau này ông trăm tuổi thì điều ông tiếc nhất là gì, ông Kính bỗng trầm hẳn.

“Tôi cố lưu giữ một cái nghề cho Sài Gòn – mảnh đất bao che, vun bồi cho bao người con xa xứ – thế mà xem ra cái nghề này được nhiều người học nhưng ít ai muốn gắn bó như mình. Và như vậy chuyện nghề này rồi đây sẽ mai một là điều có thể nghĩ đến…

Đó là cái tiếc lớn, còn cái tiếc nhỏ chính là khi trăm tuổi tôi phải xa cái góc nhỏ Sài Gòn này với bao kỷ niệm về tình người, tình đời và cả tình yêu nữa thì… ”, ông Kính bùi ngùi nói khi chuẩn bị dọn đồ ra về.