VNN - Chính những bài học trả giá đi trước của các quốc gia phát triển bao giờ cũng giúp ích cho những quốc gia đi sau, trong đó có Việt Nam.
Chỉ tiếc, dường như những bài học đó vẫn chưa được nằm lòng. Và vì thế mà môi trường sống của nước Việt chưa bao giờ có bài học cuối cùng. Vì sao?
500 triệu USD đền bù và lời xin lỗi
Cuối cùng, nỗi đau lớn nhất của người dân suốt hai tháng nay cũng được… vỡ ra.
Chiều ngày 30/6, vào lúc 17 giờ, đã diễn ra cuộc họp báo của Chính phủ chính thức công bố nguyên nhân, thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết. Cùng đó là giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và phương án đền bù cho ngư dân vùng ảnh hưởng. Cuộc họp được người dân cả nước chờ đợi theo dõi, với bao tâm trạng.
Hai tháng qua, hiện tượng cá chết đã thu hút toàn bộ sự quan tâm của cả đất nước, chất chứa cả hoài nghi và đau đớn. Khiến toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân, truyền thông cả nước phải vào cuộc với thái độ tích cực, quyết liệt. Vì cá chết, biển bị bức tử, không chỉ là nguồn sống của ngư dân 04 tỉnh miền Trung, mà còn là sự hủy hoại kinh tế biển, kinh tế du lịch, môi trường sống lâu dài, ảnh hưởng sức khỏe, thể lực của cả một dân tộc, vào những năm tháng vận nước đang cực kỳ nhiều thách thức.
Nhưng hiện tượng cá chết cũng đòi hỏi sự phân tích khách quan và sáng suốt, khoa học về môi trường, loại trừ dần những giả thiết thiếu cơ sở khoa học, giữa dầy đặc thông tin thiện chí, thiếu thiện chí, khoa học, phản khoa học tung ra trên các trang mạng xã hội, trong thời đại thế giới phẳng.
Người đứng đầu Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật bất kỳ ai vi phạm các nguyên tắc bảo vệ môi trường. Ngành chức năng đã huy động hơn 100 nhà khoa học đầu ngành của 30 cơ quan trong và ngoài nước, vào cuộc, điều tra, phản biện độc lập để có được kết luận chính xác nhất.
Còn sự minh bạch là điều dư luận xã hội chờ đợi nhất.
Kết quả điều tra đã cho thấy: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 04 tỉnh miền Trung chết bất thường (VietNamNet, ngày 30/6).
Cũng theo VietNamNet, trước đó, ông Trần Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gửi thư tới toàn thể cán bộ nhân viên trong công ty, cho biết, theo kết quả điều tra của đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ TN&MT chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ đã gây ra cá chết. Mặc dù đây là một kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ.
Ngày 28/6, sau nhiều lần làm việc với Bộ TN&MT, các bộ ngành, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm làm hải sản chết hàng loạt tại 04 tỉnh.
Trong hàng loạt cam kết của Formosa với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, có 03 điểm đáng chú ý nhất. Đó là: 1) Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 2) Bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD. 3) Cam kết hoàn thiện công nghệ sản xuất để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua….
Còn trong lời xin lỗi, Chủ tịch Formosa Trần Nguyên Thành cùng ban lãnh đạo Formosa cam kết, thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết với Chính phủ liên quan đến vụ việc này, cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của Việt Nam.
Người dân Việt Nam đang chờ đợi những cam kết nói trên biến thành hiện thực.
Nhưng người dân Việt Nam, cũng chờ đợi ở Chính phủ sự xử lý nghiêm khắc những ai ai có trách nhiệm trong vụ việc đau xót này. Chờ đợi ở các ngành chức năng, chính quyền cơ sở sự minh bạch trong việc thực hiện các phương án đền bù, công bằng, công tâm, răn đe những hành vi ăn chặn, tham nhũng của người dân những vùng thiệt hại.
Một kết thúc có hậu, sau quá nhiều đau đớn và tổn thất lẽ ra không đáng có.
Đùa với sinh mạng người dân?
Hết biển lại đến sông.
Có lẽ, vì quá ám ảnh vụ hàng trăm tấn cá chết ở Vũng Áng mà những ngày này, bỗng rộ lên trên báo chí tâm lý người dân ven sông Hậu rất lo ngại việc Nhà máy Giấy Lee &Man của Trung Quốc (đặt tại Cụm Công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đi vào vận hành mỗi năm sẽ xả thải khoảng 28.500 tấn xút (NaOH) ra sông Hậu, chắc chắn gây ô nhiễm môi trường.
Cho dù nhà máy chưa vận hành, nhưng khi báo chí vào cuộc, cũng tóe loe ra biết bao vấn đề, chứng tỏ lo ngại của người dân sông Hậu thật …nhãn tiền.
Bởi trước hết, đây là một dự án khủng. Nhà máy được xem là có quy mô lớn nhất Việt Nam, nằm trong số 05 nhà máy giấy lớn nhất thế giới, tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, đang ở giai đoạn hoàn thiện. Còn theo TS Tô Văn Trường, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” không có quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang. Và theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010 - tầm nhìn 2020 cũng không có quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại ĐBSCL.
Vậy tại sao lại có nhà máy này?
Chỉ biết, tháng 8-2007, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam tổ chức khởi công dự án Nhà máy giấy Lee & Man khiến không ít tỉnh ngỡ ngàng trước chính sách thu hút đầu tư của Hậu Giang, bởi năm 2004, khi tách từ Cần Thơ (cũ), tỉnh này ngoài làng lúa, làng.. hoa quả, hầu như chưa có gì đáng kể, thậm chí còn rất khó khăn.
Đáng chú ý nhất, những nguyên tắc khi triển khai các dự án liên quan đến môi trường đã được Nhà máy Giấy Lee & Man vượt qua, như không có gì là không thể.
Đó là khi mới thành lập, họ đã không làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), mà chỉ làm bản cam kết bảo vệ môi trường. Năm 2008, theo quy định của Nghị định số 21 của CP, họ buộc phải làm báo cáo ĐTM.
Phải khẳng định, những tác động về môi trường của các cụm công nghiệp không thể thuần túy là dân sinh, mà còn là vấn đề khoa học, cần có những ý kiến phản biện dưới góc nhìn và trình độ am hiểu khoa học nhất định, không thể chỉ là những ý kiến nhận xét chung chung, đa dạng kiểu .. “mặt trận”, mỗi thứ một tí rất hình thức, để cuối cùng nhận được khuyến cáo chỉ là “cần lưu ý thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường” và nhất là “giải tỏa đền bù phải thỏa đáng”(!)
Vì sao họ lại chỉ gửi tham vấn một cách sơ sài như vậy. Liệu đó có phải là “cơ sở thực tiễn” để tiến hành triển khai dự án?
Chưa kể, cũng vẫn theo ông Nguyễn Hữu Thiện, một dự án khổng lồ như thế, mối quan ngại chính nằm ở chất lượng nước thải. Trong khi tổng kinh phí dành cho giám sát chất lượng nước thải chỉ gần 44 triệu đồng/năm với tần suất giám sát 04 lần/năm (với 15 chỉ tiêu). Trong khi vào mùa khô, thủy sản tập trung rất nhiều ở cửa sông Hậu, thì kinh phí dành cho giám sát chất lượng nước thải chưa đến 50 triệu đồng so với rủi ro, với những thiệt hại to lớn như vậy, hệt chuyện đùa.
Liệu có phải nhà đầu tư Trung Quốc đang…. đùa với sinh mạng của hàng vạn người dân vùng sông Hậu?
Bao nhiêu dòng sông sẽ qua đời?
Còn cơ quan chức năng thì sao? Trả lời báo chí, ngày 27/6, lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường (TN& MT) Hậu Giang cho biết, sẽ giám sát, quan trắc nước thải của dự án nhà máy giấy 24/24 giờ, từ trụ sở của sở TN&MT thông qua hệ thống máy tính. Theo đó, thiết bị quan trắc nước thải tự động sẽ do phía công ty lắp đặt, đấu nối, còn sở TN&MT chỉ nhận kết quả từ máy tính. Nhưng, đến nay hệ thống trên chưa được lắp đặt. Hiện hệ thống máy tính sở TN&MT, UBND mới đang trong quá trình chuẩn bị… đầu tư!
Được biết Bộ TN& MT sắp tới sẽ thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, trong đó có Công ty TNHH Giấy Lee & Man.
Ngày nay, quốc gia nào cũng hiểu, tăng trưởng muốn bền vững phải luôn gắn liền với bảo vệ môi trường. Bởi nhân loại đã trải qua không biết bao nhiêu tấn bi kịch- mặt trái của sự phát triển, khi mà kiến thức lẫn tầm nhìn của con người còn hạn chế, mà nhà tư bản thì “Nếu lợinhuận 300% thì bị treo cổ cũng sẵn sàng làm” (Karl Marx). Chính những bài học trả giá đi trước của các quốc gia phát triển bao giờ cũng giúp ích cho những quốc gia đi sau, trong đó có Việt Nam.
Chỉ tiếc, dường như những bài học đó vẫn như chưa được nằm lòng. Và vì thế mà môi trường sống của nước Việt chưa bao giờ có bài học cuối cùng. Vì sao?
Theo báo Tuổi trẻ ngày 28/6, cũng chẳng riêng gì sông Hậu, mà ngay sông Tiền, đeo bám dọc hai con sông lớn của đồng bằng sông Cửu Long là hàng trăm nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Chưa rõ mức độ gây ô nhiễm của những nhà máy, xí nghiệp này, nhưng hai bên bờ sông và những kênh rạch quanh đó đang chết dần. Tại nhiều nhà máy, khu vực xung quanh bốc mùi hôi thối, đầy ruồi nhặng, nước sông ở đó đầy rác rưởi, đen ngòm.
Còn trong một báo cáo giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tỉ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lí nước thải tập trung ở một số địa phương rất thấp, có nơi chỉ đạt 15 - 20%. Một số khu công nghiệp có xây dựng hệ thống xử lí nước thải tập trung nhưng hầu như không vận hành vì để … giảm chi phí. Dọc lưu vực sông Đồng Nai, có 56 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động nhưng chỉ có 21 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại đều xả trực tiếp vào nguồn nước, gây tác động xấu đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận.
Chợt nhớ ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Có một dòng sông đã qua đời
Còn giữa thời kim tiền này, có bao nhiêu dòng sông sẽ qua đời?
Và biển nữa. Ngày xưa biển không… cá chết như bây giờ???
Đến bao giờ biển sẽ lại hồi sinh?